Tàu sân bay đắt đỏ nhất của Mỹ không thể tham chiến?

23/07/2016 09:00 GMT+7

Một số hệ thống tham chiến then chốt trên chiếc USS Gerald Ford, tàu sân bay đắt đỏ nhất của Mỹ là “không đáng tin cậy”, khiến Hải quân Mỹ khó có thể sẵn sàng cho những cuộc hải chiến, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.

Vấn đề về độ tin cậy nghiêm trọng đến mức mà USS Gerald Ford, trị giá 13 tỉ USD - được ca ngợi là tàu sân bay hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, sẽ phải được tái thiết kế hoặc được triển khai với năng lực tham chiến “kém”, hãng tin Bloomberg ngày 22.7 dẫn lại một báo cáo nội bộ của Lầu Năm Góc.
“Bốn hệ thống trên tàu sân bay này ảnh hưởng lớn đến những chiến dịch bay”, ông Michael Gilmore, giám đốc cơ quan đánh giá và kiểm tra hoạt động của Lầu Năm Góc viết trong báo cáo.
USS Gerald Ford, dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ chậm tiến độ, là tàu sân bay hiện đại nhất trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Mỹ, với nhiều công nghệ tân tiến, bao gồm đường băng được cải tiến, lò phản ứng hạt nhân nhỏ hơn và các hệ thống radar tối tân.
Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) và hệ thống đón bắt máy bay tân tiến (AAG, giúp máy bay giảm tốc khi hạ cánh) sẽ thay thế hệ thống phóng máy bay sử dụng hơi nước hiện tại, tiết kiệm không gian dưới boong tàu.
Mặc dù không nêu nhiều chi tiết, nhưng báo cáo của ông Gilmore nhấn mạnh AAG của hãng General Atomics (Mỹ) “có độ tin cậy thấp”. Độ tin cậy của EMALS cao hơn, nhưng “tôi cũng quan ngại”, ông Gilmore viết, đồng thời dẫn lại dữ liệu của Hải quân Mỹ cho thấy chỉ có 400 lần cất cánh thành công, “thấp hơn nhiều so với yêu cầu” là 4.166 lần cất cánh thử nghiệm.
Tàu sân bay hiện đại và đắt đỏ nhất của Mỹ, USS Gerald Ford vẫn chưa hoàn tất và chậm trễ trong việc bàn giao Hải quân Mỹ
Bên cạnh đó, hai hệ thống này không thể giúp máy bay quân sự cất cánh và hạ cánh liên tục giữa lúc diễn ra chiến sự, điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực tham chiến của tàu sân bay USS Gerald Ford.
“Hệ thống AAG không thể hỗ trợ những hoạt động bay cường độ cao. Độ tin cậy của hệ thống này dưới mức kỳ vọng và dưới mức cần thiết để thành công trong tham chiến”, ông Gilmore nhấn mạnh.
Độ tin cậy của hệ thống radar băng tần kép của hãng Raytheon và hệ thống phòng thủ tên lửa của tàu sân bay “vẫn chưa rõ”, vẫn chưa được thử nghiệm đầy đủ trên biển, cũng theo báo cáo.
Hệ thống máy nâng để chuyển bom giữa các khoang cũng được kiểm tra đầy đủ và “độ tin cậy của hệ thống này vẫn chưa rõ và là một mối đe dọa”, bản báo cáo cho hay. USS Gerald Ford được thiết kế với 11 máy nâng vũ khí.
USS Gerald Ford (ký hiệu CVN-78) dự kiến có sức chứa 75 máy bay và boong tàu sân bay rộng 2 hecta, chở được 4.660 binh sĩ và có thể giúp tiến hành 220 đợt không kích mỗi ngày từ hai đường băng trên boong tàu.
Tuy nhiên, báo cáo của ông Gilmore kết luận rằng với độ tin cậy hiện tại thì “CVN-78 không thể tiến hành các hoạt động bay cường độ cao” theo yêu cầu bốn ngày tham chiến liên tục suốt 24 giờ.
Theo Bloomberg, đến tháng 6.2016, dự án đóng tàu sân bay USS Gerald Ford hoàn tất 80% và chưa thể được bàn giao cho Hải quân Mỹ theo đúng lịch trình là trước tháng 11.2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.