Tận dụng thế mạnh trong dân để phát triển du lịch

Giang Phương
Giang Phương
30/07/2023 14:55 GMT+7

Tây Ninh đang ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước khi những thế mạnh của địa phương này được tận dụng đúng thời điểm để phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc rất riêng.

Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu Du lịch VN Trịnh Thị Trúc Linh trở thành đại sứ du lịch Tây Ninh

Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu Du lịch VN Trịnh Thị Trúc Linh trở thành đại sứ du lịch Tây Ninh

Ảnh: Giang Phương

Đón 5 triệu du khách trong năm 2023

Kế hoạch năm 2023, Tây Ninh dự kiến sẽ đón khoảng 5 triệu du khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỉ đồng, đó cũng là những con số kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh (năm 2022 đạt 4,5 triệu du khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỉ đồng).

Theo số liệu của Cục Thống kê Tây Ninh, 3 tháng đầu năm 2023, riêng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan. Nhờ đó, hoạt động thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tỉnh có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành trên địa bàn 3 tháng đầu năm đạt 5.574 tỉ đồng (tăng 15,18%). Đặc biệt, du lịch lữ hành tăng đến 577,43%, đạt 3,45 tỉ đồng.

Tận dụng thế mạnh trong dân để phát triển du lịch - Ảnh 2.

Tận dụng thế mạnh trong dân để phát triển du lịch - Ảnh 3.

Nghệ thuật chế biến món ăn chay Tây Ninh lần đầu tiên trở thành lễ hội thu hút du khách

Ảnh: Giang Phương

Ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tây Ninh cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, với sự đầu tư khá bài bản của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, Tây Ninh đã dần đưa những sản phẩm du lịch đẳng cấp để giới thiệu đến du khách.

Theo ông Minh, một tín hiệu đáng mừng là chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán 2023, Tây Ninh đã đón trên 2 triệu lượt du khách. Lần đầu tiên, du khách đến Tây Ninh được trải nghiệm những sản phẩm mới về du lịch, đặc biệt là sự hài lòng cũng như tỷ lệ lưu trú ở lại Tây Ninh ngày càng cao.

"Chúng tôi rất tin tưởng với sự đầu tư khá bài bản cùng tâm huyết và trách nhiệm, Tây Ninh sẽ dần hình thành các sản phẩm du lịch không phải xung quanh câu chuyện của riêng núi Bà Đen mà tỉnh sẽ đầu tư du lịch trở thành cụm ngành có chiến lược phát triển bài bản. Đặc biệt, tỉnh sẽ từng bước đi vào từng phân khúc để đem lại những trải nghiệm về sản phẩm du lịch đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn thu hút du khách quốc tế", ông Minh khẳng định.

Nghề làm bánh tráng trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo cho du khách  Ảnh: Giang Phương

Nghề làm bánh tráng trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo cho du khách

Ảnh: Giang Phương

Làm du lịch từ thế mạnh trong dân

Với những nét "độc nhất vô nhị" khi nghệ thuật chế biến món ăn chay Tây Ninh - một thế mạnh trong dân đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 12.1.2022). Năm 2023, lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay với trên 200 món ăn do 55 đơn vị, nghệ nhân chế biến đẹp mắt cùng 144 sản phẩm đặc sản các địa phương tham gia trưng bày đã thu hút 25.000 lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Đây được xem như một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu trải nghiệm cho du khách đến Tây Ninh sau lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng - cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận.

Tận dụng không gian rộng lớn, vẻ đẹp thiên nhiên của hồ Dầu Tiếng, sản phẩm trải nghiệm dù lượn cũng là một trong những bước ngoặt lớn đưa H.Dương Minh Châu của tỉnh Tây Ninh tăng thêm sức hút. Kéo theo đó là những sản phẩm du lịch người dân phát triển đi kèm, từ rượu mật vang nho rừng độc đáo cho đến vẻ đẹp hoang dã thú vị của đảo Nhím giữa lòng hồ…

Trong khi đó, mỗi địa phương đều đã tận dụng cơ hội cho những sản phẩm du lịch của người dân được lên kệ, quảng bá rộng rãi cho du khách đến Tây Ninh. Từ trái mãng cầu núi Bà Đen đến muối tôm Tây Ninh, bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng đến sản phẩm dế sấy độc đáo…

Vẻ đẹp thiên nhiên của hồ Dầu Tiếng là thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch dù lượn thể thao  Ảnh: Giang Phương

Vẻ đẹp thiên nhiên của hồ Dầu Tiếng là thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch dù lượn thể thao

Ảnh: Giang Phương

Trước đó, tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển vùng kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ diễn ra tại tỉnh Bình Phước ngày 18.3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã nhấn mạnh vai trò của liên kết vùng trong tất cả các lĩnh vực, nhất là du lịch. Ông Ngọc cho rằng Khu du lịch núi Bà Đen không chỉ có vai trò phát triển du lịch của tỉnh mà còn là yếu tố phát triển du lịch cả vùng Đông Nam bộ, hay Cửa khẩu kinh tế Mộc Bài cũng đóng vai trò rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng nếu biết khai thác, phát huy tốt những lợi thế.

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị với tư duy và định hướng phát triển mới, toàn diện sẽ tạo động lực quan trọng về vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá. Vấn đề còn lại là làm gì và làm như thế nào để đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực có tính khả thi cao. Điều đó phụ thuộc vào ý chí, hành động, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.