Tăng cung để kéo giảm giá vàng

13/04/2024 04:48 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng nguồn cung để rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới. Sau khi được công bố, nhiều chuyên gia đánh giá đây là giải pháp có hiệu quả nhanh, đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

GIÁ VÀNG MIẾNG LAO ĐAO, VÀNG NHẪN THĂNG TIẾN

Hôm qua 12.4, thị trường vàng tiếp tục nổi sóng, biến động liên tục theo xu hướng tăng trước giảm sau. Giá vàng miếng SJC tăng mạnh từ 800.000 - 1 triệu đồng mỗi lượng vào đầu ngày nhưng đến chiều giảm mạnh. Cụ thể, vàng miếng chạm giá cao kỷ lục 85 triệu đồng trong ngày nhưng cuối ngày quay đầu xuống còn 84,5 triệu đồng dù thế giới vẫn duy trì mức kỷ lục. Trong khi đó, giá vàng nhẫn dậy sóng khi tăng gần 1 triệu đồng mỗi lượng. Công ty SJC mua vào 75,35 triệu đồng, bán ra 77,15 triệu đồng. Riêng Công ty Bảo Tín Minh Châu sau khi tăng mạnh giá bán lên 78,18 triệu đồng thì cũng nhanh chóng quay đầu giảm sâu xuống còn 77,68 triệu đồng.

Kỳ vọng những động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm giúp ổn định thị trường vàng

Kỳ vọng những động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm giúp ổn định thị trường vàng

NGỌC DƯƠNG

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh lên sát 2.400 USD/ounce, có thời điểm còn vượt qua mức này. Chỉ trong một ngày, vàng quốc tế tăng gần 60 USD/ounce, tương đương 1,8 triệu đồng/lượng. Tốc độ tăng giá khá mạnh của vàng quốc tế đã khiến mức đắt đỏ của vàng miếng SJC được rút ngắn lại 11,65 triệu đồng/lượng, thay vì trên 13 triệu đồng/lượng của ngày trước đó.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý ngay chênh lệch giá vàng

Đáng chú ý, mặc dù giá vàng thế giới tăng vọt lập đỉnh cao nhất mọi thời đại trong hôm qua nhưng vàng miếng SJC đảo chiều giảm mạnh. Nguyên nhân đến từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, trong đó có việc thực hiện tăng cung đối với thị trường vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ quan quản lý tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu.

Diễn biến trên thị trường vàng hiện tương tự thời điểm cuối năm 2023. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN có biện pháp với thị trường vàng nhằm rút ngắn chênh lệch giá trong và ngoài nước thì giá vàng miếng lập tức giảm mạnh gần 5 triệu đồng mỗi lượng và chỉ còn cao hơn thế giới khoảng 13 triệu đồng thay vì mức trên 16 triệu đồng. Thế nhưng sau đó, khi NHNN chưa có thông báo đưa ra giải pháp cụ thể gì thì giá vàng miếng SJC tăng mạnh trở lại.

Đến cuối tháng 1.2024, vàng trong nước lại cách xa thế giới từ gần 17 - 18 triệu đồng mỗi lượng. Mức chênh lệch này kéo dài đến tận tháng 3 khi Chính phủ tiếp tục "nhắc" phải có giải pháp quản lý thị trường vàng, đề xuất sửa đổi Nghị định 24… thì vàng miếng lại giảm xuống, chỉ còn cao hơn thế giới khoảng 12 - 13 triệu đồng, thậm chí có thời điểm chỉ còn cao hơn 10 triệu đồng dù giá thế giới vẫn liên tục tăng và lập đỉnh mới. Như vậy, có thể thấy rằng giá vàng miếng SJC một phần tăng do xu hướng thế giới nhưng phần lớn do "một mình một chợ", cung thấp hơn cầu…

Ngoài việc tăng cung cho thị trường vàng miếng, NHNN cũng cho hay sẽ phối hợp các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Riêng đối với Nghị định 24 ngày 3.4.2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện nghị định; đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.

GIÁ VÀNG MIẾNG SẼ GIẢM KHOẢNG 8 TRIỆU ĐỒNG ?

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng khi tăng nguồn cung vàng ra thị trường thì sẽ kéo được mức chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước như mục tiêu Chính phủ đề ra. Mức giảm còn được cộng hưởng từ lực bán tranh thủ của nhiều người trước khi giá vàng chính thức bị kéo xuống.

