Tàu, xe 'nóng hầm hập' trước lễ

26/04/2024 04:24 GMT+7

Vé máy bay khan hiếm, liên tục lập đỉnh kéo nhu cầu chơi lễ 30.4 - 1.5 dồn về đường bộ và đường sắt. Vé tàu, vé xe khách nhiều tuyến vừa mở bán đã "cháy vé".

Mua được vé xe cũng "toát mồ hôi"

Là "khách ruột" của nhà xe Phương Trang nhiều năm, anh Đại Trí (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã lên kế hoạch mua vé xe đi chơi lễ 30.4 - 1.5 cho gia đình từ rất sớm. Đặt vé chặng TP.HCM - Đà Lạt từ đầu tháng 4, anh Trí bất ngờ vì bình thường có thể đặt vé dễ dàng qua ứng dụng (app) của nhà xe trên điện thoại, nhưng riêng vé dịp lễ lại không bán qua app.

Lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa lễ năm nay dự báo giảm mạnh

Lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa lễ năm nay dự báo giảm mạnh

NHẬT THỊNH

Liên hệ tới tổng đài, anh Trí được trả lời là vé lễ chỉ có thể đặt trước qua điện thoại, không mở bán online, tới 18.4 gọi điện lại để xác nhận "chốt giá" và được hướng dẫn thanh toán. Nghĩa là anh Trí sẽ phải xác nhận đặt chỗ trước với nhà xe dù không biết giá vé bao nhiêu. Đáng nói là anh phải thấp thỏm tự canh đến ngày hẹn thì liên hệ lại, nếu không thì "mất chỗ". Anh Trí dù hơi khó chịu nhưng vẫn canh tới đúng ngày 18.4 (trùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương) gọi điện lại cho hãng đặt vé. Tổng đài bận liên tục, mất rất nhiều thời gian mới có nhân viên nghe máy, xác nhận thông tin của anh Trí và gửi lại mã thanh toán qua Zalo.

Hành khách mua vé về quê, nghỉ lễ 30.4 - 1.5 tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 24.4

Hành khách mua vé về quê, nghỉ lễ 30.4 - 1.5 tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 24.4

Ngọc Dương

"Bình thường qua app phút mốt là xong, nay mất cả ngày lễ ở nhà chỉ để canh gọi điện thoại, rồi lằng nhằng đủ bước mới lấy được chỗ. Thêm nữa, nghỉ lễ 30.4 - 1.5 nhưng vé chỉ bán đến 26 - 27.4 thôi, giá vé xe 400.000 đồng/chiều, tăng 100.000 đồng so với ngày thường. Gia đình 3 người đi Đà Lạt thuê khách sạn chỉ có 990.000 đồng nhưng mất tới 1,2 triệu tiền xe. Giá vé máy bay năm nay tăng cao đẩy sức nóng sang cả xe khách, dẫn đến giá dịch vụ du lịch bất hợp lý, tốn cho vé xe nhiều hơn ăn ở", anh Trí cám cảnh.

Giá vé tàu, xe TP.HCM đi tỉnh dịp lễ tăng không quá 40% 

Kém may mắn hơn anh Trí, nhiều bạn trẻ tới đầu tuần vừa rồi mới lên lịch đi Đà Lạt chơi lễ, nhưng gọi cho hầu hết các nhà xe quen thuộc từ TP.HCM đều đã báo hết chỗ từ 26.4. Đại diện hãng xe Phương Trang xác nhận nhu cầu di chuyển bằng xe khách dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay tăng mạnh. Nhà xe này bắt đầu mở bán vé cho khách đi lại dịp lễ cách đây khoảng 1 tháng, nhưng chỉ sau vài ngày đã kín người đặt. Một số chặng gần từ TP.HCM đến các địa điểm du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ... hiện đã bán hết chỗ các ngày từ 27 - 30.4. Doanh nghiệp (DN) này cũng đang lên kế hoạch điều động xe từ tuyến ít khách qua chặng nhiều để phục vụ nhu cầu đi lại dịp lễ; tăng cường khoảng 50 - 70 xe giường nằm vào các ngày cao điểm. Riêng nhu cầu về quê chơi ở khu vực miền Tây tăng cao nên công ty cũng đã lên kế hoạch tăng tần suất quay đầu, thậm chí chạy xe rỗng về TP.HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo thông tin từ Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức, TP.HCM), các DN hoạt động ở bến dự định cung ứng gần 40.000 vé giường nằm trong dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay. Trong đó, khoảng 50% dành cho các chặng có nhu cầu lớn từ TP.HCM đi Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né, Phan Thiết, Tuy Hòa, Quảng Ngãi... Tính đến 24.4, phần lớn vé các ngày cao điểm lễ đã bán hết, chủ yếu là ghế giường nằm. Trong khi đó, vé xe ghế ngồi vẫn còn rất nhiều, được kiểm soát chặt về giá nên hành khách vẫn có thể yên tâm đặt mua. Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, các nhà xe cho biết xe khách về các tỉnh miền Tây các ngày lễ hầu hết đều còn trống ghế. Một vài tỉnh thành có lượng khách tăng cao như Cần Thơ, An Giang...

