Phục hồi thành công cánh tay bị quấn trong máy trộn nhang

02/01/2009 13:58 GMT+7

Ngày 1-1-2009, bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Trưởng Khoa Chi trên, Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết tại đây vừa cấp cứu thành công cho một nạn nhân bị tai nạn lao động

Nạn nhân là chị Bùi Thị Ngọc Sương, 21 tuổi, ngụ ở Tiền Giang, đang làm cho một cơ sở sản xuất nhang tại quận 11 - TPHCM. Đây là trường hợp hy hữu, cánh tay được lấy ra khỏi máy còn nguyên và đang hồi phục.

Vào lúc 18 giờ ngày 26-12-2008, trong lúc đang trộn bột nhang, chị Sương đã bị máy trộn nhang cuốn nguyên cánh tay phải vào sát nách và phần đầu của chị Sương cũng bị đưa vào bên trong khung máy. Nhiều công nhân làm cùng đã ngắt điện để máy ngừng hoạt động và lập tức chuyển nạn nhân vào tại BV Chấn thương Chỉnh hình chỉ trong vòng 5 phút mang theo cả máy trộn nhang đang dính theo người. Chị Sương cho biết thông thường công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ đến 16 giờ mỗi ngày nhưng gần đây do tăng ca nên phải làm thêm giờ. Khi xảy ra tai nạn, chị vẫn tỉnh táo và nhận biết mọi việc rõ ràng.

Vết thương ở tay phải của chị Sương đang lành sau 5 ngày phẫu thuật

Tại BV Chấn thương Chỉnh hình, các bác sĩ ghi nhận nạn nhân đã bị sốc nên đã không xử trí ở khoa cấp cứu mà chuyển thẳng lên phòng mổ tiến hành mổ khẩn. Tuy nhiên, tại đây các bác sĩ lại gặp khó khăn là do phần đầu của nạn nhân bị đưa vào trong máy nên việc gây mê không tiến hành như các trường hợp thông thường. Nạn nhân được chẩn đoán bong gân cột sống cổ ở tư thế cúi, lóc da rộng cẳng tay, gãy hở 1/3 giữa hai xương cẳng tay. Nạn nhân mất máu không nhiều.

Đi theo chị Sương vào BV còn có người ở công ty làm nhang, lo sợ chị có thể tử vong nên phía công ty đã đề nghị các bác sĩ có thể cưa tay để cứu sống nạn nhân nhưng các bác sĩ đã không đồng ý. Sau khi gây mê, các bác sĩ đã quay ngược máy lại để đẩy cánh tay ra, sau đó cắt lọc và kết hợp xương cánh tay, nẹp cố định cổ. Ca mổ kéo dài gần hai giờ, do bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn làm trưởng kíp mổ với sự hỗ trợ của bác sĩ gây mê Phạm Văn Công.

Sau 5 ngày nằm viện, tình trạng sức khỏe của chị Sương đang dần hồi phục, cánh tay không có biến chứng thần kinh mạch máu và đã cử động được. Bác sĩ Nguyễn Văn Thái cho biết trong trường hợp này, nếu phía công ty làm nhang cố gắng kéo cánh tay chị Sương ra khỏi máy ngay tại hiện trường sẽ gây sốc nặng, nạn nhân có thể tử vong do tụt huyết áp, ngưng tim, ngưng thở hoặc sẽ làm dập nát cánh tay không cứu chữa được. 

Theo N.Phương/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.