Rễ cau chữa liệt dương?

03/11/2009 22:43 GMT+7

Bạn đọc gửi thư hỏi Báo Thanh Niên về việc dùng rễ cây cau phơi khô sắc uống có tác dụng cường dương; bị huyết áp cao và yếu sinh lý có uống được rễ cau không...?

Muốn dùng thuốc phải xác định rõ bệnh và nguyên nhân gây ra nó. Mỗi bệnh đều có nhiều nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh khác nhau. Liệt dương là hiện tượng dương vật không thể cương cứng lên được, hoặc có cương cứng nhưng không đủ độ để có thể tiến hành giao hợp được. Liệt dương không hoàn toàn thì dương vật vẫn có thể đưa vào âm đạo, nhưng ngay sau đó tự nhiên sụn mềm, không thể giao hợp, cũng không xuất tinh. Người mắc bệnh liệt dương (trong đông y gọi là dương nuy) vì sự mất cân bằng 1 trong 3 nhân tố giúp dương vật cương cứng là: trung ương hưng phấn tình dục; sung huyết thể xốp; hồi lưu tinh mạc thể xốp. Có nhiều nguyên nhân gây ra liệt dương như: sinh hoạt tình dục thái quá, do sự bất ổn về tâm lý, tình cảm, do khí chất yếu đuối (nhất là thận khí) do yếu tố bẩm sinh. Theo y học cổ truyền, người bệnh có thể dùng một số bài thuốc sau đây để điều trị:

- Cau có tên khác là bình lang, tân lang. Đó là loại cây trồng phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, để lấy quả ăn trầu và các bộ phận khác làm thuốc. Thường dùng loại rễ màu trắng mọc lộ ra trên mặt đất gọi là rễ cau nổi. Dùng độc vị (một mình) rễ cau nổi (20 - 30g) thái nhỏ, sắc với 400 ml nước, sắc còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày để chữa liệt dương. Để chữa đái nhắt, đái són, lấy rễ cau (10g) phối hợp với rễ trầu không (10g, có thể dùng thân hoặc lá) thái nhỏ, sắc uống ngày 1 thang. Dùng vài ngày. Lưu ý, phụ nữ có thai không được dùng rễ cau.

- Ngoài ra y học cổ truyền có nhiều vị thuốc và bài thuốc chữa liệt dương, di tinh, hoạt tinh... rất tốt và đã trải qua thử nghiệm lâu đời như: dâm dương hoắc, ba kích, đỗ trọng, kỷ tử, dương khởi thạch, thỏ ty tử, tỏa dương, nhục thung dung, hải mã... hoặc các bài thuốc nổi tiếng như “Thập toàn đại bổ”, “Hà xa đại tạo hoàn”, “Thận khí hoàn”, “Hữu quỷ ẩm”, “Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử”...

Những người có huyết áp cao tốt nhất không nên tự ý dùng những bài thuốc nhằm tránh lợi bất cập hại. Cần đến thầy thuốc để được khám và hướng dẫn dùng thuốc hợp lý, vì uống thuốc theo kinh nghiệm, hoặc sự mách bảo nhiều khi gây nguy hiểm.

Lương y Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.