Mua thuốc tâm thần: Quá dễ

19/03/2011 09:42 GMT+7

Tự ý đi mua thuốc điều trị tâm thần, nhiều người đã phải gánh hậu quả nặng nề do tác dụng phụ. Mệt mỏi vì mất ngủ liên tục hai ngày liền, chị K.L tìm đến một nhà thuốc ở quận 3 - TPHCM. Hỏi qua loa vài câu, nhân viên ở đây đưa cho chị hai loại thuốc:

Một loại dạng viên nén, màu trắng có 4 khía và một loại là viên nhộng mềm màu nâu. Người bán giải thích viên màu trắng là thuốc an thần, viên kia là thảo dược. Chị hỏi liều lượng thế nào thì anh ta chỉ trả lời là uống ngày 3 lần, đến bao giờ… ngủ được thì thôi. Do hơi sợ khi nghe đến hai chữ “an thần” nên chị K.L chỉ lấy loại thảo dược màu nâu.

 
Tư vấn, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Mất ngủ thành… rối loạn tâm thần
 
Theo thạc sĩ – bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, loại thuốc viên 4 khía màu trắng mà chị K.L mô tả là Lexomil, một loại thuốc an thần được sử dụng khá phổ biến trong điều trị một số bệnh tâm thần. Cũng như nhiều loại thuốc tâm thần khác, thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ và phải rất cẩn trọng trong sử dụng. Đa phần thuốc tâm thần chỉ được bán với số lượng rất hạn chế, ví dụ thuốc an thần chỉ được bán mỗi lần 10-20 viên và nhất thiết phải có toa của BS. Tuy nhiên, việc mua loại thuốc này trên thị trường hiện nay lại khá dễ dàng do nhiều nhà thuốc không tuân thủ chặt chẽ quy định.

BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết hiện ông đang điều trị cho một bệnh nhân nam bị tác dụng phụ khi tự ý mua thuốc này và một số loại thuốc tâm thần đặc trị khác để điều trị bệnh mất ngủ. Từ chứng mất ngủ đôi khi xuất hiện với người cao tuổi, nay bệnh nhân này đã gặp phải một số triệu chứng loạn thần, hoang tưởng, đứng ngồi không yên do rối loạn hành vi… vì dùng thuốc không đúng và quá liều.

Một nữ bệnh nhân nay đang gánh hậu quả nghiêm trọng của việc nghiện thuốc an thần. Cách đây nhiều năm, cô thường xuyên mất ngủ và đã tự mua thuốc về uống. Càng ngày, để “dỗ” giấc ngủ, cô phải dùng một lượng thuốc lớn hơn. Đến khi được người nhà đưa đến BS chuyên khoa khám thì những biểu hiện rối loạn hành vi của cô đã quá nặng sau gần 10 năm nghiện ngập.

BS Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết thêm: Không ít trường hợp bệnh nhân tự ý mua thuốc chống trầm cảm Amitriptyline uống quá liều và bị… rối loạn hưng cảm, một loại rối loạn tâm thần đối lập với trầm cảm khiến người bệnh luôn hưng phấn quá mức trong cảm xúc, tư duy lẫn hành động. Đây là một loại thuốc nguy hiểm, nếu lạm dụng, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với các rối loạn tâm thần trầm trọng, thậm chí có thể xuất hiện ý muốn tự hủy hoại, tự sát. Theo nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần, đây là một loại thuốc mà ngay cả các BS tâm thần giàu kinh nghiệm cũng phải cực kỳ cân nhắc khi kê toa.

Kê toa đúng liều, đúng bệnh

Nguy cơ lệ thuộc thuốc

BS Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh nguy cơ từ việc lạm dụng các loại thuốc an thần thông dụng như Lexomil, Seduxen…: “Nhiều người nghĩ đơn giản đây là các loại thuốc trị mất ngủ, dùng một vài lần thấy ngủ được lại dùng tiếp và liều lượng ngày một tăng. Từ đó, bệnh nhân sẽ lệ thuộc vào thuốc mỗi khi cần “dỗ” giấc ngủ. Nguy hiểm hơn, những loại thuốc này sẽ gây nghiện nếu sử dụng lâu dài – hiện tượng mà chúng ta vẫn quen gọi là “nghiện tân dược”. 

 

BS Phạm Văn Trụ bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng người dân tự ý đi mua các loại thuốc điều trị tâm thần đang khá phổ biến. Có người nghĩ rằng những triệu chứng như mất ngủ nhiều ngày liền, đau đầu kéo dài… là nhẹ và không cần đi khám. Một số người khác thì lại ngại tìm đến khoa tâm thần bởi sợ bị dị nghị, bị người xung quanh cho là mình… điên.

Tình trạng bệnh nhân dùng sai toa thuốc cũng gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Nhiều người sau một lần đến bệnh viện khám, dùng hết thuốc theo toa ban đầu lại không chịu tái khám như yêu cầu. Họ đem toa thuốc cũ đi mua và sử dụng giống như lần đầu mặc dù bệnh tình sau thời gian chữa trị đã khác đi. Kết quả là bệnh nặng thêm vì dùng quá liều. Một nam thanh niên bị tâm thần nhẹ, hay nói lảm nhảm một mình được người nhà thay BS “chẩn bệnh” cho rằng bệnh của anh cũng giống với một người anh họ. Thế là toa thuốc của người anh được đem sử dụng cho người em. Đến khi những biểu hiện rối loạn hành vi, kích động… của anh quá nặng, người nhà mới hốt hoảng đưa đến bệnh viện.

BS Nguyễn Ngọc Quang khuyến cáo: “Khi có những triệu chứng bất ổn về tâm lý, tâm thần, người bệnh nên tìm đến BS để được cho toa đúng liều, đúng bệnh. Nhiều loại thuốc tâm thần có vô số tác dụng phụ, thậm chí một số thuốc thuộc nhóm an thần, chống trầm cảm, loạn thần… có thể gây nghiện nếu sử dụng không đúng cách trong thời gian dài”. Các BS chuyên khoa tâm thần cũng cảnh báo rằng những di chứng để lại do lạm dụng thuốc điều trị tâm thần thường rất nặng nề, điều trị tốn kém, mất thời gian và ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập của người bệnh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.