Tuyệt đối không được bơm silicon lỏng

05/02/2012 08:33 GMT+7

(TNTS) Cải thiện vòng 1 là nhu cầu khá phổ biến trong giới chị em hiện nay. Nhưng, theo giới chuyên môn, trước khi quyết định "nâng cấp" vòng 1, chị em cần cân nhắc thật kỹ càng.

Ghi nhận của các BS thẩm mỹ cho thấy, lứa tuổi chị em chỉnh trang vòng 1 gặp nhiều nhất là từ 20 - 40 tuổi, cá biệt cũng có người ngoài 60 tuổi.

 
Ảnh: AFP

Còn theo ghi nhận của BS Đỗ Quang Hùng thì: "Trong các thủ thuật làm đẹp có gây mê thì đặt túi nâng ngực chiếm nhiều nhất. Nếu tính chung về làm đẹp ở phái nữ, thì nâng ngực đứng hàng thứ 3, sau chỉnh mắt và chỉnh mũi. Các nhà phân phối túi nâng ngực cho biết, trong các nước ASEAN, VN tiêu thụ túi ngực đứng hàng thứ hai".

Nhận biết túi ngực bị xì, bị thủng

Theo các BS thẩm mỹ, phần lớn sản phẩm túi nâng ngực PIP được bán sang các nước khác. Loại túi này được làm từ loại silicon cấm sử dụng, nên dễ nứt, hoặc vỡ bất thường. PIP chưa từng được cấp phép chính thống vào VN, nhưng có một dạo trước đây, PIP cũng từng hiện diện, được chào mời tại thị trường trong nước. Đó là hàng xách tay, dạng phi mậu dịch. Do vậy, cũng có người cho rằng, có thể những cơ sở làm thẩm mỹ không chính thống, làm chui có thể họ cũng từng sử dụng PIP để nâng ngực cho chị em. Vì vậy, BS đưa ra một số biểu hiện nhận biết túi ngực bì xì hay bị thủng, đó là: Với túi làm từ silicon lỏng khi bì xì bộ ngực sẽ bị biến dạng do dịch silicon thoát ra; hoặc sờ vào bầu ngực có cảm giác đóng cục, cứng… Với loại túi nước biển thì dễ nhận biết nếu bị xì, bị thủng, đó là ngực sẽ xẹp nhỏ thấy rất rõ (vì nước biển xì ra ngấm hêt vào cơ thể).

BS Nguyễn Thanh Vân khuyên, chị em cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật nâng ngực, hoặc chỉnh trang các bộ phận trên cơ thể. Phải suy nghĩ kỹ có cần thiết phải làm không. Cần trao đổi tham khảo ý kiến người thân, ý kiến của chồng.

Vì có những trường hợp chị em "lén" chồng đi phẫu thuật nâng ngực, để rồi sau đó vỡ lở thành bi kịch. Cần được tư vấn rõ ở BS chuyên khoa để biết trước những biến chứng, hoặc những kết quả không mong muốn có thể xảy ra trong phẫu thuật nâng ngực.

Tìm hiểu kỹ về BS, cơ sở làm đẹp và lưu ý chỉ được đặt túi ngực ở các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, tại các khoa phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh viện, những nơi được phép làm loại phẫu thuật này.

Đặc biệt, mặc dù silicon lỏng đã bị cấm từ lâu trong làm đẹp (như bơm ngực, bơm mông, bơm mũi), tuy nhiên, đến nay tại VN vẫn còn tình trạng nhiều chị em vì thiếu hiểu biết nên để cho những người làm thẩm mỹ trái phép sử dụng loại silicon này. Trước tết Nguyên đán, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một nạn nhân nữ, ngoài 40 tuổi vào viện trong tình trạng bị biến chứng nhiễm trùng, viêm tấy phần ngực bên trái vì bơm silicon lỏng.

