Trẻ nhỏ hút thuốc lá - quốc nạn của Indonesia

20/04/2015 06:10 GMT+7

(TNO) Năm 2012, video về cậu bé 2 tuổi hút 40 điếu thuốc một ngày đã gây chấn động thế giới về tình trạng trẻ em hút thuốc ở Indonesia. Và mới đây, thêm một trường hợp cậu bé 7 tuổi nghiện thuốc từ lúc 3 tuổi cho thấy vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm.

(TNO) Năm 2012, video về cậu bé 2 tuổi hút 40 điếu thuốc/ngày đã gây chấn động thế giới về tình trạng trẻ em hút thuốc ở Indonesia. Và mới đây, thêm một trường hợp cậu bé 7 tuổi nghiện thuốc lá từ lúc chỉ mới 3 tuổi cho thấy vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm.



Ardi Rizal, hút thuốc từ 18 tháng tuổi - Ảnh: AFP
Những con số biết nói 
Dihan Awalidan (7 tuổi), sống ở tây Java (Indonesia) bắt đầu hút thuốc lá từ năm 3 tuổi và kể từ đó, mỗi ngày em phải hút 2 gói. Nhưng, Dihan không phải là đứa trẻ duy nhất trong làng nghiện thuốc. Các bạn cùng lứa của Dihan, bao gồm những đứa trẻ 11 tuổi, 7 tuổi, 8 tuổi cũng nghiện thuốc nặng như em, theo The Mirror ngày 13.4.
Trước đó, vào năm 2012, video về cậu bé Ardi Rizal, 2 tuổi, phì phèo thuốc lá đã gây chấn động cộng đồng mạng. Cậu bé đã hút thuốc từ khi mới 18 tháng tuổi và một ngày có thể hút đến 40 điếu thuốc.
Dihan hay Ardi chỉ là 2 trong hàng triệu trẻ em nghiện thuốc lá ở một đất nước với thị trường lớn thứ 5 trong nền công nghiệp thuốc lá. Hơn 61 triệu người Indonesia hút thuốc, chiếm 34% dân số cả nước. Trong đó, 1/3 thiếu niên cho biết đã hút thuốc lá trước tuổi lên 10.
Rõ ràng, vấn nạn trẻ em phì phèo thuốc lá ở Indonesia vẫn không hề thuyên giảm trong những năm qua.
“Tính đến năm 2013, đã có 240.000 người chết vì những bệnh liên quan đến thuốc lá, nghĩa là 660 người chết mỗi ngày hay 27 người chết trong mỗi giờ. Con số vượt hẳn số người chết vì ma túy”, ông Hakim Sorimuda Pohan, thuộc Ủy ban quốc gia về kiểm soát thuốc lá, cho biết.
Thêm vào đó, kể từ năm 1995 đến nay, số trẻ em từ 10 đến 14 tuổi hút thuốc lá tăng gấp đôi, từ 5 đến 9 tuổi tăng gấp 3 lần. Tổng thống Joko Widodo đã liệt nạn nghiện thuốc lá vào danh sách các vấn nạn của quốc gia.
Vẽ đường cho hươu chạy
Tháng 6 năm ngoái, chính phủ Indonesia đã yêu cầu các công ty thuốc lá in trên bao bì lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, động thái không tác động được hết lên những mẫu quảng cáo thuốc lá vốn rất rầm rộ và bắt mắt trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng ở Indonesia.
Từ trên truyền hình, tạp chí, báo giấy cho đến báo mạng, thậm chí cả trên những biển áp phích ngoài đường cũng vậy, những chiến dịch quảng cáo thuốc lá qua đó đều thường vẽ lên hình ảnh một thiếu niên năng động, tràn đầy cảm hứng, leo núi, chính phục ước mơ…
Các hãng thuốc lá lớn ở Indonesia như Gudang, Garam và LA Lights đưa thông điệp “kích thích” vào mẫu quảng cáo như “Tự do thật sự là hành động theo lý lẽ con tim”. Những đứa trẻ dần dần bị hút hồn với những mẫu quảng cáo sôi động và thời thượng.
Hơn hết, các “đại gia” thuốc lá còn sẵn sàng đứng ra tài trợ cho những chương trình ca nhạc, lễ hội văn hóa, sự kiện thể thao ở trường học. Trong các sự kiện, họ thường phát “quà” thuốc lá miễn phí cho mọi người mà không màng đến độ tuổi, đương nhiên trẻ em cũng sẽ được phần “quà” đó.
Nói cách khác, thuốc lá đã len lỏi vào ngóc ngách đời sống của người dân Indonesia. Nó không chỉ là một thói quen mà còn được xem là… chuẩn mực văn hóa, tờ The Guardian bình luận.
“Khi nói về thuốc lá, chúng ta nói về những đại doanh nghiệp và chính phủ”, bác sĩ Dita, thuộc Quỹ Ung thư Indonesia, phát biểu.
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá đem đến công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, đóng góp vào ngân sách quốc gia 7 tỉ USD hằng năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.