Tan trong sương mù - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

29/08/2015 12:00 GMT+7

Cha tôi nói trong hang Thuồng Luồng có một con thuồng luồng đã hàng ngàn năm tuổi. Nó canh giữ kho báu của Lạc Long Quân. Từ ngàn xưa, chưa từng có ai tài giỏi đến nỗi lặn được xuống tận đáy hang nước để trông thấy nó. Nhưng ai cũng tin nó tồn tại từ đời này sang đời khác, vì đôi khi nơi hỏm nước ấy ánh lên một thứ ánh sáng màu xanh lam mê mị trong đêm tối mịt mù, và gái làng cứ vài năm lại chết đuối một cô. Gái làng tôi nổi tiếng xinh đẹp và bơi lội giỏi. Các cụ bảo chính con thuồng luồng ấy bắt các cô về làm vợ.

Cha tôi nói trong hang Thuồng Luồng có một con thuồng luồng đã hàng ngàn năm tuổi. Nó canh giữ kho báu của Lạc Long Quân. Từ ngàn xưa, chưa từng có ai tài giỏi đến nỗi lặn được xuống tận đáy hang nước để trông thấy nó. Nhưng ai cũng tin nó tồn tại từ đời này sang đời khác, vì đôi khi nơi hỏm nước ấy ánh lên một thứ ánh sáng màu xanh lam mê mị trong đêm tối mịt mù, và gái làng cứ vài năm lại chết đuối một cô. Gái làng tôi nổi tiếng xinh đẹp và bơi lội giỏi. Các cụ bảo chính con thuồng luồng ấy bắt các cô về làm vợ.

Tan trong sương mù - Truyện ngắn của Phạm Thanh ThúyMinh họa: Hồng Thiện Cường
Con sông chảy qua làng tôi nước trong suốt, đó cũng là nơi duy nhất của cả khúc sông dài có một cái hang đá ăn sâu vào lòng đất. Giữa làng có cái gò hình con rùa, trên đỉnh gò có một cái hố nước sâu hoắm, to bằng vành nón, tự nhiên sinh ra, không ai đào mà thành. Bọn trẻ làng thường thả những quả bưởi khắc tên chúng xuống đó, vài ngày sau, kỳ lạ, những quả bưởi ấy đều nổi trên sông. Những tối mùa thu và những ngày mùa đông, mặt sông thường phủ một làn sương mù, bao giờ cái hỏm nước trước hang Thuồng Luồng cũng là nơi sương mù lâu tan nhất. Nước khúc sông ấy cũng xanh và mát lạnh, khác với cả dòng sông. Trên bờ, ngay đỉnh hang là một rặng tre xanh xào xạc, và nhà tôi ở đó.
Làng tôi làm nghề chài lưới. Bọn trẻ làng từ lúc biết bò đã chồm hổm mũi thuyền, không biết sợ nước là gì. Lớn chút nữa đã bơi lặn như thể loài thủy tộc. Vậy mà, đối với trai làng tôi, cái hang nước luôn bí ẩn và thách thức.
“Hang sâu chết khiếp, tối mịt mù, nước lạnh toát, chắc là con thuồng luồng nó thở đấy”, anh Hà phì phà khói thuốc lá, và gật gù. Hà lớn hơn tôi vài tuổi, nổi tiếng táo tợn, cũng giỏi bơi lặn nhất làng. Trong số thanh niên làng, chỉ duy nhất có anh là từng lặn vào hang được lâu hơn người khác.
“Có khi cái hang ấy phải ăn thông với lõi trái đất chứ chả đùa”.
“Nhưng lõi trái đất toàn dung nham nóng chảy mà mày”, anh Ninh, bạn anh Hà vặn vẹo. Anh Hà cười hờ hờ: “Ờ, tao quên không nói cho bọn mày biết, càng vào sâu, quả là nước có hơi âm ấm thật, có khi nước ở lòng trái đất chảy ra cũng nên...”.