Cũng như mọi mùa cao điểm, các nhà xe đều đã gửi thông tin lên Sở GTVT TP.HCM, kê khai tăng giá vé không quá 40% trong dịp lễ này.

Có vé tàu, lại lo "delay"

Bên cạnh xe khách, nhiều gia đình và các "tín đồ du lịch" cũng chuyển hướng mua vé tàu hỏa làm phương tiện di chuyển dịp lễ 30.4 - 1.5 thay cho hàng không. Song nhiều chặng "hot" đã gần kín chỗ, giá vé tàu dịp lễ cũng tăng nhẹ.

Giá vé máy bay cao, nhiều người chuyển sang xe khách để về quê, nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Trong ảnh: Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 25.4

Giá vé máy bay cao, nhiều người chuyển sang xe khách để về quê, nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Trong ảnh: Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 25.4

Ngọc Dương

Tìm mua trên mạng vé tàu chặng Sài Gòn - Huế tối 26.4 từ tuần đầu tiên của tháng 4, chị Thu An (Q.7, TP.HCM) loay hoay mãi vì chỉ còn 2 chuyến nhưng khoang nào cũng kín chỗ. Thỉnh thoảng, chị An thấy hiện khoang trống nhưng khi bấm vào thì ghế lại để ưu tiên bán chặng xa hoặc chỉ còn 1 giường nằm trong cả khoang, không thích hợp cho chuyến đi cặp đôi hoặc gia đình. Giá vé tàu từ TP.HCM đi Huế cũng gần 1,5 triệu đồng, chỉ rẻ hơn vé máy bay vài trăm ngàn đồng, trong khi thời gian di chuyển gấp 10 lần.

Trên trang bán vé của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía nam từ 26 - 27.4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về từ 30.4 - 1.5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Hiện vé chỉ còn chỗ các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa. Trước đó, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cường 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30.4 năm ngoái, lượng vé giảm một chút, nhưng tốc độ bán nhanh hơn. Theo lý giải, do giá vé máy bay cao nên hành khách có xu hướng chuyển sang đi tàu hỏa nhiều hơn, các chuyến tàu thường xuyên kín chỗ.

Do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên DN tăng giá vé 2 - 6% với tàu Bắc - Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Giá vé giường nằm Hà Nội - TP.HCM với khoang 6 giường là từ 1,3 đến gần 1,7 triệu đồng, khoang 4 giường từ 1,5 triệu đến cao nhất khoảng 2,7 triệu đồng mỗi lượt.

"Tôi không nghĩ vé tàu năm nay cũng "hot" như vậy. Vì chưa đi nên chưa thể so sánh, nhưng nếu đứng trên mặt bằng chung, với giá vé như vậy thì chắc chỉ những người thật sự muốn trải nghiệm, thay đổi không khí, coi đây là hành trình du lịch mới thì mới chuyển từ máy bay sang đi tàu hỏa", chị Thu An nhận xét.

