Tất bật những mẻ khô cá bổi ngày giáp tết

Gia Bách
Gia Bách
14/01/2023 19:07 GMT+7

Các cơ sở làm khô cá bổi (sặc rằn) ở Cà Mau tất bật làm những mẻ cá khô cuối cung cấp cho thị trường thị trường dịp tết.

Còn khoảng một tuần nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ sở làm khô cá bổi (sặc rằn) ở Cà Mau đang tất bật làm những mẻ cá khô cuối cùng để cung cấp cho thị trường dịp tết.

Từ 2 giờ sáng hàng ngày, các chị sẽ tập trung lại để làm làm sạch cá

G.B.

Các cơ sở làm khô cá bổi sản xuất quanh năm, nhưng thời vụ cao điểm từ tháng 10 đến hết tháng 12 âm lịch. Hiện mỗi ngày, các điểm sản xuất hàng tấn cá khô thành phẩm, bán với giá từ 150.000 - 320.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Tám, chủ một cơ sở sản xuất cá khô bổi ở xã Trần Hợi (H.Trần Văn Thời) cho hay, gia đình ông đã có ba đời làm khô cá bổi. “Nghề truyền thống này tôi bắt đầu làm từ năm 2012. Trước tôi đi bộ đội, khi xuất ngũ về thấy nghề này thì không thể bỏ được nên quyết định mở cở sở sản xuất. Về thu nhập, so với nông nghiệp thì làm khô bổi ổn định hơn”, ông Tám kể.

Công việc phơi cá, xếp cá giao cho khách được trả lương khoảng 9 triệu đồng/tháng

G.B.

Theo ông Tám, ở những tháng bình thường, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 1 - 1,2 tấn cá tươi; đến vụ sản xuất rộ thì từ 1,5 - 1,7 tấn cá tươi. Do cơ sở này làm loại khô cá bổi lạt, nên từ 2,4 - 2,5 kg cá bổi tươi sẽ được 1 kg cá khô thành phẩm.

Do nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết khá lớn nên gia đình ông năm nào cũng chuẩn bị hơn 30 tấn cá tươi để làm khô cung cấp cho các chợ đầu mối. “Cơ sở sử dụng nguồn nhân công ở tại địa phương. Hằng ngày, khoảng 2 giờ sáng, các chị em sẽ tập trung lại để làm làm sạch cá. Đến khoảng 5 giờ thì một số người ra phơi cá sau đó tiếp tục làm cá. Các lao động có thu nhập từ 250.000 - 350.000 đồng mỗi ngày”, ông Tám cho hay.

Để có 1 kg cá khô bổi lạt, cần có 2,4 - 2,5 kg cá tươi

G.B.

Ông Nguyễn Văn Cần (ngụ xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời) cho biết: “Vào thời điểm tết, các cơ sở phải làm từ đêm để kịp giao hàng. Hiện, các điểm làm khô đang làm những mẻ khô cuối để phục vụ dịp tết, sau đó thì nghỉ. Sau tết, sản lượng khô sẽ giảm đi".

Cũng theo lời ông Cần, ông trả lương khoảng 9 triệu đồng/tháng cho công việc phơi cá, xếp cá giao cho khách.

Riêng cơ sở của ông Tám mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn cá khô thành phẩm. Sau khi trừ hết chi phí ông thu lợi nhuận khoảng 5%.

Theo các cơ sở sản xuất cá khô bổi ở H.Trần Văn Thời, sản phẩm từ con cá bổi địa phương có chất lượng thịt ngon, chắc hơn so với một số vùng nên giá thành cao hơn từ 15 - 30%. Những năm gần đây, sản phẩm khô cá bổi lạt được khách hàng ưa chuộng hơn.

Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều người, khô bổi xứ U Minh hạ được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng và các tiểu thương ở những chợ đầu mối lớn đặt mua. Do vùng này khiến cá chậm lớn, yếu tố khiến cá có điểm đặc trưng là dai, thịt ngọt, ngon hơn các vùng khác.

Làm khô bổi là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở H.Trần Văn Thời, H.U Minh, tỉnh Cà Mau. Vào năm 2011, “cá khô bổi U Minh” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận là nhãn hiệu tập thể, do Hội Nông dân H.Trần Văn Thời quản lý.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân H.Trần Văn Thời, nói: "Các cơ sở sản xuất cá khô bổi tập trung nhiều ở TT,Trần Văn Thời, xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi. Hiện giá cá khô bổi khá cao nên mang lại lợi nhuận khá cho các cơ sở, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.