Tham gia khóa học trực tuyến miễn phí: 'Bí kíp' để đạt hiệu quả

21/08/2023 14:36 GMT+7

Hiện nay có nhiều khóa học trực tuyến miễn phí đào tạo về các lĩnh vực như marketing, content (viết nội dung), công nghệ thông tin… thu hút nhiều sinh viên đăng ký theo học.

Bên cạnh cung cấp kiến thức, các khóa học miễn phí còn giúp sinh viên bổ sung các chứng chỉ để có thể điền vào CV tìm việc như một lợi thế. Tuy nhiên sinh viên cần cẩn trọng với những tổ chức, khóa học kém uy tín, lợi dụng sinh viên vì mục đích khác.

Những thành quả từ các khóa học miễn phí

Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ nên Nguyễn Kim Tuyền, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, bắt đầu tìm kiếm các khóa học ngoại ngữ trên mạng từ khi còn là sinh viên năm 2. Do có niềm yêu thích với văn hóa Hàn Quốc nên nữ sinh len lỏi trên các trang mạng tìm kiếm khóa học miễn phí ngôn ngữ này cho người mới bắt đầu.

"Nhìn chung, lớp tiếng Hàn trên nền tảng tự học Coursera khá chất lượng, được sắp xếp theo lộ trình hợp lý và có bản dịch tiếng Việt nên dễ học. Những khóa học ấy chủ yếu là video quay sẵn nên tốc độ học nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân. Vì là người mới nên mỗi ngày tôi sẽ học theo từng bài nhỏ và luyện tập phát âm theo lộ trình có sẵn, nhờ chăm chỉ học tập mà bây giờ nền tảng tiếng Hàn khá vững chắc", Kim Tuyền cho hay.

Tham gia khóa học ngắn hạn miễn phí: 'Bí kíp' để đạt hiệu quả - Ảnh 1.

Nguyễn Công Danh nhận giấy chứng nhận tham gia khóa học làm phim ngắn Storytellers

NVCC

Tương tự, Nguyễn Công Danh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có niềm đam phê với làm phim. Tuy nhiên, do chương trình học tại trường không đủ chuyên sâu nên nam sinh viên thường xuyên tìm kiếm các khóa học miễn phí trên mạng để cải thiện kỹ năng chuyên môn.

Danh đã đăng ký khóa học  làm phim ngắn Storytellers, dự án đào tạo kỹ năng thực hiện phim ngắn cho các sinh viên khu vực phía nam, do Lãnh sự quán Mỹ tài trợ. Trong quá trình tham gia, Công Danh được học thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về mảng đạo diễn, phim ảnh dưới sự giảng dạy từ những người có ảnh hưởng lớn trong nghề như đạo diễn Khoa Nguyễn, diễn viên Nhã Uyên, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa…

"Thực sự khi tham gia khóa học làm phim tôi thấy kiến thức chuyên môn được hỗ trợ rất nhiều. Nếu như ở trường chủ yếu cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức căn bản thì trong khóa học này các anh chị chia sẻ cho học viên kinh nghiệm 'thực chiến'. Không chỉ là kiến thức suông, kết thúc khóa học tôi đã tự sản xuất một bộ phim ngắn và giành hai giải thưởng lớn", Công Danh chia sẻ.

Trước ý kiến nghi ngại về chất lượng của các khóa học ngắn này, Kim Tuyền cho rằng trước khi tham gia, các bạn nên xác định rõ ràng mục đích học tập và lựa chọn các khóa học trên các nền tảng uy tín thông qua tư vấn từ những người đi trước và kiểm tra kỹ các thông tin liên quan. Nếu cảm thấy phù hợp thì tiếp tục còn không thì có thể dừng lại.

Mở rộng mạng lưới mối quan hệ

Không chỉ hỗ trợ kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa học ngắn hạn còn giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ, từ đó kết nối với những người giỏi trong nghề, có cơ hội tiếp xúc với những người chung mục tiêu nghề nghiệp và những anh chị đi trước, từ đó mở rộng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Tôn Nữ Phiên Trân hiện đang là nhân viên marketing cảm thấy may mắn khi thời sinh viên tham gia các khóa học miễn phí trên LinkedIn.

