Thành tích học tập 'lung linh' liệu đủ chinh phục ĐH top đầu Mỹ?

13/08/2023 11:11 GMT+7

Thực tế cho thấy năng lực học thuật chỉ là điều kiện cần khi ứng tuyển các trường ĐH top đầu của Mỹ. Hồ sơ du học thể hiện quá mức về GPA hay các giải thưởng đạt được trong quá trình học thậm chí còn 'phản tác dụng'.

Từ suy nghĩ phải là thiên tài mới đậu ĐH top đầu Mỹ, ứng viên thường cố gắng thể hiện càng nhiều thành tích học tập càng tốt để gây ấn tượng với nhà tuyển sinh.

Tại hội thảo du học Mỹ với chủ đề "Làm thế nào để trúng tuyển ĐH top đầu Mỹ?" được Trung tâm Tư vấn du học American Study tổ chức trên ứng dụng trực tuyến Zoom vào tối 12.8, ông Trần Đắc Minh Trung, thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, nguyên Trưởng phòng tuyển sinh tại IFSA (Institute for Study Abroad, Mỹ), chia sẻ những thông tin mới giúp học sinh định hướng rõ hơn khi chuẩn bị du học.

Thành tích học tập 'lung linh' liệu đủ chinh phục ĐH top đầu Mỹ? - Ảnh 1.

Cá tính nổi bật của ứng viên sẽ chinh phục nhà tuyển sinh

FREEPIK

Đừng cố chứng minh mình giỏi

Có 10 năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh các trường ĐH top đầu Mỹ, ông Trần Đắc Minh Trung nhận định: "Một trong các tiêu chí để tối ưu hóa hồ sơ du học là xác định tầng lớp/bậc (tiers) của mình, song nhiều bạn dường như tự tin thái quá với những giải thưởng quốc tế, điểm GPA 'cao vút'... Tập trung quá nhiều thành ra định vị sai bậc. Tất cả mọi người đều như nhau khi ứng tuyển vào trường ở Mỹ".

Thậm chí, những hồ sơ có thành tích học tập "lung linh" còn gặp bất lợi trong một số trường hợp, chẳng hạn khi nhà tuyển sinh băn khoăn liệu ứng viên có phải "mọt sách", chỉ biết học mà khó hòa nhập hay không.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Quốc gia về tư vấn tuyển sinh đại học (NACAC) có trụ sở tại Mỹ, hồ sơ là một trong các thành phần có "sức nặng" nhất, bên cạnh bài luận và những kỳ thi tiêu chuẩn. Trong đó, phẩm chất cá nhân là tiêu chí cực kỳ quan trọng để tạo nên "sức nặng" ấy, theo sau lần lượt là phỏng vấn, hoạt động ngoại khóa, tài năng, thế hệ trong gia đình (con đầu/con thứ), mối quan hệ với cựu sinh viên.

Từ đây, việc hiểu được điều mà nhà tuyển sinh thực sự tìm kiếm ở một bộ hồ sơ sẽ hỗ trợ đáng kể cho ứng viên trong quá trình chuẩn bị cũng như gia tăng cơ hội đậu ngôi trường mong muốn.

Giữa hàng trăm bộ hồ sơ du học mỗi năm, hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH tại Mỹ luôn cần một hồ sơ nêu bật cá tính thú vị của ứng viên bên cạnh năng lực học thuật. Các thành viên của hội đồng đều được đào tạo để thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng, bao gồm ghi chú những điều đặc biệt ở từng ứng viên (tính cách, hoàn cảnh, tuổi thơ...).

Thành tích học tập 'lung linh' liệu đủ chinh phục ĐH top đầu Mỹ? - Ảnh 2.

Hướng dẫn của thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung tại hội thảo du học Mỹ tổ chức trên ứng dụng trực tuyến Zoom

CHỤP MÀN HÌNH

"Ngoài yếu tố tầng lớp/bậc, hồ sơ phải thể hiện những tố chất (keywords) được người học xây dựng theo thời gian và cho hội đồng tuyển sinh dấu hiệu nhận biết, mường tượng về bạn. Với số lượng lớn hồ sơ, họ chỉ nhớ theo chi tiết chứ không nhớ được mọi thứ, buộc ứng viên phải chắt lọc thông tin thật ấn tượng", ông Minh Trung nói.

Một yếu tố khác được quan tâm là lớp học của ứng viên tại trường THPT. Theo đó, nhà tuyển sinh sẽ đánh giá khả năng nỗ lực, thích thử thách bản thân của ứng viên thông qua việc học lớp chuyên với điểm số tăng dần đều hoặc ổn định qua từng năm.

Bài luận nói lên cá tính

Hoàn thành bài luận là bước không thể thiếu trong lộ trình ứng tuyển các trường ĐH. Bài luận chính thường dành để nói lên cá tính của ứng viên và có thể thêm một phần nhỏ về mức độ phù hợp với trường cũng như đam mê ngành học. Bài luận phụ sẽ có những đề bài khác nhau tùy vào mỗi trường.

Theo ông Trần Đắc Minh Trung, không có khuôn mẫu cụ thể nào cho một bài luận xuất sắc, bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Thành tích học tập 'lung linh' liệu đủ chinh phục ĐH top đầu Mỹ? - Ảnh 3.

Ứng viên cần đầu tư kỹ lưỡng cho bài luận

SHUTTERSTOCK

Dẫu vậy, ông Trung đúc kết một số tố chất cần lưu ý như sau: "Ở khía cạnh học thuật, hai yếu tố hàng đầu mà các trường ĐH ở Mỹ cần là sự chăm chỉ và tiềm năng. Về đức tính chăm chỉ, đừng ngại thể hiện mình từng làm những công việc nhỏ nhặt để phát triển dần dần. Còn tiềm năng là chứng minh bạn sẽ đứng ở vị trí nào trong tương lai. Ở khía cạnh cá nhân, hãy luôn trung thực, vui vẻ. Còn khía cạnh cộng đồng, điều bạn làm phải có mục đích, ảnh hưởng đến xã hội bằng kết quả cụ thể".

Trong khuôn khổ hội thảo, phụ huynh Trần Thu Hà đã đặt câu hỏi liên quan đến bài luận: "Con tôi nên bắt đầu rèn luyện kỹ năng viết luận từ khi nào?".

Tại đây, diễn giả Trần Đắc Minh Trung đã giải đáp cho chị Hà cũng như những phụ huynh khác có mong muốn cho con em đi du học rằng nên rèn luyện kỹ năng này càng sớm càng tốt theo như các lưu ý nói trên. Bài luận không đơn thuần là bài văn hay đơn xin vào trường, mà như một ấn phẩm dưới dạng viết nhằm thể hiện toàn bộ con người ứng viên nên cần được đầu tư kỹ lưỡng.

6 bước chính trong lộ trình hồ sơ du học gồm:

  1. Tìm hiểu hệ thống giáo dục, ngành học;
  2. Tìm trường, lên danh sách ít nhất 8 trường, nhiều nhất có thể lên tới 20 trường. Phân nhóm trường theo các cấp độ như nhóm nguyện vọng cao, nhóm nguyện vọng "an toàn";  
  3. Tạo tài khoản, tìm hiểu các ứng dụng liên quan đến kênh tuyển sinh trực tuyến;
  4. Hoàn thành các thủ tục;
  5. Hoàn thành bài luận;
  6. Thương thảo về lời đề nghị nhập học của trường (nếu cần), quyết định cuối cùng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.