Tiêm thử nghiệm văcxin phòng sốt xuất huyết

30/08/2011 10:40 GMT+7

Trong tháng 9, Viện Pasteur TP.HCM sẽ tiến hành các bước tiêm thử nghiệm giai đoạn cuối văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết tại VN.


Nữ điều dưỡng Phan Thị Hồng Vân chăm sóc bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang) là hai địa phương được chọn để thực hiện công trình nghiên cứu này. Tiến sĩ-bác sĩ TRẦN NGỌC HỮU, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết thêm:

- Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm có số ca mắc đứng hàng thứ ba và số ca chết đứng hàng thứ nhất trong số 28 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải khai báo theo quy định của Bộ Y tế VN. Cho đến nay bệnh vẫn chưa có văcxin phòng ngừa. Đây là nghiên cứu giai đoạn 3, bước cuối cùng trong quá trình phát triển một văcxin trước khi đệ trình cho các nhà chức trách về đăng ký đánh giá cấp phép cho lưu hành trên thị trường.

* Trước khi nghiên cứu ở VN, văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết đã được thử nghiệm ở nước khác chưa, thưa bác sĩ?


TS.BS Trần Ngọc Hữu - Ảnh: H.T.V

- Văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết có tên gọi ban đầu là Dengue-CYD, do Sanofi Pasteur (đơn vị cung cấp một số văcxin cho VN) nghiên cứu từ khoảng 20 năm nay. Văcxin này đã nghiên cứu ở 13 quốc gia như Mỹ, Úc, một số nước có lưu hành dịch và không lưu hành dịch sốt xuất huyết.

* Kết quả nghiên cứu thế nào?

- Nghiên cứu thực hiện trên 6.200 người từ 12 tháng tuổi đến 45 tuổi; qua các giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 (tính an toàn) và giai đoạn 2 (tính sinh miễn dịch và tính an toàn). Kết quả cho thấy văcxin nghiên cứu an toàn trên người. Tính sinh phản ứng (phản ứng sau tiêm) tương tự các văcxin khác đang lưu hành.

Văcxin có khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể kháng với cả bốn type virut gây bệnh sốt xuất huyết Dengue ở mức cao (tỉ lệ người có kháng thể cao; hiệu giá kháng thể cao). Kết quả nghiên cứu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở các nước chỉ công bố sau khi đã được hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của quốc gia đó xem xét cụ thể.

* Hiện có nước nào sử dụng phổ biến loại văcxin này phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em chưa?

- Văcxin này còn trong giai đoạn nghiên cứu sau cùng. Chưa có nơi nào trên thế giới lưu hành vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết loại này cũng như bất kỳ loại nào khác.

* Dự kiến có bao nhiêu trẻ ở VN tham gia tiêm văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết trong đợt nghiên cứu này?

- Nghiên cứu dự kiến thu tuyển 1.402 trẻ ở Long Xuyên và 934 trẻ ở Mỹ Tho. Để được tham gia chỉ cần hai điều kiện: trẻ và cha mẹ đồng ý tự nguyện tham gia; trẻ 2-14 tuổi khỏe mạnh. Điều này sẽ do bác sĩ khám sức khỏe quyết định.

* Xin bác sĩ cho biết những phản ứng sau khi tiêm văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết?

- Phản ứng sau tiêm giống các loại văcxin khác (sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ). Các triệu chứng thường là nhẹ và tự khỏi nhanh. Đôi khi cũng có phản ứng nặng tương tự các văcxin khác (dị ứng toàn thân, khó thở, tụt huyết áp) nhưng rất hiếm gặp.

* Trẻ tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bao nhiêu mũi văcxin?

- Trẻ được tiêm ba mũi văcxin, mỗi mũi cách nhau sáu tháng. Dự kiến mũi thứ nhất được tiêm từ ngày 16-9 tại An Giang và 20-9 tại Tiền Giang. Mũi thứ ba sẽ được tiêm sau 12 tháng kể từ lúc tiêm mũi thứ nhất.

* Trẻ em ngoài địa bàn TP Mỹ Tho và Long Xuyên có được tham gia tiêm thử nghiệm văcxin không?

- Chắc chắn là không được. Việc chọn trẻ em có địa chỉ thường trú ở hai địa phương này là để chúng tôi quản lý, theo dõi, đánh giá hiệu quả của văcxin và những vấn đề khác phát sinh trong vòng 3-4 năm sau khi tiêm.

* Nếu kết quả nghiên cứu thành công giống các nước khác thì dự kiến khi nào sẽ chính thức cho lưu hành văcxin này tại VN?

- Điều này phụ thuộc vào Bộ Y tế VN, chương trình tiêm chủng mở rộng và các tổ chức tài trợ trên thế giới cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau khi văcxin thành công, nhà sản xuất sẽ mất khoảng ít nhất một năm để xin phép lưu hành trên thế giới và từng quốc gia, trong đó có VN. Nhà sản xuất đã cam kết với Bộ Y tế sẽ cung cấp cho VN với giá ưu đãi.

Theo tôi, phải chờ tới năm 2014-2015 văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết mới có thể sử dụng đại trà như các loại văcxin khác.

Nghiên cứu kỹ hơn

Theo ông Trương Việt Dũng, vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo, Bộ Y tế, đây là giai đoạn 3 của chương trình thử nghiệm văcxin phòng sốt xuất huyết tại VN nhằm thăm dò liều, tính sinh miễn dịch của văcxin. Qua hai giai đoạn thử nghiệm đã triển khai cho thấy văcxin có sinh miễn dịch, nhưng muốn đánh giá văcxin này có khả năng phòng bệnh sốt xuất huyết thì còn phải nghiên cứu kỹ hơn.

Tháng 4 vừa qua, nhân hội nghị quốc tế về phòng chống dịch sốt xuất huyết, các đại biểu quốc tế đã đi thực địa tại khu vực triển khai thử nghiệm tiêm ngừa sốt xuất huyết ở Long Xuyên, An Giang. Ngoài VN, việc thử nghiệm văcxin này cũng đang được tiến hành tại Thái Lan và Philippines.

Ông Trịnh Quân Huấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tám tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 30.000 ca mắc sốt xuất huyết tại VN. Tại miền Trung và miền Nam, bệnh sốt xuất huyết lưu hành suốt năm, giai đoạn cao điểm có thể có 10.000 ca mắc và 15 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết/tháng.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.