Ba năm sau, mùa hè năm 1997, anh Hà phạm một tội khủng khiếp: hiếp dâm. Mười lăm năm sau anh ra tù và trở thành một người đàn ông đứng tuổi, cục cằn, thô lỗ.
Tôi chưa bao giờ ngừng hỏi chính tôi về cái hang Thuồng Luồng. Rằng nó có phải là đầu nguồn của một dòng sông ngầm chảy miết trong lòng đất hay không. Nó sâu đến đâu và nếu đã hàng ngàn năm tuổi thì nó giấu trong lòng nó những bí ẩn gì. Tôi chưa bao giờ tin chuyện con thuồng luồng ngàn năm tuổi sống trong hang bảo vệ kho báu nhưng tôi tin nơi sâu thẳm lòng nó có ít nhiều bí mật. Những đêm trăng sáng, cả nhà tôi ngồi ngắm trăng, cha tôi vẫn áp tai xuống thềm nhà và nói: “Mấy đứa có nghe thấy không, ngài (cha tôi luôn kính cẩn gọi con thuồng luồng tưởng tượng ấy là ngài) đang cựa mình đấy. Chúng mày mà hỗn là ngài giận, ngài quẫy thì có mà sập đất”. Những đứa em tôi hét lên bảo đúng rồi, ngài làm nền đất khẽ rung lên. Tôi chẳng cảm thấy gì, và tôi chẳng tin điều đó.
Cha tôi luôn khao khát được lặn xuống hang Thuồng Luồng. Nhưng ông chẳng thể làm gì. Một lần, lúc còn nhỏ, khi đang thả lưới trên sông, ông nghe tiếng người kêu cứu. Gần hang Thuồng Luồng, một người phụ nữ đang chấp chới, và không chút đắn đo, ông vớt bà ta lên. Một năm sau, cha tôi mắc chứng bệnh lạ, hễ cứ xuống nước bơi là cơ chân co cứng, không cử động được, người ta bảo chứng chuột rút. Nghĩa là cả đời cha chẳng bao giờ thấy bên trong cái hang ấy có gì. Có lẽ chính vì việc cứu người trước cửa hang mà ông tin mình bị ngài trừng phạt nên trong lòng càng nể sợ.
Anh Hà cầm đầu đám trai làng loai choai, ham chơi và hiếu kỳ. Chính anh là người đầu têu cho chúng tôi biết hút thuốc lá và xem lén những băng video đen. Mười bảy tuổi, anh đòi bố mẹ sắm cho cái đầu băng và cái bình ắc quy to tướng. Anh khuân tất cả chúng xuống thuyền và ở đó, anh chiếu những bộ phim khiến đám trai làng sùng sục như trứng luộc sôi trong nồi. Tôi biết anh hư, và gần anh rất nguy hiểm, nhưng anh lại bơi lặn kỳ tài, và quả thực trong những cuộc trai làng cá cược nhau lặn vào hang Thuồng Luồng, chỉ có anh là người lặn vào lâu nhất. Điều đó khiến tôi mê mẩn.
Khi anh Hà say sưa những bộ phim video, gồm cả phim đen lẫn phim chưởng Hồng Kông cũng là lúc anh say đắm chị Vân. Nhưng chị Vân không mê anh, chị mê anh Ninh đẹp trai, hiền lành, không bao giờ khoe chuyện xem phim kiếm hiệp hay phim đen, anh cũng chẳng lắm tài bơi lặn như anh Hà. Họ yêu nhau. Chỉ có điều anh Hà không chấp nhận. Anh tuyên bố anh Ninh chơi bẩn, cướp người yêu của bạn. Đám trai làng được anh Hà chiếu phim và cho hút thuốc miễn phí cũng hùa theo, họ đẩy anh Ninh vào một góc cô lập. Tối tối họ ngồi thành hàng ở cổng nhà chị Vân, bất cứ ai không được họ cho phép đều không được bén mảng, cứ thế, cho đến quá nửa đêm, làng chài tắt đèn đi ngủ, họ mới kéo nhau ra sông, xuống thuyền xem tiếp những tập phim chưởng dài dằng dặc.
