TAND tối cao đề xuất mô hình mới, đổi tên gọi tòa án cấp tỉnh và huyện

21/02/2023 08:57 GMT+7

TAND tối cao đề xuất nhiều điểm mới mang tính đột phá về tổ chức hệ thống tòa án, trong đó điểm nhấn là việc sẽ không còn gọi là TAND cấp tỉnh và cấp huyện.

Ngày 26.2 tới đây, TAND tối cao sẽ tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27/2022 của Ban chấp hành T.Ư. Một trong những nội dung lớn được thảo luận là về định hướng sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức tòa án năm 2014.

Theo dự thảo được đăng tải vào hồi tháng 1 vừa qua, TAND tối cao đề xuất hàng loạt chính sách mới, mang tính đột phá về mô hình tổ chức hệ thống của tòa án.

TAND tối cao đề xuất mô hình mới, sẽ không còn tòa án cấp tỉnh và huyện - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất nhiều điểm mới mang tính đột phá về tổ chức hệ thống tòa án, trong đó điểm nhấn là việc sẽ không còn TAND cấp tỉnh và cấp huyện

TUYẾN PHAN

Địa vị pháp lý của TAND bị hạ thấp

TAND tối cao cho biết, theo quy định hiện hành, mô hình tổ chức TAND gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và tòa án quân sự. Việc tổ chức tòa án chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn với địa giới hành chính đã dẫn tới nhiều hạn chế.

Trong đó, TAND cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành tòa án. Thế nhưng, với số lượng rất lớn (702 đơn vị), việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho TAND cấp huyện gặp khó khăn lớn.

Chưa kể, TAND cấp huyện được tổ chức dàn trải, số lượng vụ việc phải giải quyết không giống nhau, có nơi mỗi năm trên dưới 3.000 vụ việc nhưng cũng có nơi chỉ trên dưới 100 vụ việc. Hệ quả, các tòa án có khối lượng công việc lớn thì chịu gánh nặng về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, trong khi các tòa án dù ít việc nhưng vẫn phải bố trí đầy đủ từ con người, trụ sở cho đến phương tiện, gây lãng phí.

Cơ cấu bộ máy của TAND cấp huyện cũng còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử nên khó khăn trong việc đào tạo chuyên ngành cho thẩm phán và cán bộ tòa, nhất là công tác giải quyết vụ việc mang tính đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, môi trường hoặc phá sản.

Tương tự, TAND cấp cao cũng chưa có tòa chuyên trách về các lĩnh vực đặc thù nêu trên. Việc quy định toàn bộ thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao là chưa hợp lý, tạo gánh nặng.

Với cấp tỉnh, các tòa án vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ việc theo thẩm quyền, lại vừa phải kiểm tra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện để kiến nghị giám đốc thẩm, dẫn đến thực hiện nhiệm vụ mang tính dàn trải, thiếu tập trung vào một giai đoạn tố tụng nhất định.

Vẫn theo TAND tối cao, việc tổ chức tòa án theo địa giới hành chính còn dẫn đến nhận thức rằng tòa án là một đơn vị hành chính thuộc địa phương và TAND tối cao là một cơ quan bộ, ngành ở T.Ư.

Điều này hạ thấp địa vị pháp lý của TAND, gây khó khăn trong xử lý, giải quyết các vấn đề về hoạt động của tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là ở các vụ án hành chính khi một bên đương sự là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.

TAND tối cao đề xuất mô hình mới, sẽ không còn tòa án cấp tỉnh và huyện - Ảnh 2.

TAND tối cao cho rằng mô hình tổ chức mới sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử và giải quyết các vụ việc

TAND TỐI CAO


Đề xuất thành lập nhiều đơn vị mới

Từ những bất cập đã nêu, TAND tối cao đề xuất xác định thẩm quyền của tòa án theo cấp xét xử thay vì theo cấp hành chính. Theo đó, mô hình tổ chức mới của TAND gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự.

Trong số này, TAND tối cao về cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức như hiện hành nhưng có kiện toàn, tổ chức lại bộ máy giúp việc cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

TAND cấp cao được tổ chức trên cơ sở các TAND cấp cao hiện tại, có bổ sung quy định về việc thành lập thêm các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, môi trường, phá sản để xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với các vụ án của TAND sơ thẩm chuyên biệt bị kháng cáo, kháng nghị.

TAND phúc thẩm được tổ chức tại 63 tỉnh, thành, trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh một cách thích hợp chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp tỉnh hiện nay; có nhiệm vụ chính yếu là xét xử phúc thẩm các vụ án của TAND sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

TAND sơ thẩm được tổ chức tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh một cách thích hợp chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp huyện hiện nay. TAND sơ thẩm sẽ có tòa chuyên trách và tòa giản lược (xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản hoặc tranh chấp có giá trị không lớn).

TAND sơ thẩm chuyên biệt được được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, thành tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc; có chức năng, nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các loại vụ việc đặc thù theo từng lĩnh vực; gồm: TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm hành chính, TAND sơ thẩm phá sản và TAND sơ thẩm môi trường.

Theo đánh giá của TAND tối cao, sự thay đổi trên sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử và giải quyết các vụ việc; đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng cho nhà nước, người dân.

Dù vậy, một số phát sinh sẽ xảy ra, điển hình là thủ tục, quy trình liên quan đến thành lập các đơn vị tòa án mới, hay như việc thay đổi thủ tục, quy trình tố tụng do thay đổi thẩm quyền của các tòa án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.