Phòng ngừa thủy đậu và sởi, quai bị, rubella

07/03/2011 19:53 GMT+7

Thủy đậu, sởi, quai bị và rubella là những bệnh nhiễm xảy ra tập trung từ nay đến tháng 6, tháng 7. Để phòng ngừa những căn bệnh này, cần biết những lưu ý dưới đây.

Nhắc lại một số biến chứng nguy hiểm

Nếu người mẹ mang thai nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ là rất nguy hiểm. Vì, vi-rút rubella từ máu của mẹ thông qua nhau thai làm chậm quá trình phát triển, và gây ra các biến chứng, dị tật nguy hiểm cho thai nhi như: sinh non, đục thủy tinh thể (mù), điếc; mắc bệnh tim bẩm sinh; dị dạng bộ não; trẻ chậm phát triển tâm thần, các kỹ năng vận động. Một số trường hợp trẻ nhiễm rubella bị tử vong ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. 

Biến chứng của bệnh sởi, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nếu diễn tiến nặng có thể đưa đến viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, hoặc có thể gây tử vong. Với bệnh quai bị, nếu không điều trị chăm sóc tốt thì có thể đưa đến biến chứng như sưng tinh hoàn, tác hại lên buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh, hay viêm màng não.

Còn với bệnh thủy đậu (trái rạ) người ta sợ nhất là bệnh để lại sẹo do các nốt rạ nhiễm trùng. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng ở não (gây viêm não) để lại di chứng nặng nề về thần kinh và khiến trẻ kém phát triển về trí tuệ sau này nếu qua khỏi bệnh…


Nên cho trẻ tiêm ngừa vắc-xin sởi - quai bị - rubella để phòng tránh những bệnh dễ lây nhiễm này  

Những điểm cần biết trong phòng bệnh rubella

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Viện Pasteur, TP.HCM), để phòng bệnh rubella, biện pháp cần thiết nhất đó là tiêm vắc-xin. Đối với trẻ em, lịch trình tiêm cho trẻ như sau: tiêm mũi đầu tiên khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi. Và tiêm nhắc lại mũi thứ hai cách mũi tiêm ban đầu từ 6 - 10 tháng; hoặc tiêm vào lúc trẻ 4 - 6 tuổi. Còn với người lớn, nếu chưa từng mắc bệnh rubella cũng nên tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở độ tuổi mang thai, sinh nở, vì bệnh rubella gây nguy hiểm nhất nếu xảy ra trên bà mẹ mang thai như đã nói ở trên. Do vậy, chị em phụ nữ, trước khi dự định mang thai, cần tiêm ngừa rubella, và cần tiêm trước thời điểm thụ thai ít nhất là 1 tháng (tốt nhất tiêm trước 3 - 4 tháng). Bác sĩ Phượng cho rằng tiêm ngừa trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh cho con. Nhưng cần lưu ý, khi đang mang thai thì tuyệt đối không được tiêm vắc-xin ngừa rubella.

Ở trẻ em, theo các bác sĩ, nên cho trẻ được tiêm ngừa bằng 2 mũi vắc-xin “tam liên” sởi - quai bị - rubella để phòng tránh ba bệnh dễ lây nhiễm này.

Những lưu ý trong tiêm ngừa phòng bệnh thủy đậu

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), các cha mẹ cần biết rằng để phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ thì cần tiêm vắc-xin khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em và người lớn cần tiêm ngừa 2 liều vắc-xin thủy đậu để được bảo vệ một cách tốt nhất, giúp giảm tỷ lệ xảy ra tình trạng đã tiêm ngừa mà vẫn mắc bệnh thủy đậu. Quy trình tiêm tốt nhất như sau: tiêm mũi đầu, sau đó 6 tuần thì tiêm nhắc lại mũi thứ 2.

Và điểm lưu ý nữa khi tiêm ngừa bệnh thủy đậu, theo bác sĩ Khanh là, nên tiêm trước thời điểm bệnh vô “mùa”. Tiêm như thế vừa có lợi về việc không bị rơi vào tình trạng khan hiếm vắc-xin (nếu bệnh vào “mùa” nhiều người đổ xô đi tiêm, vừa đạt hiệu quả phòng bệnh cao hơn vì, nếu tiêm sau khi tiếp xúc với người bệnh đôi khi vẫn có thể mắc bệnh do đã bị nhiễm bệnh mà vắc-xin chưa kịp có tác dụng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn các ông bố bà mẹ có thể đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên về sản, nhi, hay Trung tâm y tế dự phòng, Viện Pasteur để được tư vấn tiêm ngừa đầy đủ và hiệu quả nhất. Không riêng gì với trẻ em, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu gia đình có điều kiện thì lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn cũng nên tiêm ngừa bệnh thủy đậu, vì bệnh cũng có thể xảy ra ở những lứa tuổi này.

M.Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.