Giá vàng biến động liên tục trong hôm qua 12.4

Giá vàng biến động liên tục trong hôm qua 12.4

NGỌC DƯƠNG

"Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao chỉ có thể thực hiện ngay được khi NHNN tổ chức các cuộc đấu thầu vàng dự trữ can thiệp thị trường, sau đó nhập vàng để tăng lại nguồn dự trữ. Việc đấu thầu vàng, NHNN đã có kinh nghiệm trong giai đoạn từ 2012 - 2014 khi tổ chức nhiều đợt bán vàng can thiệp thị trường. Hy vọng thời gian ngắn, lượng vàng này sẽ được đưa ra thị trường", ông Khánh nhận định.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích: Trước đây VN vẫn cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu vàng liên tục tăng khi các kênh đầu tư khác còn gặp khó khăn, nhất là bất động sản. Trong khi đó, giá vàng tăng giúp nhiều người có lãi cao nên càng thu hút được nhiều người quan tâm. Nhưng hầu như cung trong nước không tăng. Theo quy luật thông thường, khi cung ít hơn cầu thì giá sẽ tăng cao. 

Vì vậy, nếu NHNN ngay lập tức cho SJC nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng và bán ra thị trường thì sẽ giúp hạ nhiệt tình trạng chênh lệch cao giữa trong nước và thế giới. Khi đó, mức chênh lệch này sẽ rút ngắn xuống dưới 8 triệu đồng/lượng và đến đầu năm sau khả năng mức chênh lệch này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 4 triệu đồng. Thậm chí, với sự điều tiết tốt của cơ quan quản lý nhà nước thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới sẽ quay lại dưới 2 triệu đồng/lượng như trước đây.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, khẳng định chỉ cần cơ quan chức năng cung ứng vàng cho thị trường, các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn thì giá trong nước sẽ giảm ngay. Thực tế, sau khi nghe thông tin tăng nguồn cung từ NHNN thì các nhà vàng cũng như những người có vàng đã thực hiện chốt lời. Những người mua vàng từ hồi đầu năm, nay lời gần 20 triệu đồng một lượng cũng sẽ tính toán bán ra. Khi thị trường xuất hiện lực bán mạnh, giá sẽ "sập" rất mạnh vì không ai dám ôm vàng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng dự báo, vàng miếng SJC có thể thoái lui về mức giá 75 - 76 triệu đồng/lượng, tương đương giảm hơn 8 triệu đồng so với hiện nay.

Tương tự, vàng nhẫn cũng giám sát giá thế giới hơn và có thể chỉ còn chênh lệch khoảng 500.000 đồng/lượng thay vì mức 4,35 - 5,4 triệu đồng như hiện tại, tương đương mỗi lượng vàng nhẫn sẽ giảm từ 3 - 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng dự báo giá vàng thế giới đang tăng nhanh và có thể còn tăng lên 2.500 USD/ounce vì thị trường đang lo sợ nguy cơ xảy ra xung đột giữa Iran và Israel, những thông tin căng thẳng ngày càng leo thang đang đẩy lực mua vàng của các ngân hàng trung ương. Chính vì vậy, dù chỉ số USD-Index có đứng ở mức cao, vàng vẫn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, nếu những thông tin này dịu lại thì có khả năng vàng thế giới giảm mạnh khoảng 200 USD/ounce.

BỎ ĐỘC QUYỀN VÀNG MIẾNG SJC

Theo phân tích của Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA), Nghị định 24 đã có tác dụng tích cực đối với thị trường vàng, đó là không có tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế (người dân không định giá và thanh toán bằng vàng…), thói quen của người dân tích trữ vàng đã giảm thấp. Biến động thị trường vàng không ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá và quan hệ cung cầu về ngoại tệ… Vì vậy trong nhiều năm qua, NHNN chưa thực hiện can thiệp thị trường vàng như trước đây vì biến động thị trường vàng chưa tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Nguyên nhân giá vàng miếng SJC có chênh lệch lớn và kéo dài so với giá vàng quốc tế trong thời gian vừa qua do quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Nhà nước công nhận thương hiệu vàng miếng SJC là vàng chuẩn quốc gia, do vậy người dân khi có nhu cầu mua vàng miếng thì họ chỉ có lựa chọn duy nhất là mua vàng miếng SJC. Việc này làm cho cầu vàng miếng SJC tăng cao trong khi cung vàng miếng SJC cho thị trường trong 10 năm qua là không có. Việc mất cân đối này khiến giá vàng SJC tăng cao so với giá vàng quốc tế kéo dài như tình hình hiện nay.

