Tăng quyền tự quyết cho bệnh viện

Duy Tính
Duy Tính
02/05/2023 06:48 GMT+7

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, để giải quyết tận gốc tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, cốt lõi phải xem lại căn cứ pháp lý cao nhất vẫn là luật, phải sửa đổi luật Đấu thầu, phải có những nghị định, thông tư kèm theo phù hợp hơn với thực tế.

Tính pháp lý phải rõ ràng

PGS-TS Phong Lan cho rằng, khi sửa đổi luật thì vấn đề quan trọng hơn là phải xác định về mặt quan điểm mua sắm, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT) theo hướng như thế nào ? Nhưng tốt nhất là làm sao tăng cường tính tự chủ của bệnh viện để chủ động trong mua sắm. Muốn vậy thì cần tính pháp lý rõ ràng để người tham gia vào đấu thầu, mua sắm không còn ám ảnh tâm lý về xử lý sau này nếu làm sai do không nắm quy định; đồng thời phải lành mạnh hóa thị trường thông qua cải cách hành chính, bớt thủ tục phiền hà và quy định không cần thiết.

"Chúng ta quá coi trọng việc xét hồ sơ, cấp số đăng ký nhưng những thủ tục này có thật sự quyết định chất lượng sản phẩm hay không? Liệu có kiểm soát được hay không? Tại sao không tăng cường hậu kiểm mà chỉ tập trung vào cấp số đăng ký lúc đầu dẫn đến cơ chế xin - cho. Đôi khi những mặt hàng kém chất lượng có thể trà trộn được nếu như qua được khâu hồ sơ, xét duyệt", bà Phong Lan đặt vấn đề.

Bà Phong Lan đơn cử mặt hàng thuốc, cần lành mạnh hóa thị trường thuốc theo hướng chuyên biệt, tăng cường chất lượng. Chúng ta thà có ít số đăng ký thuốc hơn là mở cửa đồng loạt thuốc gì cũng nhập, thuốc gì cũng sản xuất, dẫn đến không giúp cạnh tranh về chất lượng mà chủ yếu là đạp giá nhau. Trên một nền dược quá phức tạp như vậy thì bác sĩ và hội đồng thầu rất khó chọn được sản phẩm phù hợp.

"Phải có chương riêng cho đấu thầu thuốc và TTBYT trong luật Đấu thầu sửa đổi. Hiện thiết kế luật thì đã có chương riêng, nhưng quan trọng là hàm chứa gì? Phải có những điều kiện đặc thù, cụ thể", PGS-TS Phong Lan chia sẻ.

Đa dạng hình thức cung ứng

Theo PGS-TS Phong Lan, quan điểm đầu tiên cần đề cập khi sửa luật là không phải lúc nào cũng đấu thầu. Đấu thầu không phải là con đường duy nhất tối ưu để có thể tiếp cận được thuốc và TTBYT. Cần học hỏi kinh nghiệm các nước, nhất là hệ thống y tế tư nhân, bởi họ có đấu thầu đâu mà vẫn mua được.

Thứ hai là phát triển hình thức thương lượng giá ở góc độ quốc gia đối với một số mặt hàng đặc biệt, hàng gần như là chỉ định thầu (hàng chỉ có một nhà sản xuất).

Thứ ba, phải có thang điểm riêng về ý kiến đánh giá của bác sĩ, hội đồng điều trị đối với việc sử dụng thuốc hay TTBYT.

Thứ tư, nếu quy định những trường hợp khẩn cấp thì bắt buộc phải chỉ định thầu chứ không thể đấu thầu từ từ như bình thường. Vì vậy, phải làm rõ quy định khẩn cấp đó là như thế nào, tránh trường hợp mỗi nơi nghĩ một cách khác nhau, chủ thầu hiểu khác, cơ quan điều tra hiểu khác dẫn đến hệ lụy pháp lý…

"Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tổng hợp ý kiến trong và ngoài ngành để có thể xây dựng chương đấu thầu riêng này. Vì hiện giờ, những quy định đang hiện diện trong luật Đấu thầu sửa đổi mà Quốc hội sẽ đưa ra thảo luận trong kỳ họp sắp tới theo tôi vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn", PGS-TS Phong Lan nói.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, dù đã có quy định nhưng vẫn còn đâu đó hiện tượng thiếu thuốc, TTBYT. "Có phải do người đứng đầu các bệnh viện sợ? Đó là nỗi sợ vô hình khi nhìn xung quanh thấy người này người kia bị xử lý. Đó là cách nghĩ rất dở, cần vượt qua nỗi sợ để lo cho bệnh nhân. Nhưng nhìn về pháp lý, sự hiểu biết về pháp luật, các ý kiến chưa được tiếp thu và phản hồi một cách tích cực đã góp phần gây ra nỗi sợ lan tràn như vậy. Theo tôi, đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật. Nếu như làm mà biết làm sai, có vụ lợi thì mới sợ", bà Phong Lan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.