TAND tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và cấp huyện

31/08/2023 13:50 GMT+7

Theo đề xuất của TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và cấp huyện sẽ đổi tên thành TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm.

TAND tối cao vừa công bố dự thảo lần 3 để lấy ý kiến rộng rãi đối với luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất nhiều nội dung mới liên quan đến mô hình tổ chức, hoạt động của TAND.

TAND tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và cấp huyện - Ảnh 1.

Theo đề xuất của TAND tối cao, TAND TP.Hà Nội sẽ chuyển thành TAND phúc thẩm Hà Nội

TUYẾN PHAN

TAND TP.Hà Nội sẽ thành TAND phúc thẩm Hà Nội

Theo đề xuất của TAND tối cao, mô hình tổ chức của TAND tới đây sẽ bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự.

Trong đó, TAND tối cao, TAND cấp cao và tòa án quân sự về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành.

TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh (ví dụ TAND TP.Hà Nội thành TAND phúc thẩm Hà Nội), TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ TAND Q.Hoàn Kiếm thành TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm).

Theo TAND tối cao, việc thay đổi như trên không chỉ đơn thuần về tên gọi, mà mục tiêu hướng tới là để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Việc này không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.

Trước đó, trong dự thảo lần 2, TAND tối cao từng cho biết, việc tổ chức mô hình tòa án theo địa giới hành chính như hiện nay dẫn đến nhận thức rằng tòa án là một đơn vị hành chính thuộc địa phương và TAND tối cao là một cơ quan bộ, ngành ở T.Ư.

Hệ quả, địa vị pháp lý của TAND bị hạ thấp, gây khó khăn trong xử lý, giải quyết các vấn đề về hoạt động của tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là ở các vụ án hành chính khi một bên đương sự là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.

Với đề xuất mô hình mới, tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử và giải quyết các vụ việc sẽ được nâng cao; đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng cho nhà nước, người dân…

Nhân tố mới mang tên "TAND sơ thẩm chuyên biệt"

Đối chiếu mô hình tổ chức tòa án theo đề xuất của TAND tối cao, một điểm mới so với quy định hiện hành, đó là có thêm hệ thống TAND sơ thẩm chuyên biệt.

TAND tối cao cho biết, TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ xét xử một số loại án đặc thù. Mục tiêu hướng tới là bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.

Trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tên gọi các TAND sơ thẩm chuyên biệt như tòa án sơ thẩm hành chính, tòa án sơ thẩm sở hữu trí tuệ, tòa án sơ thẩm phá sản, tòa án sơ thẩm đất đai, tòa án sơ thẩm môi trường....

Do đây là vấn đề mới, quan trọng, TAND tối cao báo cáo Quốc hội để cho ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.