Nhật ký Blouse trắng - Kỳ 4: Câu chuyện về nữ y tá tài năng

20/10/2015 07:44 GMT+7

'Y tá, điều dưỡng âm thầm lắm, chỉ biết thương người bệnh, chăm sóc rồi mừng với người bệnh khi họ khỏe mạnh về nhà. Xã hội có tiến đến đâu thì con người vẫn cần sự yêu thương', gương mặt sáng đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ, nữ điều dưỡng Vi Thị Nguyệt Hồ ánh lên niềm vui khi nói về công việc mà bà gắn bó suốt 60 năm.

'Y tá, điều dưỡng âm thầm lắm, chỉ biết thương người bệnh, chăm sóc rồi mừng với người bệnh khi họ khỏe mạnh về nhà. Xã hội có tiến đến đâu thì con người vẫn cần sự yêu thương', gương mặt sáng đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ, nữ điều dưỡng Vi Thị Nguyệt Hồ ánh lên niềm vui khi nói về công việc mà bà gắn bó suốt 60 năm.

Nữ y tá Vi Thị Nguyệt Hồ - Ảnh: tư liệu gia đìnhNữ y tá Vi Thị Nguyệt Hồ - Ảnh: tư liệu gia đình
Tuổi 87 nói chuyện tình yêu
“Tôi kết hôn năm 16, kém chồng 17 tuổi. Nếu bây giờ chắc chúng tôi bị phạt to rồi”. Ở tuổi 87, nữ điều dưỡng Vi Thị Nguyệt Hồ năm xưa, phu nhân của cố GS-VS Tôn Thất Tùng đã khởi đầu câu chuyện với vẻ lãng mạn như vậy.
Bà kể, sau khi kết hôn, bà ở nhà nội trợ, còn GS-VS Tôn Thất Tùng khi đó là bác sĩ của nhà thương Làm phúc (Bệnh viện Việt Đức ngày nay) ở phố Phủ Doãn. Khi cách mạng về mang theo thông điệp phụ nữ bình quyền, bà đã quyết định hưởng ứng bằng cách tham gia đội Hồng thập tự. “Là đội viên Hồng thập tự, nay gọi là Hội Chữ thập đỏ, hằng ngày chúng tôi đến nhà thương Làm phúc để chăm sóc những người ốm đau. Được các chị y tá bày cách chăm người bệnh, theo dõi sức khỏe, động viên họ, dần dần tôi biết làm việc của y tá như: thay băng, chăm sóc vết thương”, bà tâm sự với giọng nhẹ nhàng, chậm rãi.
Ở tuổi 87, bà Nguyệt Hồ vẫn nhiều cảm xúc khi nói về nghề điều dưỡng - Ảnh: Ngọc ThắngỞ tuổi 87, bà Nguyệt Hồ vẫn nhiều cảm xúc khi nói về nghề điều dưỡng - Ảnh: Ngọc Thắng
Quãng những năm 1948 - 1949, gia đình bà Nguyệt Hồ theo cách mạng lên chiến khu ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Vật chất rất thiếu thốn, sống tận trong rừng nhưng mọi thành viên vẫn thu xếp đời sống ổn định, giữ được cuộc sống tinh thần thư thái. “Có lần, Bách lúc đó khoảng 2 tuổi khoe “hôm nay con gặp con mèo to quá” khiến chúng tôi hoảng hồn, đoán rằng chắc con trai mình vừa trông thấy con hổ, hay con báo con”, bà kể lại.
“Vì đi chiến khu, ở trong rừng nên rất thiếu thực phẩm cho trẻ nhỏ. Chúng tôi bàn nhau nuôi dê lấy sữa. Anh Tùng ngày ngày vắt sữa dê đun lên cho Bách uống”. Cậu bé Bách mà bà âu yếm nhắc đến là con trai của ông bà, sau này cũng trở thành một phẫu thuật viên, nhà ngoại khoa tài ba: PGS-TS Tôn Thất Bách.
Sau những năm tháng đó, năm 1954 Giải phóng thủ đô, ông bà trở về Hà Nội. Bà Nguyệt Hồ tham gia lớp học y tá sơ cấp chính quy tại ĐH Y Hà Nội rồi làm việc chính thức trong Bệnh viện Việt Đức, trở thành người y tá tài năng, góp phần thành công cho các ca mổ khó của GS-VS Tôn Thất Tùng.
Bạn đời, bạn nghề
Chị Tô Thị Điền, nguyên điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Việt Đức, học trò của bà Nguyệt Hồ kể rằng bệnh viện những năm đầu sau Giải phóng thủ đô thiếu thốn đủ thứ, “vá găng, mài kim khâu vết mổ” là chuyện thường tình nhưng bà Nguyệt Hồ luôn quán xuyến, chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật chu đáo hoàn hảo nhất cho cuộc mổ. Thầy Tùng cũng chỉ yên tâm khi mọi việc đã được y tá Nguyệt Hồ “tổng duyệt”. Hiểu rất rõ công việc của phẫu thuật viên, đặc biệt các ca mổ lớn như: mổ tim, cắt gan khô, điều dưỡng Nguyệt Hồ luôn chuẩn bị rất chu đáo vật dụng dự phòng cho các tình huống khó có thể xảy ra để phẫu thuật viên nhanh chóng có dụng cụ xử trí.
“Trong phòng mổ, thầy Tùng khó tính lắm, ai sai sót sẽ bị ông mắng. Nhưng bù lại, ai làm tốt thế nào cũng được thưởng hộp sữa đặc, lúc đó là món bồi dưỡng quý lắm. Còn ở nhà, hầu như sáng sáng ông đều tự tay pha cà phê đem đến tận nơi cho vợ”, y tá Nguyệt Hồ hạnh phúc khi nhớ về những năm tháng là người bạn nghề, bạn đời vô cùng tâm đắc, vô cùng sâu nặng của GS-VS Tôn Thất Tùng.
Là con nhà quan, học trường Pháp từ nhỏ nên tiếng Pháp với y tá Nguyệt Hồ là tiếng phổ thông. Tiếng Anh cũng được bà tự học và sử dụng khá nhuần nhuyễn. Mỗi khi có chuyên gia nước ngoài tới thăm và làm việc, bà rất tự tin trò chuyện, giao tiếp lưu loát, trao đổi công việc. Nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân, không chỉ phụ giúp chồng rất hiệu quả những ca mổ tim, cắt gan vô cùng khó khăn trong điều kiện thiếu thốn mà sau này khi thiết bị phòng mổ hiện đại hơn bà vẫn tiếp nhận, tham gia phụ mổ cho con trai là PGS-TS Tôn Thất Bách.
“Y tá trước đây giờ đã được đổi là điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng lắm. Không chỉ trong phòng mổ mà còn cả quãng thời gian chăm bệnh nhân hậu phẫu cũng phải rất sát sao. Khi còn làm việc, trước khi ra về, thế nào chúng tôi cũng đảo lại thăm bệnh nhân, sớm mai đến cũng qua thăm họ trước khi giao ban để còn nắm tình hình người bệnh. Điều dưỡng ví như cái báo động, khi bệnh nhân có biến đổi gì nặng phải nhận biết được để báo nhanh với bác sĩ. Mà bản thân cũng phải biết xử trí, biết sơ cứu đầu tiên để giúp bệnh nhân không lâm vào nguy kịch, bà Vi Thị Nguyệt Hồ chia sẻ. Bà đã trải qua 60 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, trong đó 40 năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, 20 năm là Chủ tịch Hội Điều dưỡng VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.