Đúng là hành trình trải nghiệm, bởi "đích đến" cuối cùng dịp lễ này của chị Thu An là Hà Nội chứ không phải Huế. Theo lịch, đoàn tàu SE2 mà chị chọn mua vé sẽ tới ga Huế lúc 16 giờ 30. Sau đó, chị sẽ di chuyển tới sân bay Phú Bài để lên chuyến bay lúc 19 giờ 45 về Hà Nội. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, một số người thân, bạn bè di chuyển bằng đường sắt liên tục than tàu trễ chuyến, có chuyến trễ tới 2 giờ, khiến chị rất lo lắng. "Cứ đinh ninh đi tàu chắc chắn đúng giờ, canh bở hơi tai mua được vé rồi thì yên tâm chờ ngày đi thôi. Ai dè chuyển từ máy bay sang tàu hỏa mà cũng gặp "delay" nữa thì chết, lỡ hết kế hoạch. Hơn 20 năm rồi mới đi lại tàu hỏa mà hồi hộp quá", chị Thu An chia sẻ.

Đại diện Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn lý giải, những ngày qua, sự cố sạt lở hầm Bãi Gió đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của ngành đường sắt. Các đoàn tàu khách chạy qua đoạn Khánh Hòa sẽ phải chuyển tải bằng ô tô từ ga Giã tới khu vực ga Tuy Hòa. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày nỗ lực thi công, từ ngày 21.4, hầm Bãi Gió đã chính thức thông tuyến, và tuyến đường sắt Bắc - Nam không còn bị tê liệt, chia cắt. Các đoàn tàu hiện đã di chuyển trở lại bình thường, đúng giờ, đảm bảo phục vụ hành khách dịp cao điểm lễ.

Vé máy bay đắt đỏ, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất giảm

Trong khi đường bộ và đường sắt đang "nóng" lên từng ngày, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất lại dự báo lượng khách có thể giảm tới hàng trăm ngàn khách. Trong thông báo kế hoạch điều hành, khai thác dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, Cảng Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ 4.280 chuyến bay với tổng số 688.718 hành khách từ 26.4 - 1.5. So với cùng kỳ 2023, số chuyến bay giảm 186 chuyến, kéo theo lượng hành khách giảm tới gần 70.000. Nếu ngày cao điểm nhất dịp lễ năm ngoái, sân bay nhộn nhịp nhất cả nước phục vụ tới 810 chuyến bay thì năm nay giảm chỉ còn 740 chuyến.

Đáng chú ý, nếu như số chuyến bay quốc tế dịp lễ 30.4 năm nay khởi sắc tăng 222 chuyến (từ 1.380 chuyến bay năm 2023 lên 1.602 chuyến) thì chuyến bay nội địa lại sụt giảm mạnh, từ 3.080 chuyến bay giảm còn 2.678 chuyến. Tương ứng với lượng khách quốc tế và quốc nội đảo chiều lần lượt: quốc tế tăng 27.127 khách, nội địa giảm 96.319 khách. Có thể thấy rõ, mùa lễ 30.4 - 1.5 năm nay, thị trường hàng không quốc nội ảm đạm là tác nhân chính kéo giảm sức nóng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, các hãng hàng không VN dự kiến cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay. Trong đó các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi đến các địa phương là 657.000 ghế, tương đương 3.400 chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ 2023. Mặt khác, đội máy bay khai thác dự kiến của các hãng hàng không VN trong giai đoạn này là 165 - 170 máy bay, giảm 40 - 45 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.

Ứng phó với tình trạng thiếu máy bay, Cục Hàng không VN đã chỉ đạo tăng slot tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hỗ trợ các hãng hàng không điều chỉnh slot tại các sân bay, tối ưu hóa lịch khai thác, tăng giờ khai thác đội máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay… Đồng thời, các hãng liên tục tìm kiếm, thuê thêm máy bay, đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa, kéo dài thời gian khai thác đội máy bay… 

Đơn cử, Vietnam Airlines tăng thời gian hoạt động mỗi máy bay mỗi ngày từ 10 tiếng lên khoảng 11 - 12 tiếng; Vietjet Air tăng từ 12 - 13 tiếng lên khoảng 13 - 14 tiếng. Đặc biệt, các hãng tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm để bổ sung tải cung ứng. Vietnam Airlines khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay khai thác vào khung giờ muộn từ sau 21 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, gần như chỉ chặng bay Hà Nội - TP.HCM vé được hạ nhiệt xuống mức giá tương đối dễ thở, các chặng bay du lịch khác vẫn giữ mức giá vé "trên trời".

