Sơ cứu bệnh nhân

10/09/2010 10:32 GMT+7

Những thao tác ban đầu của việc sơ cứu thường không khó làm nhưng rất có tác dụng cho việc điều trị về sau.

Điểm dễ nhận thấy nhất là đa số các ông bố, bà mẹ thường rất hốt hoảng khi đến bệnh viện với đứa con bị ngộ độc do uống nhầm thuốc, chất tẩy rửa, sản phẩm để diệt côn trùng... hoặc bị vết thương.
 
Chính vì sự hốt hoảng và phần đông thiếu kinh nghiệm lẫn kiến thức nên các ông bố, bà mẹ thường ít khi thực hiện đúng những thao tác sơ cứu ban đầu lúc còn ở nhà. Những thao tác này không quá khó làm nhưng rất có tác dụng cho việc điều trị về sau.
 
Khi trẻ ngộ độc
 
Cùng với việc tìm kiếm sự trợ giúp của nhân viên y tế càng nhanh càng tốt thì việc cần làm đầu tiên là bạn hãy giữ các loại thuốc hoặc bình chứa đã gây cho trẻ ngộ độc. Hãy xem kỹ bao bì của chúng có ghi thông tin gì về việc lưu ý để có thể làm ngừng ảnh hưởng của chất độc; lưu giữ tất cả những gì trẻ nôn hoặc khạc ra vì thầy thuốc rất cần để có thể kiểm tra, xác định thủ phạm gây ngộ độc.
 
Trước đây, đã có những lời khuyên nên ép nạn nhân ngộ độc làm bụng trống đi bằng cách dùng một chất lỏng - là thuốc - gây nôn ói. Nhưng hiện nay, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng một số ngộ độc có thể gây thêm thương tổn khi nó đi ngược trở ra qua đường miệng nên khuyên không nên dùng chất lỏng để gây nôn ói.

Không nên cột vết thương

Trước đây, người ta khuyên nên cầm máu ở những vết thương nghiêm trọng bằng cách garrot (cột lại). Dụng cụ này được làm từ một cái que với một mẩu vải hoặc dùng dây để cột. Nhưng bây giờ, các chuyên gia cho rằng garrot như vậy rất nguy hiểm, vì chúng có thể phá hủy sự lưu thông của máu và các dây thần kinh.

Cách tống dị vật ra ngoài
 
Nhiều người đã biết làm thế nào để thực hiện một lực đẩy bụng (thủ thuật Heimlich) để cứu sống một người bị dị vật do có gì đó kẹt nơi cổ họng. Các chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ khuyên rằng nên đấm 5 cái vào lưng nạn nhân, giữa 2 xương bả vai để nhờ lực đẩy từ phía sau làm cho dị vật rơi ra. Nếu đường thở vẫn còn bị nghẽn, hãy đẩy mạnh dọc theo bụng (giữa ngực và xương chậu) nạn nhân 5 cái.
 
Bạn có thể làm thủ thuật trên bằng cách đứng hay ngồi sau lưng nạn nhân. Quàng 2 cánh tay của bạn xung quanh thắt lưng nạn nhân. Nắm một bàn tay lại và để lên phần trên của dạ dày, dưới xương sườn, đặt tay còn lại lên tay kia rồi đẩy mạnh hướng vào trong và lên trên. Lặp lại lực đẩy bụng này cho đến khi dị vật được tống ra ngoài qua đường miệng.
 
Ngay cả người lớn, khi bị hóc dị vật, vẫn có thể tự giúp bản thân bằng cách đặt một tay nắm lại vào giữa trên bụng, ngay trên thắt lưng, tay còn lại giữ tay này. Tìm một mặt phẳng cứng, giống như cái ghế tựa, ngã người vào đó rồi ấn tay nắm vào trong và hướng lên trên.
 
Xử trí vết thương
 
Vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể qua những vết cắt, thậm chí là rất nhỏ, qua da. Vì thế, không nên bỏ sót vết thương nào, dù nhỏ. Trước hết phải rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó băng lại.
 
Nếu vết thương chảy máu nghiêm trọng, nếu ở chân, việc đầu tiên là đặt nạn nhân nằm xuống và nâng chân lên. Rửa sạch đất cát và ấn lên vết thương một miếng vải sạch hoặc một mẩu quần áo sạch.
 
Nếu không tìm thấy bất kỳ thứ nào sạch thì hãy dùng tay ấn vào vết thương cho tới khi máu ngừng chảy ra hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Không thay miếng vải nếu máu thấm qua nó mà  hãy lấy thêm miếng vải khác đặt chồng lên và tiếp tục ấn vào. Nếu máu không ngừng chảy khi ấn trực tiếp, hãy ấn lên động mạch dẫn máu đến vết thương.
 
Với vết thương có vẻ bị nhiễm trùng, hãy để cho nạn nhân nghỉ ngơi. Hoạt động thể lực có thể làm lan rộng nhiễm trùng. Xử lý vết thương với dung dịch nước và muối cho đến khi có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Pha 9,5 ml muối cho mỗi lít nước đun sôi. Thấm miếng vải sạch vào đó, để nguội bớt (để không làm phỏng da), rồi đặt lên vết thương.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.