Thường bị hồi hộp

01/09/2011 19:52 GMT+7

(TNTS) Hỏi: Xin chào bác sĩ, em có một thắc mắc về bệnh lý tim mạch của người thân tên Nam như sau: Nam giới, 23 tuổi, thường bị hồi hộp, mất ngủ, mỗi lần như thế đi khám (đã khám 2 lần ở một bệnh viện quận tại TP.HCM) thì bác sĩ nói là bị nhịp nhanh xoang, khoảng 120 lần/phút (theo kết quả điện tâm đồ), huyết áp 135/85mmHg.

Lúc nghỉ ngơi bình thường không hồi hộp thì nhịp tim khoảng 85 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg. Kết quả siêu âm tim: rối loạn thư giãn thất trái, siêu âm tim chưa phát hiện bất thường. Bác sĩ phòng khám chẩn đoán Nam "bị rối loạn giấc ngủ" và cho uống một số thuốc, liều uống trong 7 ngày. Nam đã uống toa thuốc trên trong 14 ngày nhưng vẫn không hết bệnh, triệu chứng mất ngủ và tim đập nhanh vẫn còn. Vậy cho em hỏi: Rối loạn thư giãn thất trái có nguy hiểm không; mức độ ra sao; có cần điều trị không; với bệnh của Nam như vậy thì điều trị như thế nào cho hiệu quả; nguyên nhân và cách khắc phục? Mong nhận được sự hồi âm của bác sĩ!  <trungtran...>

- Trả lời: Qua phần trình bày của bạ#n như trên, chúng tôi thấy có một số vấn đề như sau: Thứ nhất là không có chẩn đoán rối loạn thư giãn thất trái trong từ điển y học. Có chăng chỉ là rối loạn vận động thất trái mà thôi.

Với những triệu chứng như trên, rất có thể bệnh nhân đã bị rối loạn thần kinh thực vật nằm trong bệnh cảnh trầm cảm rất hay gặp ở người trẻ mà lâu nay thường bị bỏ quên. Ở những bệnh nhân này, nhịp tim và huyết áp sẽ dao động bất thường tùy theo tình trạng cảm xúc của bệnh nhân và thường có các triệu chứng của hội chứng "áo choàng trắng" như huyết áp tăng vừa, nhịp tim tăng nhanh… khi gặp thầy thuốc.

Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là sự rối loạn của hệ thống thần kinh thực vật. Hệ thống này điều hòa nhịp tim, huyết áp, tiết mồ hôi và nhiều hoạt động khác của cơ thể. Điều trị bệnh này tương đối khó, đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân, thầy thuốc và cả thân nhân bệnh nhân nữa. Thông thường ban đầu là sắp xếp lại chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi nhằm điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của cơ thể. Tiếp đó là tập thư giãn, thể dục, thở theo kiểu yoga, một số trường hợp phải sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa hoạt động của hệ thần kinh thực vật, các yếu tô vi lượng… dưới sự theo dõi của thầy thuốc.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.