Lạm dụng thuốc kích thích cho trẻ - Rước họa vào thân

11/09/2010 10:45 GMT+7

Ôm đứa con gái bị rối loạn tiêu hóa đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 TPHCM gần 3 ngày nay, chị Trần Hoài Phương (ngụ phường 9, quận 3, TPHCM) cho biết: “Con bé biếng ăn quá. Nghe mấy bà chị quảng cáo, tôi mua thuốc kích thích ăn cho cháu. Ai ngờ…”. Bác sĩ điều trị của bé cho biết, do dùng thuốc kích thích quá liều, bé không hấp thu được gây tiêu chảy kéo dài. Đó cũng là lời cảnh báo trước tình trạng lạm dụng thuốc kích thích cho trẻ hiện nay…

Biếng ăn: Đã có thuốc kích thích!

Vỗ về đứa con gái đang thiêm thiếp, suy kiệt, chị Phương không khỏi xót xa: “Mỗi lần đến bữa ăn là cả nhà loạn lên như cái chợ. Người thì đem đồ chơi ra dụ ngọt, người khoa chân múa tay làm trò… Cho cháu ăn là cả cực hình nên nghe nói có thuốc kích thích ăn là tôi mua liền”.

Qua giới thiệu, chị Phương đến một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 mua liền mấy liều thuốc kích thích cho trẻ ăn có tên Peritol. Tuy nhiên, theo chị Phương, hôm uống liều đầu tiên, cháu ăn ngon miệng và nhiều hơn hẳn những bữa trước. Được đà, hôm sau chị cho uống “nặng đô” hơn để con ăn được nhiều. Đến hôm thứ 3, đứa trẻ bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn và đi tiêu phân lỏng, sau đó thì tiêu chảy liên tục, bé bỏ ăn và suy kiệt, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Hiện thị trường có rất nhiều loại thuốc kích thích được quảng cáo dùng cho trẻ rất tốt, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, hấp thu dinh dưỡng tốt, phát triển chiều cao và trí thông minh…

Một bà mẹ có đứa con trai 2 tuổi ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM cho biết, trên nhiều diễn đàn mạng về trẻ em có nêu rất nhiều loại thuốc kích thích cho trẻ mà không biết chọn loại nào. Trong đó, thuốc Sterogy được các mẹ bàn tán nhiều nhất.

Chị Hường, nhà ở quận 7, than thở: “Con tôi đã 8 tháng tuổi mà chỉ nặng 6kg. Hai tháng nay, cháu không tăng cân nên được biết Sterogy giúp ăn ngon miệng là tôi mua liền. Ai ngờ, hôm nào không có thuốc là cháu không ăn”.

Trong khi đó, một số bà mẹ mới được giới thiệu về loại thuốc kích thích ăn cho trẻ và áp dụng có hiệu quả nên phấn khởi. Một bà mẹ có con trai 1 tuổi ngụ quận 5 được nhiều người khuyên dùng thuốc ống nước Dynamogen và khẳng định, sau khi uống, con mình “có vẻ” cũng thích ăn hơn hẳn.

Qua tìm hiểu, thị trường thuốc kích thích cho trẻ hiện khá phong phú. Hầu hết các nhà thuốc cho biết, hiện những sản phẩm thuốc kích thích cho trẻ bán rất chạy như Peritol, Corticoides, Inpadin, Dobenzic…

Nguy cơ gây hại cho trẻ

Không chỉ thuốc kích thích ăn, một số sản phẩm khác dưới dạng thực phẩm chức năng cũng đang được rao tràn lan là giúp phát triển chiều cao, tăng trí thông minh cho trẻ… Gần đây, nhiều người truyền tai nhau hai loại thuốc không có xuất xứ là huma... và chondro..., với sự phóng đại là tăng chiều cao. Chẳng hạn, loại huma… được quảng cáo tiêm cho trẻ 3 lần/tuần với chi phí tổng cộng là 20.000 USD/năm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chưa có tài liệu nào khẳng định hai loại thuốc trên làm tăng trưởng chiều cao.

Vừa qua, một số bệnh viện tại TPHCM cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân có chiều cao khiêm tốn sử dụng hormone tăng trưởng và hậu quả là bị... to đầu chi. Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng các loại thuốc và hormone tăng trưởng gây rối loạn chuyển hóa, cơ thể chậm phát triển, thậm chí gây các bệnh lý rất nguy hiểm cho trẻ.

Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM cũng cho thấy không ít trẻ phải cấp cứu tại đây có tiền sử biếng ăn và sử dụng thuốc kích thích. Còn tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, hầu như ngày nào cũng đầy ắp những bà mẹ trẻ đưa con tới xin tư vấn về dinh dưỡng vì “con mình uống thuốc kích thích mà vẫn gầy nhom”.

Theo các chuyên gia vi sinh Đại học Y dược TPHCM, loại thuốc kích thích ăn ở trẻ như Peritol, Corticoides thực ra thường dùng điều trị những bệnh về dị ứng và nội tiết nhưng có tác dụng phụ là làm cho thèm ăn, được khuyến cáo hạn chế sử dụng. “Nếu ngưng dùng thuốc cũng đồng nghĩa ngưng cảm giác thèm ăn và dễ gây biến chứng. Do đó, trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc, không kích thích hệ tiêu hóa phát triển”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết. Có khoảng 30%-40% trẻ từ 2 - 3 tuổi biếng ăn khi đến thăm khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, trong đó không ít trẻ được yêu cầu điều trị do bị phù nề bởi lạm dụng thuốc kích thích ăn kèm theo nguy cơ chậm phát triển.

Theo BS Nguyễn Thị Hoa, Khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 TPHCM, rất nhiều trẻ đến khám bởi tình trạng lạm dụng thuốc kích thích vô tội vạ của phụ huynh khiến con phải mang họa. Thống kê mỗi tháng, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, 70% trong đó đến khám vì biếng ăn, còn lại là chậm tăng cân. “Nhiều trường hợp nghe theo quảng cáo, tự ý mua thuốc cho con uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ khiến nhiều trẻ bị phù thủng và thêm một số bệnh lý khác”, bác sĩ Hoa cho biết.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, thực chất một số loại thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng, tăng trưởng dùng cho trẻ rất có hại. Đây là các loại thuốc không thể trị được chứng biếng ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo. Từ đó, gây nguy cơ táo bón, tiêu chảy, gây khô miệng, khó tiểu tiện, phù nề và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Việc biếng ăn, chậm tăng trưởng ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Vì vậy, khi trẻ biếng ăn, thấp, còi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ, không nên tự động mua thuốc biếng ăn để tiền mất, tật mang.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.