"Từ khi còn là sinh viên năm 2 do mong muốn sớm đi làm nên tôi đã mạnh dạn đăng ký các khóa học về marketing trên LinkedIn. Chính những kiến thức ấy đã phần nào giúp tôi xây dựng thành công trang "Ton Ton is coming" - blog chuyên chia sẻ các kiến thức về học tập và công việc. Thông qua các bài viết, tôi có cơ hội tương tác với các anh/chị cùng định hướng. Tuy không trực tiếp nhưng chính những khóa học ấy là "cầu nối" giúp tôi mở rộng mạng lưới mối quan hệ nghề nghiệp", Phiên Trân chia sẻ.

Tham gia khóa học trực tuyến miễn phí: 'Bí kíp' để đạt hiệu quả - Ảnh 2.

Khi lựa chọn các khóa học miễn phí, sinh viên nên cân nhắc về tính minh bạch của chúng để tránh các trường hợp lừa đảo

Cần thận trọng lựa chọn khóa học

Tuy nhiên, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của sinh viên mà tổ chức những khóa học "miễn phí" nhưng thực chất lại "lùa gà" các học viên vào các chương trình học kém chất lượng. 

Nguyễn Mai Thiện Hào, sinh viên năm 3 Trường ĐH FPT Cần Thơ, từng bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia khóa học trên mạng, nhưng do có sự đề phòng từ trước nên nam sinh viên may mắn vượt qua.

"Tôi từng được người quen giới thiệu về khóa học làm TikTok trên mạng. Ban đầu họ cung cấp một vài buổi học miễn phí nhưng sau đó lại bắt đầu lôi kéo học viên đóng tiền vào các khóa tiếp theo. Cụ thể, nội dung của khóa học là cách thức kiếm triệu view trên TikTok, nhưng sau đó hướng dẫn thì không thấy đâu mà cứ quanh quẩn lôi kéo học viên đóng tiền bằng những lời ngon ngọt", nam sinh kể. 

Dưới góc độ của người làm công tác giáo dục ĐH, tiến sĩ Phạm Huỳnh Minh Hùng, Trưởng khoa Chính trị - Hành chính (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận xét việc sinh viên tham gia những khóa học trực tuyến miễn phí là một điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập, rèn luyện trước khi tốt nghiệp.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số mạnh mẽ, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Việc này tạo cơ hội để sinh viên tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Tuy nhiên, khi đăng ký một khóa học, sinh viên cần tìm hiểu rõ ràng về nội dung mà khóa học đó mang lại", thầy Hùng nói.

Sinh viên nên lựa chọn những chương trình học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ cho việc học chuyên ngành tại trường. Bên cạnh đó, yếu tố "miễn phí" trong những khóa học này nên được sinh viên cân nhắc trước khi đăng ký, tránh gây ảnh hưởng đến quá trình học tập tại trường. "Điều then chốt là khóa học đó mang lại giá trị gì cho người học chứ không phải vấn đề học phí", thầy Hùng nhận định. "Sinh viên, nên cẩn trọng, nghiêm túc khi lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tránh để bị dẫn dắt, lợi dụng để thực hiện những hành vi không phù hợp", thầy Hùng kết luận.

Cách nhận biết khóa học uy tín

Theo Thiện Hào, có những lưu ý sau khi tham gia khóa học trực tuyến: Ứng viên nên chọn những đơn vị thực hiện khóa đào tạo uy tín, có website, địa chỉ rõ ràng. Để tránh tình trạng "đứt đuôi" sinh viên nên chọn lĩnh vực mà mình quan tâm. Tìm hiểu kỹ thông tin giấy phép hoạt động đơn vị tổ chức, người giảng dạy và đánh giá của của những người đã tham gia trước đó. Nếu khóa học yêu cầu thanh toán trước, sinh viên cần đọc kỹ các điều khoản và điều kiện chính sách thu học phí mà tổ chức giáo dục cung cấp. Với những khóa học uy tín, sau khi kết thúc chương trình các học viên sẽ được nhận giấy chứng nhận có dấu mộc từ ban tổ chức. Điều này sẽ giúp học viên tạo được một bộ hồ sơ đẹp xin học bổng hay làm điểm nhấn trong CV xin việc.

Kim Tuyền cho rằng trước khi tham gia, các bạn nên xác định rõ ràng mục đích học tập và lựa chọn các khóa học trên các nền tảng uy tín thông qua tư vấn từ những người đi trước và kiểm tra kỹ các thông tin liên quan. Nếu cảm thấy phù hợp thì tiếp tục còn không thì có thể dừng lại.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.