Sữa mẹ bị lãng phí

02/08/2010 09:21 GMT+7

Chỉ có 10% trẻ em VN được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhiều bà mẹ đã bỏ phí nguồn tài nguyên sẵn có này trong khi ngoài lợi ích kinh tế, trẻ bú sữa mẹ được hưởng hàng loạt lợi ích về sức khỏe thể chất và trí tuệ. Bà Nguyễn Mai Hương (Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế) đã nói với Tuổi Trẻ như vậy nhân Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, bắt đầu từ ngày 1-8 với chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ, chỉ 10 bước, thân thiện hơn với trẻ”. Bà Hương nói:

- Muốn đủ sữa nuôi con, bà mẹ nên chuẩn bị từ lúc mang thai. Khi mang thai, bà mẹ cần được tư vấn để có niềm tin về quy trình nuôi con bằng sữa mẹ, bên cạnh việc đảm bảo dinh dưỡng để đủ sữa cho con bú. Cán bộ y tế phải tư vấn để bà mẹ cho bé bú trong một giờ đầu tiên sau khi sinh. Sữa đó là sữa non, bà mẹ mang thai có dinh dưỡng đầy đủ, sữa non có thể có từ những tháng cuối của thai kỳ. Cho bé bú trong vòng một giờ đầu sau sinh, sữa non ít nhưng rất quý giá vì giàu kháng thể. Em bé được ấp sớm vào mẹ cũng tăng phản xạ tìm vú mẹ của bé.

* So với sữa ngoài, sữa mẹ có những đặc tính ưu việt gì, thưa bà?


Bà Nguyễn Mai Hương - Ảnh: L.Anh

- Những lợi ích rõ rệt nhất là cung cấp kháng thể nhiều hơn, sữa mẹ có đầy đủ các chất cho trẻ, các dưỡng chất đó là tự nhiên. Sữa ngoài có bổ sung nhưng không phải là tự nhiên, nên có thể trẻ không hấp thụ được dù lượng bổ sung rất lớn. Được bú sữa mẹ sớm cũng giúp tống sớm phân xu và giảm nguy cơ vàng da ở trẻ sơ sinh.

Với mẹ, việc cho con bú sớm cũng giúp co hồi tử cung, giảm nguy cơ chảy máu. Lợi ích về sau là chỉ số IQ ở những trẻ được bú mẹ thường cao và quan trọng nhất về lâu dài, điều này người dân VN chưa nhận ra, trẻ bú mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tim mạch. Trẻ bú sữa ngoài cũng có thể có nguy cơ mắc tiêu chảy do bình sữa, núm vú vệ sinh chưa tốt. Tính toán thiệt hại về kinh tế với nhóm trẻ không hoặc ít được bú mẹ, bên cạnh chi phí 800.000-1.000.000đ tiền sữa/trẻ/tháng, người ta còn tính toán chi phí điều trị các bệnh như trên.

* Thưa bà, bà cho rằng cán bộ y tế cần tư vấn sớm cho bà mẹ mang thai, nhưng ở VN có thông tin cán bộ y tế còn khuyên bà mẹ cho trẻ dùng... sữa bột. Theo bà, có phải do quy định khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ chưa được thực hiện tốt?

Theo đánh giá của WHO, các bà mẹ VN đã lãng phí 270 triệu USD/năm do nuôi con bằng sữa bột, trong khi có thể nuôi bằng sữa mẹ.
- Điều cốt lõi là bệnh viện thường quá tải về nhân sự, thực hiện các công việc chuyên môn đã hết thời gian, trong khi việc hướng dẫn, tư vấn bà mẹ cho con bú cần thời gian. Nhưng cũng có một “sức ép ngầm”, chúng tôi biết có những hãng sữa trả tiền hằng tháng cho một số điều dưỡng, nữ hộ sinh, y tá giới thiệu, bán một hộp sữa sẽ được “hoa hồng”.

Các bệnh viện đã cấm người tiếp thị sữa vào bệnh viện nhưng họ vẫn len lỏi. Quy định về nuôi con bằng sữa mẹ đã có trong các quy chế chuyên môn, nhưng lại không cấp bách như các trường hợp cấp cứu để ưu tiên thực hiện.

* Nhiều bà mẹ nghĩ nên cho con bú sữa ngoài vì mẹ không có sữa. Theo bà, nên làm gì giúp bà mẹ nhiều sữa nuôi con?

- Những bà mẹ sau sinh thường ở bệnh viện 3-5 ngày, cán bộ y tế nên dành thời gian hướng dẫn họ cho con bú bằng cách cho trẻ bú sớm, ngậm sâu vào quầng vú vì ở đó có các nang sữa kích thích ra sữa. Khi về nhà, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái và phải cho con bú liên tục, bụng trẻ áp vào bụng mẹ, mỗi lần bú hết sữa sẽ kích thích đợt sữa mới.

* WHO khuyến cáo trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, nhưng ở VN bà mẹ chỉ được nghỉ hộ sản bốn tháng, chưa kể phụ nữ nông thôn phải đi làm sớm hơn. Các cơ quan chức năng có động thái gì mới hỗ trợ bà mẹ, thưa bà?

- Theo tôi biết thì Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đang hỗ trợ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) vận động chính sách để bà mẹ có thể nghỉ hộ sản sáu tháng, tăng hai tháng so với hiện hành. Có những thông tin cho biết việc vận động đang có dấu hiệu khả thi.

10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công

Theo UNICEF và Bộ Y tế, các cơ sở y khoa nên có bản quy định về nuôi con bằng sữa mẹ và phổ biến tới tất cả nhân viên y tế; đào tạo nhân viên y tế kỹ năng cần thiết để thực hiện quy định này; giáo dục trước sinh về lợi ích và cách nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai; giúp các bà mẹ cho trẻ bú sớm trong một giờ đầu sau khi sinh; hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú và duy trì nguồn sữa khi phải xa con; không cho trẻ sơ sinh ăn, uống bất kỳ thứ gì khác ngoài sữa mẹ trừ khi có chỉ định của bác sĩ; cho trẻ nằm cạnh mẹ cả ngày và đêm; khuyến khích cho trẻ bú theo nhu cầu; không cho trẻ bú bình và ngậm đầu vú giả; tăng cường thành lập và duy trì các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, giới thiệu cho bà mẹ đến khi xuất viện.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.