Nguy cơ đột tử khi đi máy bay

11/08/2010 09:18 GMT+7

Không chỉ người có bệnh tim mà người bình thường cũng có nguy cơ đột tử khi đi máy bay. Ngày 7-8 vừa qua, một hành khách đã bị đột tử khi máy bay chuẩn bị cất cánh từ Đà Nẵng đi Hà Nội.

BS Thái Minh Thiện - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện tim Tâm Đức, TP.HCM - cho biết việc đi máy bay có tác động nhất định đến không chỉ những bệnh nhân tim mạch mà cả người bình thường, đặc biệt với những chuyến bay dài trong nhiều giờ.

Theo bác sĩ Thiện, tác động chính của việc ngồi trên máy bay đối với bệnh nhân tim mạch là giảm nồng độ oxy trong khí hít vào trên máy bay, đặc biệt là khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Ở thời điểm máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, áp suất không khí bị thay đổi. Hậu quả của việc giảm oxy làm giảm độ bão hòa oxy trong máu khiến hành khách có nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim dẫn đến đột tử.

Bệnh tim vẫn bay được

Những bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim, nong động mạch vành tim có đi máy bay được không? Theo bác sĩ Thiện, những bệnh nhân này vẫn có thể đi máy bay nhưng tùy theo phân tầng nguy cơ sau nhồi máu cơ tim mà thời gian đi lại bằng phương tiện máy bay của bệnh nhân có khác nhau.

Cụ thể, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có phân tầng nguy cơ thấp (tức là bệnh nhân không có suy tim, không loạn nhịp tim, không đau ngực sau nhồi máu cơ tim) có thể đi máy bay sau ba ngày từ lúc xảy ra nhồi máu. Đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim có phân tầng nguy cơ trung bình (được xác định qua làm trắc nghiệm gắng sức) có thể đi máy bay sau mười ngày.

Khách đột tử trên máy bay

Trưa 10-8, một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Trung cho biết hành khách Lê Quốc Hưng (50 tuổi, trú tại Hà Nội) đột tử trên chuyến bay VN 318 đêm 7-8 đã được đưa về Hà Nội ngày hôm sau. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong do gia đình không yêu cầu khám nghiệm tử thi.

Trước đó, chuyến bay VN 318 dự kiến cất cánh lúc 22g05 ngày 7-8 từ Đà Nẵng đi Hà Nội, sau khi máy bay lăn bánh ra đường băng ông Hưng bất tỉnh ngay trên ghế. Tiếp viên đã cấp báo cho cơ trưởng chuyến bay hoãn chuyến. Tuy được cấp cứu nhưng ông Hưng không qua khỏi. Ngay sau đó, đại diện Hãng hàng không VN báo tin để gia đình ông Hưng vào Đà Nẵng làm các thủ tục khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong và đưa thi thể ông Hưng về Hà Nội an táng.

V.Hùng

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim có phân tầng nguy cơ cao (có một trong ba yếu tố là suy tim, loạn nhịp tim hoặc đau ngực sau nhồi máu cơ tim), nếu có dấu hiệu và triệu chứng của suy tim thì nên hoãn chuyến bay cho đến khi tình trạng bệnh ổn định hoặc được đặt dụng cụ hỗ trợ (máy tạo nhịp, máy phá rung). Với những bệnh nhân được can thiệp động mạch vành, không biến chứng, có thể đi máy bay sau hai ngày.

Trường hợp bệnh nhân sau mổ bắc cầu động mạch vành không biến chứng sẽ được đi máy bay sau ít nhất ba tuần, thời gian kéo dài hơn nếu có biến chứng tràn khí màng phổi sau phẫu thuật. Nếu sau đặt máy tạo nhịp tim mà không có biến chứng, bệnh nhân có thể đi máy bay sau hai ngày.

Tuy nhiên, nếu bị biến chứng tràn khí màng phổi thì phải hoãn đi máy bay ít nhất hai tuần kể từ khi xảy ra biến chứng. Bệnh nhân sau đặt máy phá rung nếu máy không có sốc điện thêm lần nào có thể đi máy bay sau hai ngày, nhưng nếu có sốc điện thì phải hoãn chuyến bay cho đến khi tình trạng loạn nhịp thật ổn định.

Không chỉ người có bệnh tim mà những hành khách có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc cũng có nguy cơ đột tử do thuyên tắc phổi khi đi máy bay. Nguyên nhân của thuyên tắc phổi thường do hành khách ngồi lâu một chỗ sẽ xảy ra tình trạng ứ đọng máu ở chân, tạo ra huyết khối chạy lên phổi gây ra thuyên tắc phổi.

Để tránh bị đột tử do thuyên tắc phổi, trước khi đi máy bay hành khách cần mang vớ áp lực dưới gối, ngồi ở dãy ghế hành lang, không được uống rượu, cà phê, uống đầy đủ nước...

Ai cũng có thể bị đột tử

Bác sĩ Minh Thiện cho biết không chỉ bệnh nhân có bệnh lý sẵn mới bị đột tử khi đi máy bay, mà nguy cơ đột tử có thể xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi. Đặc biệt, với những người sẵn bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid và hút thuốc lá thì nguy cơ cao hơn. Với những bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim hoặc đã thông mạch vành thì nguy cơ càng cao. Hành khách đi những chuyến bay càng lâu nguy cơ càng cao.

Những dấu hiệu, triệu chứng cho thấy sức khỏe có bất thường khi đi máy bay là bệnh nhân đột nhiên thấy đau thắt ngực. Tuy nhiên, với bệnh nhân đã bị tiểu đường thì triệu chứng đau ngực sẽ không rõ, mà triệu chứng thường gặp là mệt và khó thở.

Nếu trên chuyến bay có hành khách bị đột tử (ngưng tim, ngưng thở), những người xung quanh cần kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân về hô hấp và tuần hoàn. Tốt nhất là trên máy bay cần được trang bị dụng cụ bóp bóng qua mặt nạ và có tấm ván gỗ hoặc bàn cứng để đặt bệnh nhân nằm lên, tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Trường hợp không có dụng cụ bóp bóng sẵn trên máy bay, phải hỗ trợ hô hấp bằng thổi miệng trực tiếp.

Người thực hiện cấp cứu dùng tay bịt mũi bệnh nhân và kê sát miệng mình vào miệng bệnh nhân để thổi hơi. Để hỗ trợ tuần hoàn thì xoa bóp tim ngoài lồng ngực bằng cách dùng hai bàn tay ập lên nhau và ấn trước ngực bệnh nhân với tần số 100 lần/phút. Khi xoa bóp tim, dùng tay ấn xuống xương ngực bệnh nhân, để xương sụp xuống chạm vào được trái tim của bệnh nhân. Thay vì tim tự bóp nhưng không bóp được thì động tác xoa ấn lồng ngực sẽ giúp kích thích tim đập lại. Tốt nhất là hai người thực hiện cấp cứu, một người xoa bóp tim, một người thổi hơi.

Bác sĩ Minh Thiện khuyên những người có bệnh lý tim mạch, từng bị nhồi máu cơ tim, trước mỗi chuyến bay nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám, kiểm tra sức khỏe và cho thuốc mang theo. Nếu bác sĩ khuyên không nên đi, tốt nhất hoãn chuyến bay. Khi lên máy bay thấy có triệu chứng đau ngực, làm mệt, khó thở thì nên lấy thuốc nitrat (dạng viên ngậm hoặc xịt) ra sử dụng ngay.

Theo Tuồi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.