Tàu ngầm Việt tự chế 'Trường Sa': Đường nào ra biển ?

01/03/2014 10:45 GMT+7

(TNO) Thông tin thử nghiệm thành công tàu ngầm tự chế mini tại Thái Bình khiến nhiều người phấn khởi. Tuy nhiên, dự án táo bạo này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể được ra biển vùng vẫy…

>> Doanh nhân chế tạo tàu ngầm ở Thái Bình không quan tâm phản biện 'lý thuyết suông'
>> Người Việt chế tạo tàu ngầm
>> Ước mơ tàu ngầm Việt 

Tàu ngầm mini tự chế gặp khó khi ra biển 1
Mô hình tàu ngầm Kilo là khởi nguồn cảm hứng cho dự án thiết kế tàu ngầm của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa

Từ tàu ngầm Kilo ra tàu ngầm Trường Sa

Suốt hơn nửa năm qua, nhiều người rất quan tâm theo dõi quá trình chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên được một doanh nghiệp tư nhân tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết đã kết thúc 10 ngày thử nghiệm tàu ngầm mini trong bể xây tại khuôn viên công ty.

Theo ông Hòa, cuộc thử nghiệm này đã thành công. Chiếc tàu ngầm mang tên Trường Sa đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, chủ nhân của dự án gây xôn xao dư luận này cho biết ý định sẽ đưa Trường Sa ra biển để vận hành trong môi trường thực tế.

Như Thanh Niên Online và một số báo đã thông tin, khi sản xuất chiếc tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa không có ý định tạo ra một sản phẩm quân sự, phục vụ chiến tranh như nhiều người nhầm tưởng.

“Mục tiêu sản xuất của tàu ngầm mini Trường Sa để dùng trong đánh bắt hải sản, du lịch, cứu nạn, thăm dò đáy biển”, ông Hòa khẳng định.

Bên cạnh đó, một mục tiêu lớn khác mà doanh nhân “quê lúa” này đặt ra khi quyết định sản xuất chiếc tàu ngầm này là nhằm khích lệ sự sáng tạo của trí óc Việt Nam.

Ông Hòa cho biết trước khi thực hiện dự án này, ông chỉ là một kỹ sư chế tạo máy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, có một thời gian được tu nghiệp thêm ở nước ngoài và “về kiến thức tàu thủy thì một chữ cũng chưa biết”.

 
Theo một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, việc cấp phép sản xuất tàu ngầm hiện nay là chưa khả thi vì trong danh mục các mặt hàng sản xuất kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy  định cũng chưa có danh mục sản xuất tàu ngầm.

Ý tưởng làm tàu ngầm mini của ông Hòa bắt nguồn khi ông thấy thông tin Việt Nam mua tàu ngầm Kilo của Nga và toàn bộ kiến thức làm ra chiếc tàu ngầm Trường Sa hiện nay là do ông Hòa “tìm kiếm, tích lũy trên mạng internet và tham khảo rất nhiều các tài liệu về tàu ngầm”.

Vì vậy, mặc dù chưa biết mình sẽ thành công hay thất bại, doanh nhân “quê lúa” vẫn quyết định bước vào thực hiện dự án mà không ít người cho rằng rất "phiêu lưu”, chỉ để mong muốn nhiều người khác sẽ cùng mình “không ngại dấn thân vào nghiên cứu những lĩnh vực mới, thậm chí chưa từng có tiền lệ”.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thử nghiệm thành công tại công ty, dự án tàu ngầm mini này đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn để có thể được thử sức trước môi trường thực sự của nó là biển cả.

Sản xuất tàu ngầm? Chưa có tiền lệ

Chiều ngày 28.2, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình, khẳng định đến nay cơ quan này chưa hề nhận được đơn hay ý kiến đề nghị của cá nhân ông Nguyễn Quốc Hòa hay của Công ty Quốc Hòa về vấn đề chế tạo sản xuất tàu ngầm mini - thủ tục bắt buộc nếu ông Hòa muốn đưa chiếc tàu này ra biển vận hành thử nghiệm.

Ông Dũng cho biết ngay buổi sáng 28.2, Sở Khoa học- Công nghệ Thái Bình đã họp về vấn đề này và quyết định báo cáo lên Bộ Khoa học- Công nghệ để xin phương hướng xử lý đối với một vấn đề chưa từng có tiền lệ này.

Cũng theo ông Dũng, việc chế tạo, thử nghiệm tại công ty là quyền của ông Hòa. Nhưng nếu dự án sản xuất tàu ngầm mini này muốn thử nghiệm ở biển thì bắt buộc phải tuân thủ kiểm tra về công nghệ, tính an toàn của sản phẩm và kiểm tra xem trong giấy phép kinh doanh có điều khoản cho phép chế tạo, sản xuất sản phẩm này không.

“Vì ông Hòa chưa có ý kiến nên hiện nay chúng tôi chỉ theo dõi. Nếu xuất xưởng sẽ phải kiểm tra. Chúng tôi rất khuyến khích sáng tạo, sáng chế nhưng phải là sáng tạo, sáng chế phục vụ thiết thực lợi ích xã hội. Nếu phiêu lưu, mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm thì cần phải cảnh báo, ngăn chặn”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Không chỉ “vấp” ở lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ, tàu ngầm mini Trường Sa còn “gặp khó” khi đối mặt với cơ quan quản lý mặt nước.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình cho biết nếu muốn đưa phương tiện nào xuống nước đều phải được cấp phép và quản lý vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện khác.

Đáng nói hơn là đến nay, trong các điều khoản cấp phép đường thủy, chưa hề thấy nhắc đến việc cấp phép lưu hành cho tàu ngầm tư nhân. Ngoài ra, cũng chưa biết cơ quan nào thực hiện đăng kiểm tàu ngầm, đào tạo, cấp phép cho thuyền trưởng và người lái tàu ngầm.

Tàu ngầm mini tự chế gặp khó khi ra biển 2
Ông Nguyễn Quốc Hòa thiết kế tàu ngầm dựa trên các tư liệu tìm kiếm được trên mạng Internet


Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa và chiếc tàu ngầm mini tự chế đầu tiên tại Việt Nam


Từ giữa đến cuối năm 2013, chiếc tàu ngầm mini tự chế đầu tiên tại Việt Nam dần được hình thành tại Thái Bình 


 Ngày 21.1.2014, tàu ngầm mini Trường Sa được thử nghiệm thành công trong bể chứa


Đến nay, tàu ngầm mini Trường Sa vẫn đang phải nằm ở bể thử nghiệm vì chưa biết ngày nào mới đủ điều kiện ra biển - Ảnh: Hoàng Long

 Hoàng Long 

>> Tàu ngầm TP.Hồ Chí Minh khởi hành về Việt Nam  
>> Việt Nam nghiệm thu kỹ thuật tàu ngầm TP.HCM
>> Lễ tiếp nhận và thượng cờ trên tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội
>> Lễ thượng cờ tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam
>> Tàu ngầm Kilo thứ hai của Việt Nam sẽ được giao cuối tháng 1.2014
>> Video: Thăm tàu ngầm Kilo HQ 182 Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.