Thắp lại những sự kiện tôn vinh thơ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/10/2019 08:00 GMT+7

Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên nắn nót chỉnh lại đèn bên trong quả trứng chứa... bầu trời thơ của cố nhà thơ Xuân Quỳnh .

Đây là tác phẩm điêu khắc anh làm dựa trên cảm hứng từ bài thơ nổi tiếng Bầu trời trong quả trứng. Tác phẩm mô tả quả trứng như một căn nhà ấm áp, có thể tự xoay tròn như trái đất bao la. Trên tường nhà có những câu thơ của cố nữ sĩ: “Tôi đập vỡ màu nâu/Bầu trời trong quả trứng”. “Đấy là điều bất ngờ chúng tôi dành cho người yêu thơ”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tâm sự về sự kiện tưởng nhớ thơ Xuân Quỳnh tổ chức tại không gian Ơ kìa Mỹ thuật Hà Nội ở Đê La Thành vừa qua. Cùng với ông Nguyên, còn có nhiều họa sĩ khác tham gia như: Phạm Hà Hải, Lê Quảng Hà, Đào Hải Phong... Trước đó, bà Điệp cũng tổ chức sự kiện thơ ở không gian Ơ kìa Hà Nội trên phố Hoàng Hoa Thám với hàng chục người đã cùng đọc thơ Lưu Quang Vũ.
Vào cuối tháng 9 qua, một sự kiện thơ đã diễn ra, đó là sự kiện thơ Dư Thị Hoàn - Hành trình không chú thích. Ở đó, người yêu thơ sẽ được trò chuyện với nữ nhà thơ, với nhà phê bình. Nhất là, họ lại sống trong những câu hỏi về khoảnh khắc mà thơ Dư Thị Hoàn đã từng gợi lên... Hiện tại, bà Điệp cho biết các sự kiện văn học như vậy sẽ được tổ chức mỗi tháng một lần.
Cũng cuối tháng 9, đích thân nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, đã “cầm trịch” một sự kiện thơ khác. Đó là buổi tọa đàm giới thiệu tập thơ Xứ của nhà thơ Trần Lê Khánh. Tập thơ này, theo chính tác giả, đến rất tình cờ. Ông Khánh gặp một nhà thơ Mỹ, sau đó cùng nhau dịch thơ sang tiếng Anh rồi xuất bản tại Mỹ. Buổi tọa đàm nói nhiều về con đường thơ của ông Khánh, cũng như nét nhẹ nhàng trong thơ lục bát của ông và có cả phần biểu diễn những bài hát phổ thơ Trần Lê Khánh.
Ông Thiều cho biết NXB và ông sẽ liên tục mở các sự kiện thơ như vậy. Ông chia sẻ những năm chiến tranh ở Văn Miếu người ta nhóm lửa, đốt lửa trại và đọc thơ. Có nhiều người lính đến nghe đêm thơ rồi sau đó đi vào mặt trận. Thế mà hiện tại, những hoạt động thơ như vậy ngày càng ít đi. “Chúng tôi dựng lại nghi lễ của thi ca mỗi quý một lần. Mời tác giả đến đọc thơ, trang hoàng thật đẹp để tôn vinh người đọc, tôn vinh nhà thơ, dù thơ đó dài hay ngắn”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.