Thất thu 21.000 tỉ đồng/năm: Cần công khai, minh bạch để tránh thất thu

15/09/2016 19:02 GMT+7

Thông tin Thất thu 21.000 tỉ đồng mỗi năm từ khai khoáng trên Thanh Niên ngày 14.9 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Hệ lụy của sự thiếu minh bạch
Đất nước VN giàu khoáng sản. Tuy nhiên, ngành khai thác khoáng sản lại đóng góp cho nền kinh tế, nguồn thu ngân sách không nhiều. Lý do nằm ở sự thiếu minh bạch. Không dễ để có trong tay giấy phép khai thác nguồn khoáng sản nào đó.
Từ giấy phép đến người khai thác thực sự phải trải qua nhiều lần “thay tên đổi họ”, tức giấy phép được mua bán qua nhiều người. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) khai thác phải tìm mọi cách để gian lận, nộp tiền cho nhà nước càng ít càng tốt mới mong có lãi. Ấy là chưa kể đến việc họ sẽ khai thác một cách tận diệt và gần như môi trường nơi khai thác bị hủy hoại nghiêm trọng.
Trần Hồng Hà
(TP.Tân An, Long An)
Kinh khủng chi phí “đi đêm”
Chi phí “đi đêm” của DN khai khoáng ở VN là khoảng 72 - 78% tổng chi phí sản xuất. Đây là con số quá kinh khủng. Như vậy, ngân sách không thất thu sao được khi tiền chỉ rơi vào túi một số cá nhân mà DN khai khoáng đã “đi đêm”. Nếu rõ ràng, minh bạch trong ngành công nghiệp khoáng sản thì tiền “đi đêm” đó chắc chắn sẽ chạy vô ngân sách, vì không ai có thể che chắn được những cái xấu của DN khai khoáng.
Huỳnh Trọng Tấn
(TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Khai thác bền vững
Với những gì báo nêu và nhìn vào thực tế khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay thì trong tương lai gần nguồn khoáng sản tại VN bị cạn kiệt là điều hiển nhiên. Khi đó, chúng ta lại phải đi mua khoáng sản của các nước khác. Vì vậy, cần có cách thức quản lý và khai thác khoáng sản hiệu quả, chống thất thoát nguồn tài nguyên vốn rất hữu hạn để tiến tới khai thác bền vững.
Vũ Minh Giang
(TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Tham gia ngay eiti
Đã đến lúc VN cần tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Một khi đã tham gia vào EITI thì ngân sách không bị thất thu, đảm bảo bình đẳng giữa các DN; tạo môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh. Không thể có chuyện DN này thì đóng thuế ít, DN kia thì đóng thấp dù hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô thường xuyên.
Mai Văn Huân
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Vẫn do cơ chế
Nguyên nhân của tình trạng thất thu từ khai khoáng tại VN vẫn là ở cơ chế kiểm soát nguồn thu khoáng sản chưa tốt. DN tự kê khai nộp thuế dễ dẫn tới việc gian lận. Thực tế khai thác một đằng nhưng DN khai một nẻo, thường thấp hơn nhiều so với khai thác. Làm sao họ làm được như vậy? Tốt nhất phải tiến tới sự minh bạch, rõ ràng để công tác quản lý nhà nước trở nên dễ dàng, hiệu quả, chống thất thu ngân sách.
Huỳnh Trọng Nhân
(TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Phạm Bửu Nguyên
Một khi công khai, minh bạch nguồn khoáng sản thì các DN có thể kiểm tra lẫn nhau, họ biết được lượng khoáng sản ở đó là bao nhiêu, nếu DN khai thác khai báo thấp hơn để nộp thuế và các khoản khác ít hơn sẽ bị “lật tẩy” ngay. Đây là cái lợi lớn nên cần phải làm. Khi không công khai, minh bạch thì tiền sẽ rơi vào một nhóm lợi ích nào đó, còn ngân sách thì thất thu trầm trọng.
Phạm Bửu Nguyên
 (Q.5, TP.HCM)
Nguyễn Văn Tân
Việc minh bạch trong công nghiệp khoáng sản là điều mà các DN làm ăn chân chính đều mong muốn. Một khi đã minh bạch thì các khoản thu ngân sách cũng được công khai. Nhiều DN nộp khoản phí, thuế môi trường hằng năm nhưng không biết dùng nguồn tiền đó vào đâu, đầu tư vào cái gì để giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Vì vậy, minh bạch trong khai khoáng là điều cần phải làm, càng sớm càng tốt.
Nguyễn Văn Tân
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.