Những thuốc nào dễ gây sốc phản vệ?

04/05/2007 00:04 GMT+7

Thời gian gần đây đã xảy ra những ca tai biến sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc, vắc-xin, truyền dịch, trong đó có trường hợp tai biến tử vong được giới chuyên môn kết luận nguyên nhân do "dị ứng thuốc", "sốc phản vệ". GS Nguyễn Năng An - Chủ tịch Hội dị ứng, miễn dịch lâm sàng cho biết:

- Ở Việt Nam, dị ứng thuốc chiếm tỷ lệ cao (hơn 8,5% dân số) tại nhiều địa phương được nghiên cứu. Nguy hiểm nhất là "sốc phản vệ" (SPV), chiếm khoảng 10% trong số các ca dị ứng thuốc. Trong số người bị SPV, ước có khoảng 10% tử vong. SPV là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Có trường hợp tử vong 4 giờ sau khi vô tình bị bắn thuốc tiêm Penicillin vào mắt. Có bệnh nhân ốm điều trị ở nhà, sau khi tiêm Ampicilin và vitamin B6, B1 vài phút đã thấy choáng váng, khó thở, tím tái và tử vong chỉ sau 1/2 giờ. Trong ngành y, SPV được coi là một tai biến kinh hoàng, một dạng dị ứng cấp tính với những biểu hiện rất rầm rộ: người bệnh choáng váng, nổi mày đay, huyết áp sụt, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, mất ý thức... 

Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng/SPV: kháng sinh, giảm đau hạ nhiệt, chống viêm, vitamin, dịch truyền, vắc-xin, thuốc gây tê, gây mê... Ngay cả những thuốc được coi là "hiền lành" như thuốc chống nhiễm khuẩn sau phẫu thuật (Metronidazol), thuốc chống dị ứng (Dimedrol) cũng có thể gây nên SPV.

* Có thể phòng ngừa và cấp cứu dị ứng thuốc ? 

- Ông Nguyễn Năng An: Trước hết, yếu tố dự phòng cần được quan tâm. Bác sĩ kê đơn cần chọn thuốc dùng ít có khả năng gây dị ứng. Trước khi dùng thuốc cần phải hỏi kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân và thử phản ứng thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Người ốm không nên tự điều trị. Với các cháu bé khi tiêm vắc-xin cần khai thác tiền sử của mẹ, nếu mẹ có tiền sử dị ứng rất có thể di truyền cho bé và cha mẹ cần thông tin cho các cán bộ y tế về thể trạng của bé.

Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cho trẻ tiêm vắc-xin khi đang ốm, sốt, cảm cúm. Về phía y tế, phải rất thận trọng khi tiêm những chất có thể gây dị ứng. Luôn chuẩn bị túi cấp cứu theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, các trường hợp đều phải dùng Adrenalin, bởi nó có tác dụng nhanh, mạnh, đối lập với các dạng SPV. Chúng tôi cũng đã ghi nhận một số thuốc dễ gây SPV: Penicilin, Cephalosporin, Bacitracin, Neomycin, PolymycinB, Kanamycin, Lincomycin; thuốc tê: Procain, Novocain. Một số thuốc khác: Colchicin, vitamin nhóm; vắc-xin phòng dại, uốn ván, sởi. 

Liên Châu
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.