Phép màu từ những ca ghép tạng

27/02/2014 11:48 GMT+7

(TNO) Sau 6 tháng được ghép gan, ông H.T.C. (51 tuổi) đã phục hồi và có thể trở lại cuộc sống, công việc thường ngày.


Các bác sĩ phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Xơ gan giai đoạn cuối

Vừa rồi, theo lịch trình, ông C. đã tiếp tục đến tái khám, kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sau 6 tháng được ghép gan. Ông đã hoạt bát hơn so với cách đây một năm. Đặc biệt, da dẻ có phần hồng hào chứ không vàng vọt như khi nằm viện, chờ phẫu thuật.

Vào đầu tháng 8.2013, ông nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng vàng da, lơ mơ, suy gan cấp, xơ gan giai đoạn cuối. Ông đã từng bị hôn mê 2-3 lần trước khi nhập viện.

Trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, sau khi cấp cứu, bác sĩ đã làm các xét nghiệm, hội chẩn và quyết định ghép gan để cứu bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh xơ gan đang ở giai đoạn cuối.

Với một số người thân đồng ý cho gan, các bác sĩ chỉ chọn ra được gan của người con trai là phù hợp.

Mọi công tác cần thiết được chẩn bị, ca phẫu thuật được tiến hành chỉ 10 ngày sau khi ông C. nhập viện, với sự hỗ trợ của Trung tâm ghép gan ASAN (Hàn Quốc) - một bệnh viện hàng đầu thế giới về lĩnh vực này.

Với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ, 6 tuần sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện.

 
Bệnh nhân (trái) đang phục hồi sức khỏe, trở lại cuộc sống thường ngày với cậu con trai - cũng là người cho gan - Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp

Tái khám cho bệnh nhân C. bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí, Phó Khoa Ngoại gan - mật - tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết: Hiện ông C. đã tăng cân, hết vàng da, vàng mắt và có thể sinh hoạt, làm việc thường ngày của mình như trước, căn bệnh xơ gan không còn. Phần gan mới đang “sống” tốt trong cơ thể ông.

Với người cho gan là con trai ông, hiện đã khỏe mạnh bình thường. Trong ca ghép, các bác sĩ đã lấy của anh H.T.G. 65% phần gan. Giờ 35% phần gan còn lại của anh đã phát triển tăng thêm được 28% nữa. Dự kiến, sau một năm, gan sẽ phát triển trở lại 80% thể tích như ban đầu.

Tái sinh lần hai

Trong khi đó, sau hai năm, khi gặp lại các bác sĩ đã ghép thận cho mình, chị Hồng Thị Lan Thanh vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.

Câu chuyện của chị là minh chứng cho tiến bộ y học có thể tạo nên phép màu cho cuộc sống. Đang mang thai ở tháng thứ 6, đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), chị Thanh (40 tuổi) nhận được tin “sét đánh” khi bác sĩ kết luận chị bị suy thận nặng.

Người mẹ đang chờ đón đứa con sắp chào đời suy sụp tinh thần, sức khỏe, tất cả như tối sầm lại khi nghĩ đến cuộc sống của mình, tương lai của đứa bé. Đến tháng thứ bảy của thai kỳ, các bác sĩ buộc phải can thiệp mổ bắt con.

Sau ca sinh mổ, sức khỏe chị Thanh càng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Chị được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) điều trị.

“Khi đó, tôi rất bi quan. Tôi luôn nghĩ đến cái chết, nghĩ đến nỗi đau nếu phải lìa xa hai đứa con thơ của mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ và không ngờ mình có thể được ghép thận”, chị Thanh kể lại.

Tuy nhiên, với một bên thận được người thân hiến tặng, các bác sĩ đã ghép thận cho chị Thanh thành công. Chị có lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường như bao nhiêu người khác.

“Phép màu đã đến với tôi, nhờ được bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình tôi dần bình phục. Cảm ơn những 'thiên thần áo trắng' các bác đã sinh ra tôi lần thứ hai”, chị Thanh chia sẻ.

 
Bệnh nhân được chăm sóc, kiểm tra chuẩn bị ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, bày tỏ: “Chứng kiến cảnh bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính phải vào viện 3 lần/tuần từ 3, 4 giờ sáng để lọc máu hết năm này qua năm khác, bệnh nhân nặng có điều kiện thì phải ra nước ngoài để ghép thận, bằng không thì sớm kết thúc sự sống... đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm thực hiện cho được kỹ thuật ghép thận”.

Khó khăn nguồn tạng

Tuy nhiên, với các bệnh viện hiện nay, việc ghép tạng gặp không ít khó khăn về nguồn cho.

Theo bác sĩ Chí, hiện khoa có một vài bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần ghép gan, đang chờ phải chờ người cho phù hợp.

“Tìm kiếm người cho gan rất khó khăn do tâm lý còn e ngại. Một phần do tình trạng sức khỏe của người tình nguyện hiến không đảm bảo như nhiễm siêu vi B, thể tích gan không đủ, lớn tuổi... Chế độ ăn, sinh hoạt của người dân ở nước ta hiện nay còn chưa điều độ, khoa học khiến sức khỏe không đáp ứng”, bác sĩ Chí trăn trở.

Còn với nguồn cho từ người chết não thì cũng khó vì lại vướng quan niệm truyền thống là người ra đi phải được nguyên vẹn thi hài.

“Ở nước ngoài, việc hiến tạng từ người chết não rất phổ biến. Từ một người qua đời, có thể cứu sống 5-6 người khác khi họ hiến gan, thận, phổi, tim, giác mạc”, bác sĩ Chí nói.

Trong khi đó, theo giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, người hiến tạng vừa cho đi một phần cơ thể nhưng đồng thời còn phải chi tiền cho các xét nghiệm và phẫu thuật cắt thận đó là điều bất hợp lý.

“Chúng ta đã có luật về hiến ghép tạng nhưng thiếu tính khả thi. Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép tạng thành lập năm 2013 nhưng chưa thành mạng lưới thống nhất nên chưa tận dụng triệt để được nguồn tạng cho. Chính phủ cần sớm điều chỉnh và có cơ chế hợp lý hỗ trợ người hiến tạng để vừa chống tình trạng buôn bán tạng vừa khuyến khích hoạt động chia sẻ sự sống đầy tính nhân văn trong cộng đồng”, giáo sư Sinh có ý kiến.

Một số nước đã sử dụng nguồn quỹ từ bảo hiểm y tế để hỗ trợ cho người hiến tạng, ghép tạng. “Như đối với thận, chi phí bảo hiểm phải chi trả cho việc ghép thận thấp hơn rất nhiều so với chi phí bệnh nhân phải chạy thận”, bác sĩ Sinh so sánh.

Còn theo bác sĩ Chí: “Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có chỉ định ghép gan. Bệnh viện sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân “thông suốt” việc hiến tạng, cùng chung tay với ngành y tế đem lại sự sống cho nhiều người”.

Viên An

>> Ca ghép gan người lớn thứ hai ở phía nam thành công
>> Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép gan thứ 2
>> Hy vọng cho trẻ ghép gan
>> Hà Nội thực hiện ca ghép thận đầu tiên
>> VN thực hiện 600 ca ghép tạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.