Người bệnh cần biết rõ thông tin về bệnh tật

23/05/2011 16:01 GMT+7

Cung cấp rõ thông tin về chẩn đoán và điều trị cho người bệnh là điều rất quan trọng, giúp người bệnh hiểu kỹ hơn về tình trạng của mình.

Ở các nước phương Tây, Mỹ, phần lớn bác sĩ điều trị thường cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh, hướng điều trị và cả tiên lượng bệnh cho bệnh nhân, bao gồm các trường hợp mắc bệnh ung thư cũng vậy. Còn tại Việt Nam, phần lớn bác sĩ không có thời gian (mãi cũng trở thành thói quen) để tiếp xúc, nói chuyện với người bệnh hoặc thân nhân cho thật cặn kẽ về bệnh tật. Người bệnh có muốn hỏi cũng rất khó khăn. Do vậy, nhiều bệnh nhân sau khi đi khám bệnh về vẫn không nắm rõ thông tin về sức khỏe của mình, hướng điều trị, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt ra sao, rồi phải “chạy lung tung” tham vấn ở người quen...    

 
Hầu hết bệnh nhân đều muốn nắm rõ tình trạng của mình, thậm chí còn góp ý về hướng điều trị - Ảnh: Shutterstock 

Nguyên nhân khác, thường bác sĩ ở các nước phương Đông vẫn quan niệm rằng, nếu cung cấp đầy đủ các thông tin không tốt (ví dụ bệnh ung thư), sẽ khiến người bệnh có phản ứng tiêu cực, sụp đổ, không chịu điều trị, không hợp tác điều trị. Ngoài ra, những chấn động về tâm lý có thể làm người bệnh phiền muộn, trầm cảm, bỏ ăn uống... Do vậy, xu hướng các bác sĩ, nhân viên y tế, và cả người thân của bệnh nhân đều muốn “giấu” thông tin, hoặc ít ra cung cấp ở một góc độ càng nhẹ nhàng càng tốt.

Lâu nay trong nước chưa có công trình nghiên cứu, hay khảo sát nào về cung cấp thông tin cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng, hay ý kiến gia đình về việc cung cấp chẩn đoán, điều trị; nhất là trong những tình huống xấu khi khả năng điều trị đặc hiệu không có hiệu quả, thời gian sống ngắn. Mới đây, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) tiến hành khảo sát trên 160 bệnh nhân ung thư đến điều trị tại đây, và lấy ý kiến trên 122 thân nhân người bệnh về vấn đề nói trên.

Kết quả ghi nhận như sau: có 93,7% bệnh nhân ung thư muốn biết sự thật về chẩn đoán bệnh và việc chữa trị tiếp theo. Riêng phần thân nhân thì 60,6% người không muốn cho người thân của họ biết sự thật về chẩn đoán bệnh. Có 77,5% người bệnh cho rằng họ muốn tham gia ý kiến vào việc quyết định chữa trị bệnh. Riêng bệnh ở giai đoạn cuối thì có 66,3% người bệnh muốn được bác sĩ cung cấp thông tin chính xác, và 32% người thân muốn cho bệnh nhân biết.

Điều đó cho thấy hầu hết bệnh nhân đều muốn biết chính xác thông tin về chẩn đoán và điều trị căn bệnh của mình, cho dù đó có thể là thông tin xấu; đồng thời người bệnh cũng muốn tham gia ý kiến vào hướng điều trị. Thiết nghĩ, đây là vấn đề rất đáng lưu ý đối với các bác sĩ trong quá trình tiếp xúc tư vấn cho bệnh nhân. Cần biết, ở các nước phương Tây, quyền tự quyết định của bệnh nhân trong việc điều trị được thừa nhận hiển nhiên, và các bác sĩ phải tham khảo ý kiến bệnh nhân trước khi tiến hành điều trị. Ngược lại, trong nước, người bệnh ít khi có được quyền này.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.