TNO

Thái Lan, vùng đất để quay phim

29/03/2015 17:03 GMT+7

(Tin Nóng) Thái Lan không chỉ là điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế (năm 2014 đã đón 24 triệu khách, 2015 kỳ vọng đón 29 triệu khách) mà còn là điểm đến thu hình của nhiều dự án phim truyện, phim tài liệu và phim quảng cáo.

(Tin Nóng) Thái Lan không chỉ là điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế (năm 2014 đã đón 24 triệu khách, 2015 kỳ vọng đón 29 triệu khách) mà còn là điểm đến thu hình của nhiều dự án phim truyện, phim tài liệu và phim quảng cáo.


The Hangover Part II thu hình tại Thái Lan

Đất lành cho các đoàn làm phim

Bạn còn nhớ phim hài ăn khách The Hangover Part II mà Hollywood đã trình chiếu hồi năm 2011? Trong phim ấy, có rất nhiều cảnh quay tại Thái Lan. Chắc hẳn bạn đã cười ngất khi xem phim hài Trung Quốc Lạc lõng ở Thái Lan từng thu về hơn 200 triệu USD hồi năm 2012.

Cũng có thể bạn đã xem phim tình cảm tâm lý về tội ác chiến tranh, lòng bao dung, sự tha thứ The Railway Man với diễn xuất của hai tài tử từng đoạt tượng vàng Oscar là Nicoke Kidman và Colin Firth. Phim không chỉ thu hình tại Thái Lan mà còn dựa vào câu chuyện có thật về một ký ức kinh khủng liên quan đến quân phiệt Nhật và cầu sông Kwai, nay là địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Thái Lan.

Sắp tới đây, bạn sẽ xem tài tử Mỹ Owen Wilson và gia đình của anh ta cố chạy thoát khỏi đám zombies khát máu (đã bắt đầu bị phê bình vì xác chết toàn là những gương mặt châu Á da vàng) trong phim kinh dị No Escape (Không lối thoát). Cảnh quay chính tại Chiang Mai, một thành phố nghỉ mát trên cao nguyên miền Đông-Bắc Thái Lan, lâu nay nổi danh là “Đóa hồng phương Bắc”.

Đảo du lịch Phuket ở miền Nam Thái Lan nay cũng là một điểm đến nóng của nhiều đoàn làm phim quốc tế. “Cứ 10 ngày mỗi tháng tôi lại bận với các dự án thu hình của các đoàn đến từ nhiều nước,” một giám đốc Văn phòng Du lịch và Thể thao Phuket kể. Trong đó có cả đoàn làm phim truyền hình nhiều tập The Priest of  Paradise đến từ Thụy Điển.

Vài thí dụ trên để minh chứng rằng Thái Lan là “vùng đất lành” cho các đoàn làm phim từ nước ngoài bay đến. Nếu cộng chung các thể loại phim quảng cáo, phim tài liệu, phim truyện dành cho màn ảnh nhỏ và phim truyện chiếu màn ảnh lớn thì có gần 700 dự án được thu hình, thực hiện tại Thái Lan trong năm qua.


Diễn viên Owen Wilson trong No Escape thu hình tại Thái Lan

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), trong năm 2014 Thái Lan là cảnh quay của 107 đoạn phim quảng cáo Ấn Độ, đa số là phim quảng cáo dành cho màn ảnh nhỏ. Và đó là quảng cáo cho đủ mọi loại sản phẩm từ bất động sản, xe hơi qua hàng công nghệ tiên tiến đến đến hàng tiêu dùng, thời trang, lối sống.

Giới chức du lịch, văn hóa và thể thao Thái Lan luôn sẵn sàng hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài vì hiểu rằng hình ảnh đất nước, con người Thái Lan được thể hiện trong các dự án phim nước ngoài chính là một hình thức quảng bá du lịch rất hiệu quả mà Thái Lan được hưởng hoàn toàn miễn phí. 

Bùng nổ thu hình phim quảng cáo

Đâu là những yếu tố khiến Thái Lan hút nhiều đoàn làm phim? Trước nhất là Thái Lan có đủ mọi dạng ngoại cảnh phù hợp đủ thể loại phim, từ bãi biển cát vàng đến rừng già xanh rì, núi cao, đền thờ, chùa chiền, cao ốc văn phòng, đại siêu thị, khu vui chơi giải trì, ruộng lúa, vườn hoa rộng lớn, nhà hàng sang trọng, quán bar lấp lánh... Ông Vinil Mathew, một đạo diễn người Ấn nhận định: “Thái Lan là một siêu thị về điểm thu hình, có sẵn đủ dạng, đủ kiểu”.

