Trứng kiến giảm stress, tăng cường sinh lý

23/04/2011 11:07 GMT+7

Các nhà khoa học Việt Nam vừa công bố đã sản xuất thành công sản phẩm dạng viên chứa tinh chất trứng kiến gai đen. Sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, giảm stress, tăng cường sinh lý này là thành quả 10 năm nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Khỏe nhờ trứng kiến

Trải qua 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam nhận thấy các tinh chất trong trứng kiến gai đen có một số tác dụng tốt. Chẳng hạn, người bị stress dùng sản phẩm tinh chiết từ trứng kiến gai đen sau vài phút là cảm thấy khỏe khoắn.

TS Nguyễn Thị Vân Thái, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, cho biết, các thử nghiệm lâm sàng trên người tiến hành năm 2002 - 2006 cho thấy bệnh nhân sử dụng rượu ngâm trứng kiến gai đen có cải thiện về sức khỏe, thần kinh.

 
Tinh chất trong trứng kiến gai đen giúp tăng cường sức khỏe (Ảnh Internet). 

Thử nghiệm trên một nhóm người tình nguyện khác cũng cho thấy, trứng kiến gai đen có tác dụng tăng cường năng lượng cho người lao động trí óc, người suy nhược cơ thể, tăng cường chức năng sinh lý, hỗ trợ chứng suy giảm sinh dục của nam giới hay các vấn đề về cơ, xương, khớp, xua tan căng thẳng, mệt mỏi lo âu.

Năm 2007, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học - Công nghệ Sinh học Đức tìm ra hoạt chất tryptophan. "Đây là một loại amino acid quý giá, giúp cơ thể nhanh chóng vượt qua mệt mỏi, stress. Thiếu hoạt chất này sẽ dẫn đến thiếu serotonin, có thể gây ra trầm cảm, stress, mất ngủ, một số bệnh về thần kinh và các bệnh khác", PGS Dương Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.

Theo nghiên cứu của PGS Tuấn cùng các cộng sự, trứng kiến gai đen có tới 42 - 76% chất đạm, 30 loại acid amin, (trong đó có 8 loại acid amin thiết yếu, có loại cơ thể người không tự tổng hợp được) 31 nguyên tố vi lượng, vitamin A, D, E, B2, B12.

Năm 2009, sản phẩm tinh chất trứng kiến gai đen dạng thô ra đời, được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho phép lưu hành trên thị trường. Khách hàng ban đầu chủ yếu là cán bộ của Viện, chưa tới được rộng rãi người dùng Việt Nam do chưa được sản xuất thành thành phẩm với mẫu mã đẹp. Trong khi đó, một số nước như Đức, Trung Quốc... muốn mua lại công nghệ sản xuất.

Mới đây, các nhà khoa học Viện Hóa học Việt Nam thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam tiến thêm một bước về công nghệ, ra mắt sản phẩm tinh chất trứng kiến gai đen dạng viên nén. Sản phẩm này sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường.

Tiềm năng xuất khẩu

Trước đây, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam phải mua 250.000 đồng/kg trứng kiến. Gần đây, một vùng nguyên liệu được mở tại Yên Thế, Lục Ngạn (Bắc Giang), Lạng Sơn - nơi tìm ra loài kiến gai đen chất lượng tốt, sinh trưởng tự nhiên. Tiến tới có thể mở rộng vùng nguyên liệu ra miền Trung, Nam Trung Bộ.

PGS Tuấn kể, ông từng đi thực địa nhiều vùng rừng trong cả nước và nhận thấy tiềm năng nuôi kiến gai đen là rất lớn. Ở Việt Nam, kiến gai đen được tìm thấy ở nhiều tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái… và nhiều tỉnh miền Trung.

"Nơi nào có rừng là nơi đó có kiến gai đen. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu xem loại kiến nào dùng được, chất lượng trứng ra sao. Loài kiến gai đen có thể lấy trứng làm thực phẩm nhìn chung rất dễ tính. Chúng có thể sống trên các loại cây như luồng, tre, xoan, trẩu…

Chúng ăn giun, một số sản phẩm từ bột ngô, cám gạo, thực phẩm thừa. Việc nuôi kiến theo mô hình công nghiệp là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích nuôi theo mô hình bán tự nhiên để giữ được các yếu tố tự nhiên trong trứng kiến", PGS Tuấn nói.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tăng sản lượng kiến thu được trên cùng một diện tích và tăng hàm lượng các acid amin trong trứng kiến bằng những biện pháp kỹ thuật như tăng mật độ kiến, tăng lượng thức ăn. Nhóm nghiên cứu cho hay, thời gian tới, nhóm sẽ bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các sản phẩm mới, như thực phẩm chức năng từ trứng kiến gai đen và tảo, trứng kiến gai đen và tật lê, ngài đực tằm...

"Qua chế biến, sản phẩm từ trứng kiến từ Trung Quốc được xuất đi các nước khác với giá rất cao, tới 5.000 USD/kg. Với việc nhân nuôi quy mô lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu trứng kiến để phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới", PSG Tuấn nhận định.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.