Những người 'xấu bụng'

22/05/2015 06:37 GMT+7

(TNTS) Dân ta cứ thấy mấy người uống bia rượu hoặc ăn đồ lạ vào mà ôm bụng chạy té khói là phán: “Ông này bị đại tràng”. Thực ra, đau bụng cũng có dăm bảy đường chứ không chỉ “bị đại tràng” như ta lầm tưởng.

(TNTS) Dân ta cứ thấy mấy người uống bia rượu hoặc ăn đồ lạ vào mà ôm bụng chạy té khói là phán: “Ông này bị đại tràng”. Thực ra, đau bụng cũng có dăm bảy đường chứ không chỉ “bị đại tràng” như ta lầm tưởng.

Những người 'xấu bụng'
Viêm đại tràng là bệnh rất phổ biến ở VN. Theo một thống kê chuyên môn, cứ ba người VN thì có một người gặp rắc rối với đại tràng. Căn bệnh đường ruột này gây nhiều đau đớn, phiền toái cho bệnh nhân nhưng điều đáng lo ngại là nhiều người trong chúng ta chưa có hiểu biết đúng đắn về bệnh.
Việc quy nạp nôm na “bị đại tràng” thể hiện cách hiểu sai về bệnh lý và một khi hiểu sai thì cách xử lý, điều trị cũng sai nốt. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng... Mỗi bệnh lý có nguyên nhân khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau. Sự nhầm lẫn phổ biến hiện nay là giữa bệnh viêm đại tràng (mà dân gian cứ gọi nôm na là “bị đại tràng”) và hội chứng ruột kích thích. Hai chứng bệnh này có một số điểm giống nhau về triệu chứng, nhưng khác nhau về nguyên nhân. Chỉ khi biết rõ được nguyên nhân thì chúng ta mới có cách điều trị phù hợp, giúp trị dứt điểm một căn bệnh dai dẳng, gây nhiều đau đớn và phiền toái.
“Bị đại tràng” là bị gì ?
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Phước Hưng - Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết: “Chúng ta phải biết phân biệt bệnh viêm đại tràng với hội chứng ruột kích thích. Bệnh viêm đại tràng trong y văn gọi là IBD (inflammatory bowel disease), còn hội chứng ruột kích thích là IBS (Irritable bowel syndrome). Hai bệnh khác nhau ở điểm IBD có tổn thương thực thể còn IBS không có tổn thương thực thể trên đại tràng”.
Theo bác sĩ Hưng, về mặt biểu hiện, cả hai bệnh đều có triệu chứng rối loạn đi cầu nhưng trong IBD ngoài rối loạn đi cầu còn có thêm triệu chứng đi cầu đàm máu, còn IBS thì chỉ đôi khi mới có triệu chứng đi cầu có đàm. Nói chung, nhìn vào hiện tượng thì rất khó kết luận là một người bị hội chứng ruột kích thích hay viêm đại tràng. Cần có những khám nghiệm, theo dõi kỹ càng mới kết luận được. Cả hai bệnh có những nguyên nhân khác nhau và khá phức tạp nên việc phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị cũng phức tạp và không giống nhau.
Ở châu Á, bệnh viêm đại tràng thường là do nhiễm các loại khuẩn như salmonella, shigella, proteus hoặc vi rút. Đặc biệt ở VN còn có nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng như amibe. Hai bệnh điển hình của IBD là bệnh Crohn và Ulcerative colitis, và hai bệnh này hầu như không gặp ở VN. Còn IBD colitide do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng thì có khá nhiều ở VN. Có thể nói, việc hấp thu các thực phẩm nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm đại tràng.
Do đó, việc sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh là phòng tuyến đầu tiên giúp con người tránh được nguy cơ bị viêm đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác. Trái với quan niệm lâu nay, việc uống rượu bia hay ăn các chất kích thích như ớt chỉ gây ra hội chứng ruột kích thích chứ không gây viêm đại tràng. Tuy nhiên, một khi đã bị bệnh viêm đại tràng thì việc kiêng cữ các chất này là cần thiết để việc điều trị hiệu quả.
Có cần kiêng sữa ?
Một trong những cách “tự điều trị” phổ biến hiện nay là bệnh nhân lên Google và tìm kiếm theo các từ khóa, sau đó tự “kê toa” cho bản thân. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chẩn đoán sai và điều trị sai, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Đối với bệnh viêm đại tràng cũng vậy, nếu lên mạng tìm kiếm, bạn sẽ thấy một lô một lốc các lời khuyên về kiêng khem, về dùng thuốc. Một trong những lời khuyên phổ biến đó là bệnh nhân viêm đại tràng cần kiêng uống sữa. Theo bác sĩ Hưng, đây là lời khuyên không đúng vì có một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy khi uống sữa là do thiếu men lactulose để phân hủy sữa nên gây triệu chứng tiêu chảy. Trong trường hợp này thì không chẩn đoán là viêm đại tràng mà chẩn đoán là IBS. Do chẩn đoán sai giữa viêm đại tràng và IBS nên không thể có lời khuyên chính xác về chế độ ăn uống vì các nguyên nhân gây bệnh rất khác nhau, tùy nguyên nhân gây bệnh mới đề ra được chế độ ăn hợp lý.
Có gây chết người ?
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm đại tràng và nếu chẩn đoán sai, nhầm lẫn giữa viêm đại tràng với hội chứng ruột kích thích, thì việc điều trị sẽ rất mất thời gian, thậm chí không có kết quả khả quan. Một số trường hợp điều trị không tốt, bệnh chuyển qua giai đoạn mạn tính, rất khó điều trị dứt điểm, khiến bệnh nhân nản lòng, buông xuôi. Cho nên, điều tiên quyết trong điều trị là phải có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân.
Khi đã biết được nguyên nhân gây viêm đại tràng là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thì có thể điều trị dứt điểm được, bằng thuốc kháng sinh và thuốc kháng ký sinh trùng. Cho nên, các bệnh nhân viêm đại tràng cũng không nên quá bi quan phải sống chung suốt đời với bệnh. Cách tốt nhất là đến các cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn để khám và điều trị đúng cách mỗi khi gặp các triệu chứng khả nghi như đã đề cập ở trên.
Bệnh viêm đại tràng gây nhiều đau đớn và bất tiện cho bệnh nhân, nhưng nhiều người bệnh lại có vẻ coi thường các cơn đau bụng. Nhiều người mỗi khi đau bụng, rối loạn đi cầu thường đến nhà thuốc mua lọ “béc-be-rin” hoặc vài gói men tiêu hóa để tự xử, khi thấy bớt đau, bớt tiêu chảy thì lại ngừng uống thuốc. Trên thực tế, các loại dược phẩm trên chỉ có tác dụng đối với một số loại bệnh IBS thông thường và không giúp trị dứt điểm bệnh viêm đại tràng. Một điều cần lưu ý là nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh viêm đại tràng có thể gây các biến chứng rất nặng như xuất huyết tiêu hóa dưới hay thủng đại tràng, gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến tử vong, bác sĩ Hưng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.