Tết trong ký ức văn thi sĩ: Đón Tết, Nguyễn Huy Tưởng khai bút chúc non sông

01/02/2022 11:30 GMT+7

Xem Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng , thấy rằng nhà văn có nhiều ghi chép về những cái Tết của bản thân dạo tuổi trẻ . Qua những cái Tết ấy, cũng phần nào thấy được suy nghĩ của tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng dạo tuổi xanh.

Năm 1933, Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) khi ấy mới ở tuổi 21, ghi lại trong nhật ký về ngày Tết. Hôm ấy là ngày 26.1.1933, nhằm ngày mùng một Tết, thời tiết được miêu tả là trời rét, gió mạnh, nhưng tâm trạng của chàng trai họ Nguyễn thì rất vui: “Cảnh nhà êm thấm, âu cũng cúi lậy Giời, Phật phù hộ cho. Đến 11 giờ 30 tôi đi lễ, đến 2 giờ rưỡi tôi mới về. Tôi đi nhiều nhà”.

Tác phẩm Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng xuất bản năm 1944

T.L

Cũng trong ngày đầu năm mới năm Quý Dậu, nhà văn tương lai làm lễ khai bút. “Mồng một Tết, chẳng có gì viết. Khai bút xin chúc non sông chóng được phú cường, mẹ tôi trường thọ, kinh tế mau tăng, chúc chị tôi, anh tôi, các người thân thích được mọi sự tốt lành. Đắc tài, đắc lộc. Tôi thì mau chóng có việc làm để có tiền phụng dưỡng mẫu thân”, chẳng chỉ cầu chúc cho bản thân, gia đình, chàng trai văn chương của tương lai, còn chúc cho vận hội mới của non sông, gấm vóc.

Sau khi chép về ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán năm 1933, phải 7 năm sau, trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng mới trở lại với Tết, cái Tết năm Canh Thìn 1940, khi nhà văn vừa lấy vợ chưa lâu và đổi chỗ làm từ Hà Nội ra Sở Đoan ở Hải Phòng.

Chiều ngày 30 tháng Chạp (7.2 dương lịch), Nguyễn Huy Tưởng đáp tàu về quê. Không khí Tết dường như bị chìm lấp, thay vào đó, là tình yêu dành cho người vợ trẻ Trịnh Thị Uyên mới cưới sau bao ngày xa cách. Bước sang ngày mùng một Tết, trang nhật ký ghi, những dòng ngắn gọn, chân thực: “Cùng vợ đi lễ. Đánh áo bông, đội khăn, rõ ra ông lý toét. Mất cả buổi sáng. Trưa, cùng vợ đi nằm. Ngượng với mọi người trong nhà, nên lại dậy. Buổi chiều đi chơi, vô ích”.

Ảnh chụp Nguyễn Huy Tưởng năm 1936 khi 24 tuổi

T.L

Sang ngày mùng hai Tết, nhà văn cùng vợ sang Du Lâm (thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) để chúc Tết ông ngoại của vợ, làm chức Tuần phủ. Dẫu là công chức nhà nước, có lương đàng hoàng, nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn được ông ngoại mừng tuổi cho mỗi người 2 đồng sau khi thết cỗ. Tiếp đó, bước chân du xuân đôi trẻ hướng vào rừng để thưởng lãm cảnh vật thanh nhã. Du xuân cùng với những người thân trẻ trung, tác giả của Đêm hội Long Trì cảm tưởng như “tôi thấy tôi trẻ lại, giữa ngày xuân, và lại tưởng tượng đến những bọn công tử tân thời nhà giầu mà mình gặp khi xưa và thèm muốn; nay mình là chủ động, không phải là khách bàng quan”. Cái cảm giác ấy, ngỡ như chàng trai mới có vợ đã già lắm, trong khi lúc đó mới 28 xuân.

Là nhà văn, không chỉ tha thiết với văn chương đơn thuần, Nguyễn Huy Tưởng còn hướng nhiều đến những đề tài lịch sử trong văn chương, có lẽ vì thế mà sang ngày mùng năm Tết đã gây xúc động mạnh khi hôm ấy là ngày kỷ niệm vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Hôm ấy, Nguyễn Huy Tưởng nói chuyện văn chương, rồi buổi chiều cùng người vợ trẻ đi chụp ảnh mà theo lời nhật ký là “không có ý gì, ngoài cái ý kỷ niệm ngày mồng 5 tháng giêng”.

Lần theo dòng thời gian trong nhật ký của nhà văn, cái Tết Quý Mùi năm 1943 lại đem tới một cảm xúc khác, của người cầm bút. Trước Tết Táo quân, nhà văn nhận nhuận bút 30 đồng từ tạp chí Tri Tân, nhưng đến 25 tháng Chạp (30.1 dương lịch) thì “Tết đến giả hết nợ, không còn đồng xu nào. Tưởng không về phủ Tiên Hưng thăm vợ được”, đến nỗi anh chàng công chức họ Nguyễn phải vay bạn bè 15 đồng dằn túi, mà bản thân vẫn không thôi tủi phận “thương vợ, con không có vú, không đủ sữa, phải cho ăn nước cơm”, trong khi bản thân là công chức nhà nước, con rể quan phủ (nhà nho Trịnh Sỹ Trinh). Được chăng về sau, vớt vát lại là niềm vui của người cầm bút, khi về nhà đón Tết, thấy vợ khỏe, con ngoan. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.