Trật khớp vai nhiều lần

19/10/2009 17:01 GMT+7

Người trẻ tuổi khi đã trật khớp vai thường trật đi trật lại. Ngủ đưa tay lên đầu, ngồi gác tay lên ghế cũng trật khớp vai.

Bệnh nhân Nguyễn Văn G., 27 tuổi, đến khám tại Bệnh viện ĐH Y dược vì mỗi lần giơ tay cao là bị trật khớp vai phải, gây đau. Khoảng 3-4 năm trước có một lần anh G. khiêng bao tải nặng trên vai và té trật khớp vai, đã được nắn trật, bất động. Một thời gian sau anh G. bị tình trạng trật khớp vai tái diễn mỗi khi đưa tay lên quá đầu.

Người trẻ tuổi dễ bị

Việc trật khớp vai tái hồi như trên tuy không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều bệnh nhân nặng đến mức ban đêm ngủ quên đưa tay lên đầu cũng bị trật, hay tệ hơn nữa là ngồi gác tay lên ghế cũng bị trật.

Chụp X-quang và MRI ở bệnh nhân G. cho thấy sụn viền của ổ chảo bị bong ra, gãy hơn 1/2 bờ xương ổ chảo cánh tay và xương lành ở vị trí xấu làm chênh mặt khớp, khớp vai bị mất vững.

Tìm sự đồng thuận

Tại VN hiện nay, phương pháp nội soi khớp vai đã được triển khai thành công ở nhiều bệnh viện, do vậy việc xử lý tổn thương sụn viền bao khớp cho các ca trật khớp vai lần đầu ở người trẻ tuổi là trong tầm tay phẫu thuật viên.

Vấn đề còn lại là cần có sự thay đổi quan điểm điều trị trong giới chấn thương chỉnh hình. Theo tôi, nên có một hội nghị đồng thuận của hội chấn thương chỉnh hình về vấn đề này.

Tiếp theo, cần phổ biến thông tin cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, các bác sĩ cấp cứu, chấn thương chỉnh hình.

Bệnh nhân được mổ bằng phương pháp làm nút chặn xương vì tổn thương xương lớn. Việc xử lý mặt khớp chênh gặp nhiều khó khăn và gần như khó có thể hồi phục hoàn toàn như xưa.

Khớp vai là khớp lớn và có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể, trong cả không gian ba chiều. Muốn thực hiện được chức năng này, khớp vai được giữ vững bằng các hệ thống sụn viền, bao khớp, dây chằng và cơ.

Ở người trẻ tuổi, khi khớp vai bị trật vì các dây chằng bao khớp quá vững chắc, nên thành phần dễ bị tổn thương nhất sẽ là sụn viền ổ chảo và kèm thêm một phần xương bị gãy.

Sau khi được nắn lại, các thành phần này không về đúng vị trí bình thường của nó mà hay bị tụt sâu xuống dưới bờ của ổ chảo làm khớp vai mất đi nút chặn phía trước dưới. Điều này giải thích tại sao người trẻ khi đã trật khớp vai hay bị trật đi trật lại.

Mổ sớm

Hội nghị thế giới về chấn thương thể thao tại Hong Kong năm 2008 đã dành nguyên một buổi sáng để thảo luận về vấn đề xử trí trật khớp vai lần đầu của các vận động viên trẻ. Rất nhiều tác giả đồng ý với việc nội soi để xử lý khâu lại sụn viền.

Lý do để các phẫu thuật viên mạnh tay trong việc xử lý tổn thương này là vì tỉ lệ trật tái hồi khớp vai của người trẻ tuổi lên tới khoảng 80%. Mặt khác nội soi khớp vai ít xâm lấn hơn phương pháp mổ mở kinh điển, việc khâu lại sụn viền qua nội soi sớm giúp sụn viền lành đúng vị trí giải phẫu, giúp khớp vai không bị trật lại.

Cuối cùng, tổng chi phí điều trị một ca như vậy rẻ hơn và hiệu quả hơn so với phương pháp cũ là nắn trật, bất động rồi chờ, và cứ mỗi lần bệnh nhân bị tái trật khớp lại được nắn trật. Hơn nữa việc bị trật quá nhiều lần sẽ làm hư sụn khớp vai dẫn đến thoái hóa khớp, gây đau cho bệnh nhân và hạn chế sinh hoạt hằng ngày. Lúc đó đã quá trễ để điều trị.

BS Tăng Hà Nam Anh

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.