Người này cho đã bơm silicon lỏng lần thứ 3 để nâng ngực. BS phải điều trị chống nhiễm trùng, đợi sau tết phẫu thuật giải quyết hậu quả.

Biến chứng thường gặp của silicon lỏng sau một thời gian bơm là chúng dồn cục, gây nhiễm trùng, áp xe, làm hư mô cơ nơi bơm vào.

"Bơm ngực bằng silicon lỏng đã bị cấm, nhưng vẫn có những trường hợp bơm chui ở VN, gây biến chứng nguy hiểm như, vón cục thành khối ở ngực, áp xe hoại tử mô vú, thậm chí làm thuyên tắc mạch gây tử vong. Bệnh viện chúng tôi cũng thường gặp, xử lý giải quyết hậu quả biến chứng do bơm silicon", BS Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Đặt túi vào ngực thế nào, chi phí ra sao?

Các túi nâng ngực có thể tích từ 150-400 cc, nhưng tùy từng dáng vóc, ngoại hình của mỗi người mà BS sẽ tư vấn để chị em đặt kích cỡ túi ngực cho phù hợp, hài hòa, trông cho giống với bộ ngực thật của chính mình.

 
Ảnh: AFP

Hiện nay, loại túi 225cc, 250cc và 275cc là phổ biến nhất (loại 250cc được dùng nhiều hơn). Theo TS-BS Đỗ Quang Hùng, về sau này chị em ít còn ngần ngại, e dè với việc làm đẹp bộ ngực, nên xu hướng họ muốn chọn loại túi có thể tích to hơn (từ 275 - 350 cc) so với trước đây (225-250cc).

Một số biến chứng, hoặc biểu hiện ngoài ý muốn có thể gặp trong phẫu thuật nâng ngực (ở đây đề cập đến các cơ sở làm thẩm mỹ chính thống; không nói đến các nơi làm không phép, làm chui) đó là: không đồng đều giữa hai bên ngực, lệch vị trí (chiếm khoảng 0,7%); nhiễm trùng, tai biến gây mê, chảy máu chiếm khoảng 0,1%; co cứng túi ngực chiếm khoảng 1,5%. Ngoài ra, còn có một số trường hợp mất cảm giác tạm thời ở đầu vú - thường là do tâm lý, có thể kéo dài trong 1 năm sau mổ.

Thời gian phẫu thuật để đặt túi nâng ngực cho hai bên thường từ 1-1,5 giờ.  Kỹ thuật này chỉ được phép làm ở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, có đội ngũ, phương tiện gây mê hồi sức, để nếu có biến cố có thể cấp cứu được. Theo quy định, các phòng mạch, không phải bệnh viện thì không được phép làm phẫu thuật nâng ngực.

Thông thường có một số đường để BS phẫu thuật đặt túi vào ngực như: đường mổ ở quầng vú, đường mổ ở nách, nếp (gờ) vú phía dưới. Còn cách đặt túi ngực thì đặt trên hoặc đặt dưới cơ ngực lớn, nhưng theo BS Nguyễn Thanh Vân, đặt dưới cơ ngực lớn sẽ cho bầu ngực tự nhiên hơn. "Thời gian lành vết mổ là khoảng 10 ngày, thời gian ngực trở lại tự nhiên bình thường là khoảng 1 năm. Và kiêng vận động mạnh, chơi thể thao từ 3-6 tháng, tùy theo mức độ vận động", BS Vân nói thêm. Theo BS Đỗ Quang Hùng, thường 1 tháng sau phẫu thuật thì tình hình ổn định, chị em có thể sinh hoạt, đi xe máy bình thường. Trong hai năm đầu sau đặt túi nâng ngực, chị em nên đi kiểm tra mỗi 6 tháng một lần.   

Chi phí bình quân (thường là chi phí trọn gói, gồmphẫu thuật đặt túi, nằm viện, chăm sóc, thuốc men…) cho phẫu thuật đặt túi ngực hai bên ở VN hiện nay dao động từ 2.200 - 2.700 USD.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.