Một kinh nghiệm trong chữa thống phong

03/04/2010 23:34 GMT+7

Anh Nguyễn Văn T. (39 tuổi, ở đường Phạm Ngũ Lão, Quy Nhơn) cho biết anh bị đau nhức và sưng tấy các khớp cổ ngón bàn chân, bàn tay. Từ năm 1990, anh dùng thuốc tây để điều trị theo đơn khám của bác sĩ, nhưng vẫn không khỏi bệnh.

Tự tìm lục tài liệu, sách thuốc, anh biết mình bị gút (thống phong), đi xét nghiệm, kết quả acid uric máu quá cao: đến 16,5 mg% (mức bình thường là 3-7 mg%). Uống thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, bệnh có giảm nhưng tái đi tái lại, lâu lâu phải nghỉ lao động. Đến năm 1997, anh được mẹ vợ cho uống bài thuốc nam gồm củ ráy và chuối hột chín, sau 1-2 tháng bệnh đã khỏi, và từ đó đến nay chưa thấy tái phát, anh T. lao động bình thường.

Củ ráy còn có tên cây ráy dại, dã vũ, cây cao 0,3 đến 1,4m; dưới đất có thân rễ hình cầu, sau phát triển thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vảy màu nâu. Lá to hình tim, cuống lá to và dài khoảng 30 - 40 cm. Hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên. Ráy mọc hoang những nơi ẩm thấp. Nên dùng ráy có tuổi từ 1 năm trở lên. Đào rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, xắt lát phơi khô, sao vàng. Trong củ ráy có tinh bột và chất gây ngứa, nên khi chế biến nên có găng tay, không nên ăn củ ráy nấu chín vì rất ngứa; ngay cả khi thái mỏng, sao vàng, hơi xông lên cũng gây khó chịu, dễ hắt hơi, sổ mũi.


Lá lốt - Chuối hột (Ảnh: T.Tùng)

Trong dân gian có dùng củ ráy để chữa mụn nhọt. Theo công thức ráy 80-100g, nghệ 60g, cho dầu vừng (mè) nấu nhừ, thêm tinh bột dầu thông, sáp ong khuấy tan để nguội, phết lên giấy dán vào nơi mụn, nhọt, nếu mới sưng thì tan, nếu có mủ thì hút mủ. Ráy còn dùng chữa ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân, đầu gối, bằng cách củ ráy giã nát xào với giấm để bó vào chỗ sưng đau khi còn ấm nóng.

Còn trái chuối hột, ngoài công dụng chữa có sỏi nhỏ ở đường tiết niệu, còn có thêm tác dụng chữa bệnh gút khi phối hợp với củ ráy, theo công thức: ráy sao vàng 50g, cùng 30g chuối quả chín thái mỏng, sao vàng, sắc uống liên tục trong 1-2 tháng, thấy bệnh giảm hẳn.

Ngoài ra còn có thể kể thêm lá lốt, thường được dân gian dùng làm gia vị, ngoài ra còn dùng lá lốt khô để làm thuốc. Lá lốt có tác dụng giải nhiệt, cảm lạnh, đau nhức đầu, đau xương, thấp khớp… Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt có tác dụng tốt trong chữa viêm đa khớp, bằng cách: lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước - tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, mỗi vị đều nhau 15g khô, đem sắc (nấu) với 600 ml nước, nấu cô đặc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm dân gian trong việc điều trị bệnh gút có kết quả, mà người bị bệnh có thể áp dụng.

BS Trang Xuân Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.