Do vậy, hiệp hội đề nghị xem xét bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, bỏ việc giữ vàng SJC là vàng chuẩn quốc gia. Để sớm ổn định thị trường vàng và xử lý chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế, cần cho phép một số doanh nghiệp kinh doanh vàng có đủ điều kiện (theo quy định của NHNN) được sản xuất vàng miếng theo thương hiệu của doanh nghiệp đúng quy định về sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Như vậy, người dân sẽ tự chọn lựa thương hiệu vàng miếng để mua. Ngoài ra, cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của NHNN để sản xuất vàng miếng. Riêng đối với vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, VGTA đề nghị được nhập khẩu không quá 10 tấn (theo giá hiện hành khoảng 700 triệu USD).

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc tăng cung trên thị trường vàng đồng nghĩa NHNN nên cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập khẩu và tham gia sản xuất vàng miếng. Trong đó, cần quy định chi tiết về điều kiện, số lượng vàng nhập khẩu trong khung thời gian nhất định. Tương ứng từ đó, việc doanh nghiệp sản xuất vàng miếng với khối lượng bao nhiêu cũng cần được NHNN quy định rõ và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bởi vàng vẫn cần được quản lý vì có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách hối đoái và dự trữ quốc gia.

TS Thịnh nhấn mạnh: Khi cho nhập khẩu vàng thì nguồn cung nhiều hơn. Từ đó chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới sẽ rút ngắn lại như trước đây, chỉ loanh quanh ở mức 2 - 3 triệu đồng/lượng là bình thường. Giá vàng trong nước vẫn sẽ theo xu hướng của thế giới, có tăng có giảm nhưng không để chênh lệch quá lớn. Hiện nay, vàng thế giới tăng mạnh ngoài dự báo. Điều này phần lớn do tâm lý và kỳ vọng của các nhà đầu tư bởi xung đột về quân sự và chính trị trên thế giới cũng không phải là hoàn toàn mới xảy ra. 

Thông thường USD tăng sẽ đẩy vàng đi xuống, thế nhưng nay dù đồng bạc xanh tăng giá thì vàng vẫn tăng vùn vụt. Đây là điều nghịch lý và như thế xu hướng này có thể không kéo dài. Khả năng giá vàng thế giới tăng đến 2.500 USD/ounce là cao nhất và sẽ điều chỉnh. Do vậy, người mua trong nước nên thận trọng khi giá vàng đang ở đỉnh cao. Nhất là sau khi NHNN tăng nguồn cung cho thị trường cũng như sửa đổi Nghị định 24 thì vàng trong nước có thể giảm mạnh hơn.

Theo Thông báo số 160 ngày 11.4 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012 ngày 3.4.2012 của Chính phủ (Nghị định 24). Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Nhập khẩu vàng theo hạn ngạch

Trên thế giới, mỗi năm các mỏ vàng cũng sản xuất ra thêm một số lượng vàng để cung ứng cho nhu cầu trên thị trường. Điều này đồng nghĩa mỗi năm đều có lượng vàng vật chất gia tăng. Nếu giá vàng tăng cao, có thể các nhà sản xuất sẽ tăng cung, ngược lại nếu giá thấp thì họ sẽ giảm cung. Đây là quy luật của thị trường bao nhiêu năm qua. Trong khi đó, tổng tài sản quốc gia qua mỗi năm cũng sẽ tăng dần theo đà phát triển của kinh tế. Hay nói cách khác, VN qua từng năm cũng sẽ tạo ra giá trị thặng dư từ các hoạt động kinh tế. Nguồn thặng dư đó sẽ được tích lũy ở nhiều tài sản khác nhau, bao gồm VND, ngoại tệ hay vàng. Nhưng VN không sản xuất ra vàng nên việc nhập khẩu cũng là bình thường.

Việc cho phép SJC và sau này có thể mở rộng thêm một số doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập khẩu vàng sản xuất vàng miếng theo hạn ngạch, có sự quản lý chặt chẽ từ NHNN để đáp ứng nhu cầu gia tăng tích trữ tài sản của người dân. Số lượng nhập khẩu và sản xuất đưa ra thị trường cần có sự tính toán kỹ. Cung cầu không quá chênh lệch thì thị trường sẽ ổn định.

TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế)

Tăng cung để kéo giảm giá vàng- Ảnh 3.

Giá vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.