Anh Ninh bảo tôi, dù anh Hà có dùng trăm mưu ngàn kế thì cũng là loại anh hùng rơm, chỉ cần cho mồi lửa là hết cơn anh hùng. Loại ấy anh không thèm chấp. Anh và chị Vân yêu nhau chân chính, sẽ được bên nhau suốt đời. Anh đã có kế hoạch rồi, chỉ cần cưới nhau xong, anh sẽ đưa chị đi nơi khác, mãi mãi giã từ nghiệp sông nước.
Anh Ninh hay đi thả lưới cùng tôi trên những khúc sông xa nhất làng. Tôi hỏi anh về cái hang Thuồng Luồng như tôi thường hỏi chính mình. Anh Ninh bảo chẳng có con thuồng luồng nào ở đó cả, chỉ có một loài cá sống thành bầy trong hang tối, có màu trắng toát, mắt gần như bị tiêu biến, và thịt của chúng thì rất nhão và rất tanh, chẳng đáng để ăn. Tôi hỏi anh chưa từng lặn vào hang, làm sao biết được điều đó. Anh cười hắc hắc, bảo cần gì phải lặn vào cái hang tối tăm ấy, chỉ cần đoán là biết mà thôi. Xưa nay, những con vật sống thiếu dương khí, thiếu ánh sáng đều như thế cả. Cái gì sống trong tăm tối cũng tối tăm, vô vị hết, em à!
Ngày 18 tháng 4 năm 1997, xảy ra một vụ án trước nay chưa từng có ở làng. Vào lúc mờ sáng, chị Vân xuống thuyền đi chèo tôm như mọi ngày đã bị anh Hà rình, lôi vào bên khóm tầm xuân và làm chuyện đồi bại. Việc vỡ lở. Anh Hà không những không xấu hổ, còn oang oang: “Tưởng còn trinh trắng lắm, hóa ra cũng rạc rài rồi”. Ba ngày sau, người ta thấy chị Vân để lại thư tuyệt mệnh, rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Không ai biết có thật chị đã tự tử không, vì nhiều năm sau vẫn không tìm được xác chị. Làng nhiều người con gái chết trẻ, vì tai nạn và cũng vì tự tử, nhưng chưa có ai mất xác như chị Vân. Anh Hà thanh minh rằng anh làm thế chỉ vì muốn cưới chị mà thôi.
Anh Hà đi tù mười lăm năm, rồi trở về làng. Anh Ninh đã bỏ làng lên thành phố và trở thành một người nhiều tiền. Năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ chị Vân, anh Ninh cũng về bến sông xưa làm cỗ cúng cho chị. Anh thả xuống sông những bông hoa màu trắng.
Khi anh Hà đi tù về, ngày anh Ninh cúng cho chị Vân bên bờ sông, ngay gần hang Thuồng Luồng, anh Hà uống rượu khật khưỡng đi đến, anh phanh ngực, để lộ những hình xăm tục tĩu, cảnh nam nữ giao hoan. Anh bảo tội hiếp dâm đã khiến anh chịu nỗi nhục bị xăm mình như vậy. Đá vèo những bông hoa trắng còn đang được cúng trên mâm xuống sông, anh chỉ mặt anh Ninh hét to: “Mẹ kiếp. Nó có còn trinh tiết gì đâu mà bày đặt oan ức, tự tử làm khổ đời tao”. Người ta lôi anh Hà xềnh xệch ra khỏi bờ sông, anh bỏ đi xa lắm­ mà tiếng chửi rủa của anh còn vẳng lại.
Khi ấy giữa mùa thu, sương mù giăng kín mặt sông.
Ba ngày sau, anh Hà biến mất, không ai biết anh đi đâu.
