TNO

Thăm các di tích lịch sử ở Đồng Hới

04/04/2015 16:12 GMT+7

(Tin Nóng) Nằm ngay cửa sông Nhật Lệ, Đồng Hới (Quảng Bình) từng được chúa Nguyễn xây thành lũy để phòng thủ trong thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh, kéo dài gần nửa thế kỷ. Một ngày là quãng thời gian đủ để bạn chạy xe máy lang thang thăm các di tích trên.

(Tin Nóng) Nằm ngay cửa sông Nhật Lệ, Đồng Hới (Quảng Bình) từng được chúa Nguyễn xây thành lũy để phòng thủ trong thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh, kéo dài gần nửa thế kỷ. Một ngày là quãng thời gian đủ để bạn chạy xe máy lang thang thăm các di tích trên.


Thành Đồng Hới

Ở thế kỷ 20, Đồng Hới cũng là nơi hứng chịu nhiều bom đạn tàn phá mà dấu tích ghi lại qua rất nhiều tượng đài và vết tích còn sót lại.

Bắt đầu từ Quảng Bình quan, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy Thầy hay lũy Đào Duy Từ (mang tính chất phòng thủ), do nhà chiến lược quân sự Đào Duy Từ chỉ huy xây đắp năm 1631.

Theo ghi chép của di sản này, năm 1826, cổng thành được xây lại bằng gạch đá và đến năm 1961 lại được tu sửa. Tuy nhiên, bom đạn trong chiến tranh giai đoạn 1965-1968 đã san bằng cổng, chỉ còn lại phần móng. Đến năm 1994, di tích được phục hồi và được chọn là biểu tượng lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Bình.


Quảng Bình quan, trung tâm thành phố

Đối diện Quảng Bình quan, con đường mang tên Mẹ Suốt dẫn thẳng ra bờ sông Nhật Lệ, nơi dòng nước hiền hòa chảy xuyên dưới chân cầu Nhật Lệ nối bán đảo cát trắng Bảo Ninh với trung tâm thành phố. Dọc hai bên bờ sông, những vết thương chiến tranh vẫn còn đậm dấu. Tượng đài Mẹ Suốt chèo đò được dựng ngay nơi ngày xưa là bến đò, nhưng nay đã được xây thành một bến thuyền dẫn lên chợ Đồng Hới.


Tượng đài Mẹ Suốt

Đi ngược lên hướng bắc theo con đường Nguyễn Du ven sông Nhật Lệ, bạn sẽ đến nhà thờ Tam Tòa. Mặt tiền và tháp chuông cùng một cột đỡ là những gì còn sót lại của ngôi nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 19 này.


Nhà thờ Tam Tòa

Di tích này nằm ngay công viên cảng Nhật Lệ, nơi từng là khu vực trung chuyển, tiếp viện chiến lược nối với hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Hiện khu vực này trở thành không gian công cộng dành cho người dân đến thư giãn ven sông.


Cảng Nhật Lệ

Cũng trên con đường dọc bờ biển kéo dài ra khu vực phía sau của sân bay, bạn sẽ gặp vết tích của Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631 còn sót lại. Phòng tuyến này dài 12 km, cao 6 m, rộng 6 m, một phần của hệ thống lũy Đào Duy Từ. Nơi đây từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt của hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn. Tượng Đào Duy Từ cũng được đặt thờ ngay chân ngọn hải đăng nằm trên hệ thống phòng tuyến.


Phòng tuyến Nhật Lệ

Chạy dọc theo bờ biển, với một bên là bãi biển và một bên là cồn cát được những hàng dương phủ xanh rì đến gần khu vực sân bay, một vài pháo đài trong khu vực trận địa pháo Quang Phú vẫn còn sót lại.


Bệ pháo đài

Từ trung tâm thành phố lang thang về phía nam, con đường Lê Lợi nối với Lý Thái Tổ sẽ dẫn đến xã Đức Ninh, nơi có trận địa pháo Lão dân quân và khu giao tế. Khu giao tế được xây dựng dành đón các phái đoàn nước ngoài, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa, đến thăm, họp báo và nghỉ tại Quảng Bình.


Khu giao tế

Một ngày là quãng thời gian đủ để bạn chạy xe máy lang thang thăm các di tích trên, song song đó còn được tận hưởng và chiêm ngưỡng khung cảnh còn nhiều hoang sơ quanh thành phố.

Bài, ảnh: Kim Dung

>> Quảng Bình là điểm đến năm 2014 của thế giới
>> Xây dựng khu lăng mộ Đại tướng tại Quảng Bình
>> Quảng Bình: Phát hiện hang động lớn hơn cả Sơn Đoòng
>> Quảng Bình, lãng du giữa miền hư - thực
>> Độc đáo cháo canh Quảng Bình
>> Đi tìm hồn quê lụa Vạn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.