Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương…

30/12/2014 05:30 GMT+7

Vừa rồi, đến nhà nhỏ bạn chơi, được mời ly sương sáo, hột é, ăn ngon hết biết, rồi chợt bồi hồi nhớ đến má, bởi nhỏ này làm ly nước mát có hương vị giống của má tôi hồi xưa quá đỗi...

Vừa rồi, đến nhà nhỏ bạn chơi, được mời ly sương sáo, hột é, ăn ngon hết biết, rồi chợt bồi hồi nhớ đến má, bởi nhỏ này làm ly nước mát có hương vị giống của má tôi hồi xưa quá đỗi...
>> Mùa nấm tràm về
>> Muôn màu chè ngon xứ Huế

Nước hột é là món quà vặt buổi trưa mà má thường xuyên làm cho tôi mỗi khi ngủ dậy. Thi thoảng, má pha chung sương sa, phổ tai với hột é. Và khi đó, thức uống này được “nâng cấp” lên một tầm "xa xỉ" mới.

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 1
Lá sương sáo tươi, nhưng chỉ được chế biến khi phơi khô

Với tôi, lúc nhỏ, ly sương sáo hột é không đơn thuần là một thức uống, mà nó còn chở theo một hành trình rất dễ thương với đầy tính tò mò của con trẻ. Còn nhớ, má thường nhờ tôi đi mua sương sáo và hột é ở nhà ông Bảy. Nhà ông Bảy giàu lắm, nằm sát mé sông, làm bằng gỗ to, bóng ngời nét thời gian.

Những lúc được bước vào nhà ông là một cuộc phiêu lưu thú vị mà tôi có được. Đồ đạc trong nhà rất đẹp,mà tôi mê nhất là cái sàn nước kê ra mé sông lấp lánh nắng và lộng gió. Tôi thường chạy tót ra đứng đó, phóng tầm mắt nhìn về sông Hậu mênh mông và đưa mũi hít hà mùi sông nước, mùi sương sáo… quyện vào nhau thoảng đưa trong không khí, cái mà tôi vẫn gọi là “mùi” nhà ông Bảy.

Tôi không thể  quên những khi làm nước mát, dáng má đứng trong bếp thật thân thương, cắt nhẹ nhàng từng miếng sương sáo lớn thành hột lựu, thêm đường, hột é, phổ tai… rồi gọi: “Nè, cô Hai, uống xong rồi đi học bài đó”.

Những ngày hè, tôi rảnh rang hơn, không phải lu bù với sách mở, má gọi tới gần rồi nhỏ to: “Đây là thức uống dân dã vô cùng dễ làm. Tuy nhiên, con vẫn phải làm với cả tấm lòng và chút kinh nghiệm mới đạt độ ngon nhất”. Theo má, hột é chỉ cần ngâm nước là nở ra. Nhưng với sương sáo thì phải nấu, dù nấu rất đơn giản, nhưng nếu sơ ý một chút là sẽ bị vón cục, khét đáy và nổi óc trâu ngay.

Nên lúc bắc nồi sương sáo lên bếp là phải đứng canh, để lửa vừa và khuấy liên tục cho bột không bết dính đáy nồi hoặc nổi óc trâu. Chờ sương sáo sôi chừng 5 phút. Thấy đặc lại thì nhắc xuống, đổ ra khay.

Nước đường làm sương sáo hột é nên làm từ đường phèn sẽ cho vị ngọt thanh. Muốn có hương thơm thì thêm ít dầu chuối. Ai thích vị béo thì làm một ít nước cốt dừa. Ai thích ăn sang hơn thì cho sương sa, phổ tai…

Tuổi thơ của tôi trôi qua bình dị, dường như không có món ăn chơi vào buổi trưa nào “sang” hơn sương sáo hột é. Khi có dịp đến nhà bạn bè chơi, thấy những bạn sống trong gia đình khá giả được ăn trái cây, bánh ngọt, sô cô la… tôi đã không tránh được sự ganh tị.

Tuy nhiên, cảm giác đó trôi qua nhanh lắm, vì tôi biết ly nước của mình còn có cả tình thương của má, rất nhiều… nhiều hơn cả hàng hà sa số cái hột é bé xí đang xoay vần trong từng ly nước mát ngọt buổi trưa mà tôi chưa bao giờ thành công trong việc đếm nó…

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 2
Nếu quá bận bạn có thể mua bột sương sáo về chế biến. Cứ 50 gr bột thì pha với 2 lít nước lọc, tùy ý
thêm hoặc bớt nước nếu muốn sương sáo cứng hoặc mềm hơn.

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 3
Cho 100 gr đường và khuấy đều cho hỗn hợp tan hết

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 4
Bắc lên bếp đun nhỏ lửa cho tới khi sương sáo sôi, vừa đợi vừa khuấy đều tay
để tránh bị khét, đợi sôi thêm vài phút nữa thì nhắc xuống

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 5
Múc ra thố thủy tinh hoặc tô sứ, lúc này sương sáo đã bắt đầu sánh đặc ...

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 6
... trong khi chờ sương sáo nguội thì chuyển qua chế biến hột é, hột é khô rửa sạch và ngâm
với nước sôi để nguội trong 10 phút

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 7
Sương sáo đã nguội và đông đặc, thơm ngào ngạt, dùng dao cắt khối vuông cỡ hạt lựu

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương…8
Cho vào thố, rưới lên vài muỗng sữa tươi không đường

Sương sáo, hột é - một miền nhớ thương… 10
Cho hạt é lên trên, nhỏ vài giọt dầu chuối là có thể thưởng thức

 

Sương sáo là loại lá cây mọc trên cạn, chỉ được chế biến khi phơi khô, nấu với nước cho rục nát, lọc bỏ xác, chắt nước vào tô, sẽ kết đông thành khối có màu đen tuyền. Có vị lạt và đắng nhẹ, có tính giải nhiệt cao, thanh mát, tốt cho sức khỏe, thường ăn kèm với nước đường, nước dừa hoặc sữa tươi. Hạt é là hạt của cây húng quế, lá dùng làm gia vị, hạt thì phơi khô để giải khát hoặc nấu chè, có tác dụng giải nhiệt, nhuận trường. Do đó, kết hợp sương sáo và hột é là món ăn bài thuốc rất khoa học của người dân Nam bộ. Bạn có thể mua bột sương sáo hoặc sương sáo hộp bán sẵn trong siêu thị về chế biến cho gia đình.

Cẩm Nhi
Ảnh: Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.