Đơn cử, vé chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 27.4 chỉ còn vài chuyến bay với mức giá thấp nhất 6,7 triệu đồng/khứ hồi; có chuyến bay hạng thương gia hơn 13 triệu đồng/chiều. Chặng Hà Nội đi Nha Trang, nếu đi chuyến tờ mờ sáng 27.4 cộng cả chuyến về rẻ nhất của Vietjet Air là hơn 5,2 triệu đồng; với Bamboo Airways là 6,7 triệu đồng/khứ hồi; còn Vietnam Airlines lên tới 7,4 triệu đồng cho 1 cặp vé, hạng thương gia giá gấp đôi - gần 14,7 triệu đồng. Chỉ Đà Nẵng mới có giá vé khứ hồi khoảng 3 - 4 triệu đồng, nhưng hầu hết là các chuyến bay đêm.

Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Lạt giá vé cũng cao kỷ lục với vé khứ hồi của Vietnam Airlines từ 7 - 8,5 triệu đồng hạng phổ thông, Vietjet Air thấp nhất

3,2 triệu đồng, có chuyến lên đến 8 triệu đồng. Chặng bay từ Hà Nội đi TP.HCM cũng chỉ còn mức giá thấp nhất khoảng 3,4 triệu đồng/vé...

Mới nhất, Cục Hàng không VN tiếp tục có văn bản gửi các hãng hàng không trong nước xem xét bổ sung ngay tải cung ứng trên các đường bay nội địa từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Cục Hàng không đề nghị các hãng báo cáo về Cục vướng mắc (nếu có) trong thời gian sớm nhất để được hướng dẫn, giải quyết khi thực hiện việc bổ sung tải cung ứng.

Ghi nhận từ nhà chức trách hàng không, các chuyến bay ngày 27.4 có tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương đa phần đã đạt mức trên 75%. Trong đó, một số đường bay đã đạt trên 90% đến 100% tỷ lệ đặt chỗ như Hà Nội - Huế, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Điện Biên, TP.HCM - Đà Lạt, TP.HCM - Phú Quốc, TP.HCM - Điện Biên… Giai đoạn đầu kỳ nghỉ lễ trên đường bay từ các địa phương đến hai TP trên, tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức trung bình, dao động 50%. Một số đường bay với tỷ lệ cao hơn là Hải Phòng - TP.HCM, Điện Biên - TP.HCM, Điện Biên - Hà Nội, Đà Lạt - Hà Nội…

Ngoài ra, vào ngày 1.5, tỷ lệ đặt chỗ đã thể hiện mức tăng cao rõ rệt trên các đường bay từ địa phương đi Hà Nội và TP.HCM, trung bình trên 75%. Trong đó một số đường bay tỷ lệ đặt chỗ đã đạt và xấp xỉ 100% như Huế - Hà Nội, Phú Quốc - Hà Nội, Điện Biên - Hà Nội, Phú Quốc - TP.HCM, Tuy Hòa - Hà Nội/TP.HCM… Ngược lại, các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến các địa phương lại "hạ nhiệt" và tỷ lệ đặt chỗ trung bình dưới 50%.

Mặc dù lượng khách sụt giảm, song Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vẫn chủ động họp trước cao điểm và đưa ra các phương án thống nhất với các đơn vị tham gia hoạt động khai thác tại sân bay. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người và phương tiện ra vào các cổng kiểm soát; rà soát hệ thống camera tại khu vực các đảo thủ tục, băng chuyền hành lý tại nhà ga quốc tế, quốc nội; hạn chế điểm mù, tăng cường hiệu quả giám sát. Đồng thời, cảng sẽ bố trí lực lượng gồm đoàn viên Đoàn thanh niên cảng Tân Sơn Nhất và Đoàn thanh niên Học viện Hàng không VN hỗ trợ hành khách tại khu vực an ninh soi chiếu, khu vực sảnh công cộng nhà ga quốc nội trong khung giờ cao điểm (từ 5 - 9 giờ) từ 26.4 - 1.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.