Chính vì thế mà nhãn dầu ăn Fortune Oil đã chọn một nhà hàng ở Bangkok để thu hình cho đoạn phim quảng cáo mới. Trước đây, nhãn hàng này từng bay đến tận Budapest (Hungary) để thu hình. Còn nhãn xe đạp Mahindra Gusto rất vui với cảnh quay bãi biển, thiên nhiên hoang sơ tại Chumphon, cách Bangkok khoảng 6 giờ đi xe.

Theo ông Jerald Packiasamy (hãng Still Waters Films), Thái Lan có 3 điều làm vốn thu hút các đoàn làm phim nước ngoài: Bầu không khí làm việc phim ảnh hoàn toàn thân thiện, cởi mở, chân tình; đội ngũ tài năng dồi dào với tay nghề cao mà chi phí rất phải chăng; và đất nước xinh đẹp với con người tốt, hiếu khách. “Ngoài ra, gần đây người Thái đã phát triển nghệ thuật và kỹ thuật sản xuất phim rất tốt”, ông nói.


Một cảnh trong phim chiến tranh The Railway Man

Cảnh trong Lost in Thailand

Ông Kulthep Narula, chủ nhân hãng Benetone Films, sinh sống tại Bangkok, giải thích rằng ngón nghề làm phim Thái phát triển tốt là nhờ có thời gian dài hợp tác với các hãng phim quốc tế đẳng cao của Hollywood, bắt đầu từ khi thu hình phim The Man with the Golden Gun (một phim về điệp viên James Bond 007) hồi thập niên 1970 rồi cất cánh với các phim về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chẳng hạn như Trung đội; Air America... Rồi cảnh quan thiên nhiên Thái Lan lại được biết đến nhiều hơn sau khi có The Beach với Leonardo di Caprio trong vai chính. Võ sĩ Tony Jaa với võ cổ truyền Muay Thai trong các phim Ong Bak cũng đã góp phần làm cho điện ảnh Thái tỏa sáng.

Ông Josy Paul, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hãng BBDO India nhận định Thái Lan là một  “Mecca về thiết kế mỹ thuật, nơi mà nghệ thuật như dòng chảy trong máu của người Thái vốn có sẵn cặp mắt tinh nhìn đến từng chi tiết nhỏ của từng cảnh quay".

Ông Anuj Alia, trước đây là nhân vật số một nhánh phim quảng cáo của công ty quảng cáo Saatchi Ấn Độ, nay là giám đốc hãng Fingerprint Films, nhận xét rằng "Thái Lan trước nhất được chú ý đến vì có nhiều ngoại cảnh đẹp, sau đó là kỹ năng hoàn hảo ở khâu hậu kỳ sản xuất”.

Khi còn làm cho Saatchi, ông thường xuyên bay đến Bangkok thực hiện các đoạn phim quảng cáo của Procter & Gamble dành cho thị trường châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan (quảng bá các sản phẩm vệ sinh như Ariel, Lifebuoy; mỹ phẩm Olay)... Vì vậy bạn bè quen gọi ông là “Thị trưởng không chính thức của Bangkok”.

Hốt bạc nhờ cho thu hình ngoại cảnh

Ban Phim ảnh thuộc Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan mới đây cho biết trong hai tháng đầu năm 2015, Thái Lan thu được 648,65 triệu Baht nhờ cho các hãng nước ngoài thuê ngoại cảnh thu hình làm phim các loại. Đó là những con số gây ngạc nhiên: 139 dự án, gồm 23 phim tài liệu, 18 phim màn ảnh lớn, 12 phim truyền hình nhiều tập, 78 phim quảng cáo và 8 phim video ca nhạc. Năm 2014 con số cộng chung chỉ là 108, thu được 581,43 triệu Baht.

Đây là những dự án của các nhà làm phim châu Âu (32); Nhật (22); Ấn Độ (19); Hàn Quốc (10), Mỹ (10); Trung Quốc (9); Hồng Kông (7); Úc 93); Đài Loan (1) và 26 nước khác.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Du lịch Thái Lan gia tăng sức hút
>> Thái Lan cấm phụ nữ chụp ảnh tự sướng lộ ngực trần
>> Chú chó được cứu khỏi nhà hàng Việt ở Thái Lan đoạt giải thưởng quốc tế
>> Thái Lan: Cấm thả đèn trời trước 21 giờ
>> Đến lượt Thái Lan cấm taxi Uber
>> Du lịch Thái Lan lấy lại đà tăng tốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.