Cha tôi ốm nặng. Biết mình sắp về cõi, ông cầm tay anh em tôi dặn, phải sống cho thật tốt, nếu không, ngài nổi giận, nhấn chìm cả làng xuống nước mất. Tôi khóc, thương cha, càng giận mình, tại sao không một lần lặn xuống hang để xem trong ấy có gì, rồi kể lại cho cha.
Tôi và đứa em đứng trên thuyền nhìn chăm chăm cái hang nước lạnh lẽo, vòm hang dương xỉ xùm xòa. Mùa nước cạn, sông càng trong, và hủm nước càng trong, vậy mà mực nước ở cửa hang dường như không bao giờ thay đổi. Chuẩn bị chu đáo dụng cụ lặn, để em tôi trên thuyền trông ống thở bằng vòi nước nối dài, tôi nhào người xuống sông.
Cửa hang mở rộng dần, như hàm một con ếch khổng lồ, càng lúc tôi càng cảm thấy như mình bị nước hút vào sâu, tuồng như tôi đang rơi vào một miệng phễu. Tôi có cảm giác như ngôi nhà trên mặt đất của tôi đã trôi về phía sau rất xa, lòng hang lúc rộng lúc hẹp, những mũi đá nhọn như mọc dưới đất lên và trên trời găm xuống, bám một thứ rêu lạ lùng chưa từng thấy. Bất ngờ, một luồng ánh sáng trắng vụt qua tôi, phả hơi lạnh toát. Tôi rùng mình. Trời ơi! Một đàn cá trắng toát, dường như không có mắt, và như không quan tâm kẻ lạ là tôi, chúng khua vây, cùng nhau bơi về phía trước.
Càng vào sâu, cảm giác càng ghê rợn, có lẽ tôi nên quay ra trước khi bị dòng nước hút sâu vào và không còn có thể trở ra được nữa. Đúng lúc ấy, một cửa hang lấp lánh nhũ đá hiện ra. Trong hang sáng khác thường. Lẽ nào cái hang này chính là đáy của cái giếng trên gò con rùa giữa đồng làng tôi? Dưới ánh sáng mờ ảo của nước và ánh đèn lặn, tôi gần như chết lặng: trước mắt tôi, một người con gái khỏa thân như bức tượng thạch cao đang nằm trên một tảng đá.
Tôi tin rằng cả người tôi dường như đông cứng, tim ngừng đập và máu ngừng chảy. Chị Vân. Trời ơi! Người con gái làng chài xinh đẹp của tôi. Chị ấy vẫn còn kia, nguyên vẹn. Làm thế nào chị ở đây suốt 15 năm trời? Là chị, hay ảo ảnh?
Bất ngờ, đầu tôi bị giật mạnh, ống thở bị ai đó giằng tháo bằng được. Tôi vùng vẫy chống cự, ánh sáng đèn lặn lia thẳng vào mặt kẻ đang cố giết tôi. Là anh Ninh.
Tôi trôi về phía lòng hang sâu thẳm, tất cả bỗng tối sầm, nước lạnh toát ôm trùm, thấm đẫm.
... Em tôi thấy tôi nằm lịm bên bờ sông cách cửa hang khá xa. Những người làng kéo đến, họ hỏi tôi đã thấy được gì trong chuyến lặn của mình, tại sao em tôi ở trên thuyền ngoài cửa hang mà không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi.
Tôi không trả lời.
Tôi không bao giờ lặn vào hang Thuồng Luồng nữa. Tôi nói với cha rằng chính con thuồng luồng đã dùng vòi của nó đẩy tôi lên khỏi mặt nước trước khi tôi chết ngạt.
Cha mỉm cười buông tay tôi, rồi nhẹ nhàng đi vào cõi.
Và anh Ninh, từ đó, chẳng ai còn gặp lại. Ngày giỗ chị Vân, tôi thả xuống lòng sông những bông hoa màu trắng. Và sương mù ở khúc sông ấy bao giờ cũng lâu tan nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.