Y tế học đường tại TP.HCM (kỳ 1)

27/09/2009 09:31 GMT+7

Kỳ 1: Phòng không, người thiếu (TNO) Cô hiệu trưởng là người “chuyên” sơ cứu cho học sinh (HS) bị khó thở, lên cơn đau tim. Cô hiệu phó lo phần HS chạy chơi, trầy tay, chảy máu. Rồi, tất cả đều được bác bảo vệ chở đi bệnh viện hoặc đến trạm y tế... Đó là một vài hình ảnh thực tế về y tế học đường ở TP.HCM hiện nay.

Đủ kiểu "chữa bệnh" cho học sinh

Cô Trần Thị Minh Thi, Hiệu trưởng trường THCS Khánh Hội A (Q.4) cho biết từ lúc cô về trường đến nay đã gặp không ít trường hợp phải cấp cứu cho HS mà chính cô là người trực tiếp thực hiện. “Có em bị khó thở, ngất xỉu hay lên cơn đau tim, thế là chính mình cũng phải chạy xuống lớp, bồng HS lên phòng giáo viên này cho nằm nghỉ, quạt cho thoáng khí, cho HS uống nước đường rồi... gọi phụ huynh lên đón chứ biết làm sao”, cô Thi kể.

Trong khi đó, cô hiệu phó của trường lại là người chuyên sơ cứu các vết trầy trụa, chảy máu, trật chân, gãy tay của HS do chạy nhảy, nghịch ngợm. Rồi, “xe cấp cứu” lại chính là chiếc xe gắn máy cùng bác bảo vệ của trường.

 
Tủ thuốc của một trường học - Ảnh: Nguyên Mi

Khi được hỏi về các chương trình nha học đường tại trường học, anh N.V.K. có con học lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12), cho biết: “Các cháu học tiểu học đều ở tuổi còn răng sữa và bắt đầu thay răng, thế nhưng đến nhổ một cái răng sữa hay trám răng, phòng nha của trường cũng đâu có làm được, tự phụ huynh phải đưa con đi nha sĩ ngoài làm thôi”.

Chị L.N.K., có con đang học tiểu học kể: “Có hôm vừa đưa bé đến trường, đến cơ quan được mấy phút thì nhà trường gọi điện báo bé bị ấm đầu, ói bảo phụ huynh lên đón về. Con mình bệnh thì có công việc gì cũng phải bỏ hết để chạy ngược về trường coi con ra sao. Những lúc như thế rất kẹt cho phụ huynh".

Không có chỗ cho phòng y tế

Trường THCS Khánh Hội A (Q.4) có hơn 1.000 HS nhưng chỉ có một tủ thuốc gỗ nhỏ đặt trong phòng hiệu trưởng và cũng là phòng giáo viên, phòng giáo cụ. Kinh phí chi cho y tế học đường được trích ra từ quỹ hoạt động của trường và 5% BHYT của HS được trích lại cho nhà trường. Từ hơn 5 năm nay, trường chỉ có thể chi 500.000 đồng/tháng cho tiền thuốc phục vụ y tế cho HS và giáo viên của trường.

Từ 2 năm nay, phòng y tế của trường Khánh Hội A hoàn toàn không có vì trường đang chờ xây dựng, phòng học còn không đủ nên phải phân tán HS, giáo viên nhiều nơi, mượn tạm hai ba cơ sở của trường bạn để học.

 
Phòng y tế kết hợp với thư viện tại một trường học - Ảnh: Nguyên Mi

Đến trường Tiểu học Xóm Chiếu (Q.4) mới thấy nơi được gọi là phòng y tế ở đây chỉ đơn giản là một chiếc giường nhỏ, được đặt ở một góc hẹp trong thư viện trường. Mà phòng thư viện này cũng chỉ có diện tích chừng 12m2. Khi nào có HS hay giáo viên mệt cần chỗ nghỉ, xuống phòng y tế, thì giường được kéo ra, nệm được để xuống.

Tủ thuốc của trường được "cơ động" đặt ở một góc trước cửa phòng giáo viên gồm: bông băng và một số thuốc đơn giản để hạ sốt, thuốc trị đau bụng, cảm... Trong khi đó, nhà trường có đến 580 HS với 17 lớp, 150 em là HS bán trú.

Cô Nguyễn Thị Mai Trinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xóm Chiếu trăn trở: “Đến sân chơi cho HS còn chưa đủ chỗ nữa lấy đâu ra chỗ làm phòng y tế riêng theo đúng chuẩn. HS bị dồn trong một không gian học đường rất chật chội, ngột ngạt. Thôi thì điều kiện mình chỉ có thế thì “liệu cơm gắp mắm”, tâm niệm của thầy cô là cố gắng giữ cho các em càng ít “chuyện” về sức khỏe càng tốt”.

Việc một góc hẹp trở thành "phòng y tế" như trên cũng là vấn đề có thể thấy tại hầu hết các trường "nghèo", diện tích chật chội ở các quận huyện vùng ven như Q.4, Q.7, H.Cần Giờ, Q.Thủ Đức... mà các thầy cô hiệu trưởng ở đây đều rất e dè khi đề cập đến với bộn bề nỗi khó khăn.

 
Giường nghỉ trong "phòng y tế" tại một trường học - Ảnh: Nguyên Mi

Cán bộ kiêm nhiệm

Các trường "nghèo" thì thế, còn những trường có điều kiện hơn thì phòng ốc có đó, thiết bị có đó, nhưng vẫn chỉ để trong tình trạng “trùm mền”.

Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) vừa được xây mới và khánh thành hơn một năm nay. Trong các hạng mục xây dựng của trường có một phòng y tế khá khang trang, thoáng mát, rộng rãi gần 30m2 và cả một máy nha để chữa răng cho HS. Thế nhưng, nhưng cho đến nay chiếc máy này vẫn chưa được sử dụng, đơn giản là vì trường không có cán bộ y tế chuyên trách và không có ai có chuyên môn để sử dụng.

Tại các trường học hiện giờ, thường là giáo viên hoặc giám thị, cô thư viện kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ cán bộ y tế. Các thầy cô phụ trách y tế học đường chỉ được đi học thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng mỗi năm hai lần về các bệnh học đường như: mắt, cong vẹo cột sống... Việc tập huấn y tế học đường cũng chỉ được thực hiện theo mùa vụ để xử lý phát sinh, chứ hoàn toàn không được đào tạo nghiệp vụ chính quy.

Cô Trần Thị Minh Thi, Hiệu trưởng trường THCS Khánh Hội A tâm sự: “Trường chỉ cần một y tá hay điều dưỡng thôi mà mời còn chưa được chứ nói chi tới chuyện mơ đến bác sĩ. Trường từng mời được một cô y tá về làm được hai tháng rồi người này cũng ra đi vì thu nhập thấp quá".

Viên An

>> Y tế học đường tại TP.HCM (kỳ 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.