Thoái hóa võng mạc cận thị

09/03/2015 05:37 GMT+7

Cận thị có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho thị lực.

Cận thị có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho thị lực.
Khám mắt định kỳ sẽ giúp sớm nhận biết bệnh tật có thể xảy ra ở mắt - Ảnh: ShutterstockKhám mắt định kỳ sẽ giúp sớm nhận biết bệnh tật có thể xảy ra ở mắt - Ảnh: Shutterstock
Võng mạc là lớp màng thần kinh cực mỏng ở đáy mắt, giữ vai trò cảm nhận ánh sáng và chuyển chúng thành tín hiệu thần kinh để truyền lên não phân tích. Ở người cận thị, đặc biệt cận thị nặng, trục nhãn cầu phát triển dài hơn bình thường sẽ làm cho võng mạc bị kéo căng, trở nên mỏng đi và thoái hóa. Tình trạng thoái hóa võng mạc thường diễn ra âm thầm và chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám kiểm tra đáy mắt với đồng tử (con ngươi) đã được nhỏ thuốc giãn ra.
Thoái hóa dậu là một trong những dạng thoái hóa hay gặp trên võng mạc người cận thị, đặc trưng bởi những mảng teo võng mạc dạng oval hay dạng dải dài, xuất hiện đơn lẻ hay đa ổ kích thước khác nhau ở vùng chu biên của đáy mắt. Các vị trí teo này chính là những nơi mỏng manh nhất trên võng mạc, có khả năng là tiền đề của sự hình thành lỗ rách dẫn đến tích tụ dịch gây bong võng mạc, đặc biệt khi có lực tác động lên nhãn cầu như trong trường hợp mắt bị chấn thương hoặc do các lực tác động trong quá trình phẫu thuật.
Dấu hiệu khởi phát của bong võng mạc có thể là bệnh nhân đột ngột thấy những thể lơ lửng trước mắt như ruồi bay, đốm đen, đôi khi là chớp sáng... Người bệnh sẽ thấy mờ một vùng nếu bong võng mạc chỉ khu trú tại vết rách hay chỗ thoái hóa, nghiêm trọng hơn, có thể bị mờ hoàn toàn (chỉ nhận biết được có ánh sáng hay không) hoặc không còn nhìn thấy gì nếu võng mạc bị bong lan ra toàn bộ võng mạc qua cả vùng trung tâm (hoàng điểm).
Theo thống kê, bong võng mạc do thoái hóa dậu có kèm các lỗ teo thường xảy ra phổ biến ở người trẻ, 50% trường hợp là ở các bệnh nhân dưới 30 tuổi. Do đó, để phát hiện sớm các thoái hóa trên võng mạc, người có tật cận thị cần đi khám định kỳ để được soi đáy mắt kiểm tra. Việc xác định và đánh giá nguy cơ của các loại tổn thương thoái hóa không chỉ phụ thuộc vào phương pháp khám, mà còn là kinh nghiệm của bác sĩ.
Trong trường hợp có nguy cơ cao bị bong võng mạc, người bệnh sẽ được điều trị phòng ngừa với laser quang đông đáy mắt. Các vết laser làm tăng sự kết dính của vùng võng mạc được điều trị với lớp mô bên dưới tương ứng (hắc mạc) tạo thành hàng rào vững chắc xung quanh lỗ rách hay chỗ thoái hóa võng mạc.
Mặc dù vậy, laser quang đông chỉ đưa nguy cơ bong võng mạc về mức thấp nhất chứ không ngăn chặn hoàn toàn biến cố nặng nề này. Do đó, người bệnh sau khi được chiếu laser vẫn phải đi khám định kỳ theo lịch của bác sĩ.
Nếu đã có bong võng mạc thì người bệnh phải được can thiệp phẫu thuật, võng mạc bị bong càng được áp lại sớm thì thị lực càng được bảo tồn tốt hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật bong võng mạc không phải lúc nào cũng thành công, dù võng mạc được dán lại tốt thì cũng không đảm bảo người bệnh có thể nhìn rõ như ban đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.