Nắng nóng làm tăng ca mắc bệnh tay chân miệng

13/06/2011 07:10 GMT+7

Bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh, Hà Nội đã xuất hiện các ca rải rác. BS Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết:

Trên địa bàn thành phố gần đây ghi nhận 7 trường hợp nghi mắc chân tay miệng. Số mắc rải rác, chưa có ca xác định bằng kết quả xét nghiệm dương tính, không có tử vong. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan vì số mắc bệnh này thường tăng cao vào các tháng hè. Đặc biệt, đây là bệnh do vi-rút đường ruột, lây qua đường tiêu hóa, lây qua tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, mụn nước bị vỡ. Nếu không chủ động dự phòng thì nguy cơ bùng phát rất nhanh.

Việc giám sát chủ động trên địa bàn thành phố được thông qua hệ thống cộng tác viên tại 29 quận huyện. Trung tâm y tế đã tập huấn về giám sát bệnh tay chân miệng tại Hà Nội. Hệ thống cộng tác viên sẽ cùng tham gia giám sát, kịp thời phát hiện các ca có biểu hiện lâm sàng, qua đó hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ đúng không để nặng và không để lây lan rộng. Việc phát hiện sớm các ca bệnh riêng lẻ còn mang tính "chỉ điểm" giúp chúng ta lưu ý kiểm soát không để bùng phát thành ổ dịch.

* Xin ông cho biết biểu hiện sớm của bệnh tay chân miệng?

- Biểu hiện của bệnh tay chân miệng dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối... Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng có tỷ lệ bị biến chứng nguy hiểm như viêm màng não. Các bác sĩ điều trị khuyến cáo: để phát hiện sớm biến chứng, điều quan trọng là khi thấy trẻ có triệu chứng bóng nước, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, tại nhà: cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Phát hiện các triệu chứng nguy hiểm: co giật, ý thức lơ mơ, vật vã, hoảng hốt...

* Cần làm gì để bệnh không bùng phát thành dịch lớn, thưa ông?

- Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và Hà Nội tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là phòng bệnh cho trẻ em. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã có các biện pháp phòng chống cho cộng đồng: cách ly bệnh nhân, vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chơi đồ chơi chung, khử khuẩn phân và chất thải của bệnh nhân…; khuyến cáo người dân khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế đồng thời cho trẻ không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.

Các bậc phụ huynh chỉ cho con đến lớp khi hết loét miệng, phỏng nước. Để làm tốt việc này cơ quan y tế phối hợp với phòng GD-ĐT tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh trong trường học. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại nơi có 2 trẻ trở lên cùng mắc bệnh trong vòng môt tuần thì lớp đó đã có thể được nghỉ học. Điều này cho thấy tính chất lây lan rất mạnh của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, biết như vậy để ta không chủ quan và cho trẻ đi khám sớm và cách ly chăm sóc chứ không phải hoang mang, lo lắng quá mức.

Dịch tay chân miệng có xu hướng tăng ở VN trong vài năm gần đây. Năm 2006 có 2.284 trường hợp mắc bệnh. 5 tháng đầu năm 2011 đã ghi nhận 4.000 ca mắc với hàng chục ca tử vong. Vi-rút gây bệnh chân tay miệng có rất nhiều týp khác nhau, thường luân phiên gây dịch, týp gây dịch năm sau là týp thay thế cho týp của vụ cũ đã có miễn dịch. Rất nhiều yếu tố là đường lây truyền: vệ sinh ăn uống, môi trường, nhất là trong môi trường tập thể (nhà trẻ, mẫu giáo, nơi có mật độ dân cư đông nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo); các vật dụng thông thường rất dễ là nguồn nhiễm mầm bệnh và lây lan như đồ chơi của trẻ. Bởi vậy, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là quan trọng cho phòng lây nhiễm.

Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Liên Châu
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.