Thành phố Tân An: Đô thị trẻ - năng động - hiện đại

25/04/2024 16:11 GMT+7

15 năm mang tên TP.Tân An (Long An), diện mạo đô thị trẻ này khang trang, khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tân An - Thành phố đáng sống

Năm 2024 đánh dấu 15 năm TX.Tân An đổi tên thành TP.Tân An - trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa - kỹ thuật của tỉnh Long An. Tỉnh có quy mô kinh tế và tốc độ phát triển bậc nhất vùng ĐBSCL.

Cửa ngõ vào đô thị Tân An trên QL1, theo hướng từ hướng TP.HCM về miền Tây

Cửa ngõ vào đô thị Tân An trên QL1, theo hướng từ hướng TP.HCM về miền Tây

KHẢ NGÂN

Năm 2023, TP.Tân An công bố khẩu hiệu "Thân thiện - Văn minh - Hiện đại". Đó là phong cách, lối sống, hình ảnh của người dân thành phố mà các cấp lãnh đạo tỉnh Long An mong muốn, đồng thời không ngừng đưa ra các các giải pháp để người dân thực hiện.

"Tôi thích ngồi quán cà phê ở bờ kè khu vực cầu Tân An, vừa nghe bài tân cổ Dòng sông quê em, vừa ngắm những sà lan chở lúa gạo, vật liệu dập dìu trên sông Vàm Cỏ Tây và thỉnh thoảng nhìn xe trên QL1… Tôi tự hào về sự đổi thay đô thị theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống tại thành phố mà mình đã gắn bó từ lúc mới sinh tới bây giờ và mai sau nữa", ông Lê Mạnh Hùng (53 tuổi, ngụ P.2, TP.Tân An) chia sẻ.

Thành phố Tân An: Đô thị trẻ - năng động - hiện đại- Ảnh 2.

Trong khi đó, anh Ngô Hoài Phương (40 tuổi, dân nhập cư từ tỉnh Bến Tre) cho biết, lý do anh chọn về TP.Tân An sống và làm việc vì sự thân thiện của người dân địa phương, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng ở Tân An thật ấn tượng. "Tôi đặc biệt ấn tượng với cách phát triển giao thông ở tỉnh Long An nói chung và TP.Tân An nói riêng. Trong đó, các tuyến giao thông liên tục được mở rộng, nâng cấp và dù là hẻm nhưng chính quyền thực hiện sao cho ô tô ra vào được. Chủ trương đó khiến người dân như chúng tôi rất đồng tình vì có đường rộng thì làm ăn cái gì cũng dễ. Tại thành phố này, tôi còn thấy các dự án khu dân cư đô thị nói riêng, dự án phát triển hạ tầng đô thị nói chung đều được hoạch định, triển khai nhanh chóng, thu hút cư dân về ở, tạo dư địa phát triển rất tốt".

Theo UBND TP.Tân An, địa phương đã và đang đầu tư tích hợp các dịch vụ giám sát an ninh, trật tự; an toàn giao thông; chiếu sáng thông minh; giám sát hành chính công, chỉ tiêu kinh tế - xã hội... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cho người dân, cũng như giám sát việc triển khai công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đó cũng là một trong số những hoạt động cụ thể hóa chủ trương phát triển đô thị thông minh, hiện đại của TP.Tân An.

Một góc đô thị TP.Tân An bên sông Vàm Cỏ Tây

Một góc đô thị TP.Tân An bên sông Vàm Cỏ Tây

KHẢ NGÂN

Tiến tới đô thị loại I hiện đại cấp vùng

Năm 2019, T.Ư công nhận TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại II. Trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, TP.Tân An đã đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng như: Công viên P.2 (giai đoạn 2); kè sông Bảo Định; các công trình hệ thống thoát nước chống ngập trong khu vực nội thành; nút giao đường Hùng Vương - QL62.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Long An cho thông xe toàn tuyến đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Đây là một trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công trình giao thông này làm giảm áp lực giao thông cho tuyến QL1, giảm tải phương tiện cơ giới đi vào nội thị, bảo đảm tính kết nối liên hoàn giữa các phân khu đô thị; là trục liên kết giao thông quan trọng giữa TP.Tân An và các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, tạo ra khu vực hành lang trọng điểm phát triển kinh tế, nâng cao hoạt động thương mại - dịch vụ cho vùng trọng điểm. Đồng thời, tuyến đường Vành đai Tân An cũng kết nối trục giao thông QL1 - đường cao tốc và đường thủy thông qua sông Vàm Cỏ Tây hướng về đầu tàu kinh tế TP.HCM. Bên cạnh đó, đường Vành đai TP.Tân An còn tạo không gian sẵn sàng để đầu tư các khu đô thị mới, kiểu mẫu dọc hai bên tuyến đường.

TP.Tân An ra mắt Trung tâm điều hành thông minh vào năm 2023

TP.Tân An ra mắt Trung tâm điều hành thông minh vào năm 2023

KHẢ NGÂN

Với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh Long An, TP.Tân An còn là cầu nối giữa 2 vùng đô thị lớn là vùng ĐBSCL và TP.HCM. TP.Tân An nằm trong khu vực thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, đóng vai trò là đầu mối giao thông đường bộ của Vùng với QL1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, là trọng điểm trong tam giác tăng trưởng TP.HCM - TP.Thủ Dầu Một - TP.Vũng Tàu.

TP.Tân An đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào cuối năm 2025, được T.Ư công nhận trước năm 2030. Ông Võ Hồng Thảo, quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An, cho biết để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2020 - 2025, TP.Tân An huy động khoảng 17.000 - 18.000 tỉ đồng để thực hiện đạt cơ bản 59/59 tiêu chí đô thị loại I. Để đạt diện tích tự nhiên (từ 150 km2 trở lên), thành phố đang ưu tiên lan tỏa đô thị theo hướng Đông Nam và Đông Bắc gắn với hành lang phát triển phía Nam tỉnh Long An (QL50B). Cụ thể là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP.Tân An là trục động lực. Triển khai quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hài hòa, đa trung tâm, giữ vững cảnh quan sông nước đặc thù kết hợp hình thành các đô thị mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.