Vì đâu máu dễ thừa đường?

28/02/2011 12:44 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tất nhiên không vô cớ nhiều lần lên tiếng báo động về nguy cơ của bệnh tiểu đường như “cơn đại dịch của thế kỷ”. Bệnh quả ghê rợn như thế vì dù không lây lan nhưng phát tán với tiến độ vượt xa dự kiến của ngành y.

Ngay cả các quốc gia đã có chương trình phòng chống bệnh tiểu đường từ vài thập niên qua thì số người bị bệnh tiểu đường vẫn càng ngày càng tăng, đặc biệt với cư dân thành phố lớn, ngay cả ở những người hãy còn rất trẻ!

Với tình trạng biện pháp tầm soát vẫn chưa được đẩy mạnh đúng mức thì con số 4,5 triệu người bệnh tiểu đường, theo thống kê chính thức ở nước ta, trên thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hơn thế nữa, cho dù có phát hiện được bệnh thì quan trọng hơn nhiều là làm sao để ngăn chặn hơn là đợi “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Nhưng điều ít người biết là bệnh tiểu đường không đơn thuần khu trú quanh chuyện tăng đường huyết, cũng không hoàn toàn gắn liền với chế độ dinh dưỡng của nạn nhân. Bằng chứng là nhiều người cữ ngọt kỹ càng, thậm chí có khi thái quá nhưng vẫn mắc. Nhờ bệnh tiểu đường được nghiên cứu chi li trong thập niên gần đây nên hiện không còn ai nghi ngờ về vài yếu tố khiến chúng ta dễ mắc bệnh tiểu đường. 

Trước hết, stress là món “thuốc độc” khiến hoạt tính của insulin, nội tiết tố có nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường trong máu, bị phong bế. Máu càng thừa đường thì càng mau dày mạch máu vì tình trạng xơ vữa do hậu quả của rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo bao giờ cũng thừa nước đục thả câu. Cho nên cữ ăn ngọt mà tâm không thanh thản thì cũng bằng không.

Kế đến, tuy tụy tạng được giao cho việc quản lý đường huyết nhưng bệnh tiểu đường ít khi là bệnh của cơ quan này. Trái lại, vì bệnh gan, bệnh đường ruột không được điều trị đến nơi đến chốn mà tụy tạng lãnh án oan uổng. Tầm soát bệnh gan, bệnh đường ruột và nhất là điều trị cho đúng bài bản chính là giải pháp tuy gián tiếp nhưng hiệu quả để cầm chân bệnh tiểu đường. Lời “khen” của WHO về khả năng nước ta chiếm hàng đầu về bệnh tiểu đường trong khu vực Đông Nam Á chắc khó sai vì bệnh gan, bệnh đường ruột ở xứ mình vẫn còn ngoài vòng kiểm soát!

Thêm vào đó, riêng với đàn ông, nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, hiện không còn ai nghi ngờ về mối liên hệ giữa testosteron và tình trạng dao động đường huyết. Muốn lượng đường đừng bị giữ lại quá lâu trong máu rồi sinh sự, chất đường cần được huy động vào bắp thịt càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay. Người muốn tránh bệnh tiểu đường vì thế rất cần khối lượng cơ bắp để đốt cho hết chất đường. Éo le là càng thiếu testosteron lại càng dễ teo cơ. Ngược lại, lượng đường trong máu càng dao động thất thường, bắp thịt càng mau thoái hóa. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục với hậu quả là bệnh tiểu đường sớm muộn không mời cũng đến. Nói cách khác, đừng để thiếu testosteron ở nam giới từ tuổi trung niên là một trong các giải pháp để cầm chân bệnh tiểu đường.

Cho nên, nếu tưởng bị bệnh tiểu đường chỉ vì quen ăn quá ngọt thì dễ hố. Nếu đơn giản như thế thì đời đâu còn là bể khổ và thầy thuốc đâu cần học lâu đến thế. Có nhiều thứ khác còn ghê hơn món ngọt!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.