Tai nạn, bệnh tật mùa hè ở trẻ

08/07/2013 03:05 GMT+7

Vào mùa hè, trẻ được nghỉ học ở nhà; trong khi nhiều gia đình bận rộn, không trông coi kỹ, nên dễ dẫn đến tai nạn với trẻ.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, dẫn ra một trường hợp mới đây: bé trai (8 tuổi, ngụ tại Cà Mau) bị đàn ong trong vườn nhà đốt 64 vết khắp người, được gia đình phát hiện đưa đến BV địa phương điều trị. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, tiểu đỏ, với chi chít vết đốt ở đầu cổ, tay, chân, lưng gây sưng phù. Xét nghiệm cho thấy nạn nhân bị tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, tăng kali máu. Rất may, sau lọc máu liên tục 2 ngày, tình trạng sức khỏe của bé khá hơn.

BS Minh Tiến cảnh báo, vào mùa hè, trẻ dễ bị tai nạn và bệnh tật hơn lúc đi học. Nhất là với trẻ ở các tỉnh, thường rủ nhau đi tắm sông, suối dễ bị nước cuốn, chết ngạt, chết đuối. Bên cạnh đó, trẻ chơi lâu ngoài trời nắng cũng dễ bị say nắng do mất nước; biểu hiện có thể là: ngất, lơ mơ, rối loạn tri giác, nói sảng. Tình trạng mất nước nặng có thể gây trụy tim mạch, mạch nhẹ, tụt huyết áp. Trẻ cũng có thể tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời.

Phòng và xử trí

BS Minh Tiến cũng chia sẻ, mùa hè nhiều dịch bệnh có nguy cơ gia tăng. Trẻ thường bị nhiễm hô hấp trên với biểu hiện ho, sổ mũi, khàn tiếng, thở rít, có biểu hiện của viêm thanh quản cấp. Một số trẻ nhũ nhi thường ho khò khè, có biểu hiện viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng dễ xảy đến với trẻ vào mùa hè, trẻ có thể bị sốt trong nhiều ngày, nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân, đau bụng, chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu. Nặng hơn trẻ có thể bị trụy tim mạch, tay chân lạnh, người lừ đừ, mệt mỏi.

BS lưu ý, phụ huynh nên kiểm soát phát quang những tổ ong trong vườn nhà. Khi đưa trẻ đi chơi trong rừng hay vườn cây, cần lưu ý tránh mặc quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm, sẽ dễ thu hút đàn ong đến tấn công. Khi trẻ bị ong đốt, nếu vết đốt dưới 10 mũi mà trẻ tỉnh táo thì có thể sơ cứu tại chỗ bằng cách lấy cây nhíp lẩy nhẹ hoặc gắp nọc độc ra. Tránh xoa bóp mạnh làm vỡ túi nọc gây lan truyền nọc vào máu. Sau đó lấy đá chườm lạnh; tránh đắp những lá cây hay những loại thuốc nam không rõ nguồn gốc dễ gây nhiễm trùng tại chỗ, rất nguy hiểm. Nếu trẻ có biểu hiện mệt, ngất xỉu, tiểu ít, nước tiểu màu đỏ, đen hay vết ong đốt trên 10 mũi, vết đốt sưng đau nhiều, nổi mề đay... thì nên đưa trẻ đến BV để điều trị kịp thời.

Với trẻ bị ngạt nước, nhanh chóng đưa trẻ khỏi mặt nước và kiểm tra xem trẻ có đáp ứng hay còn thở không. Nếu trẻ đã ngưng thở, ngay lập tức ấn tim - vùng nửa dưới xương ức, xen kẽ thổi ngạt cho đến khi trẻ có phản ứng thở lại được. Tiếp tục hồi sức ấn tim, thổi ngạt trên đường đưa trẻ đến BV gần nhất.

Với trẻ bị say nắng, cần để trẻ nằm ở tư thế đầu bằng trong nơi có bóng mát, thông thoáng không khí, cho trẻ uống nhiều nước, làm mát bằng quạt, cởi bớt nút áo. Nếu trẻ vẫn mệt, nên nhanh chóng đưa đến BV cấp cứu.

Mùa hè mưa nhiều, phụ huynh cần chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, đổ bỏ nước đọng lâu ngày trong lu, chậu, lọ hoa. Giăng mùng cho trẻ khi ngủ, ngay cả ban ngày, vì muỗi vằn gây sốt xuất huyết thường đốt vào ban ngày.

Hà Minh

>> Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
>> Chăm sóc trẻ ở tuổi biết đi
>> Chăm sóc trẻ sau khi cắt bao quy đầu
>> Chăm sóc trẻ tiêu chảy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.