Không con dễ bị ung thư vú

07/03/2011 11:30 GMT+7

Khi thấy bầm tím ở vú mà không có sự va chạm mạnh, da vú co và nhăn nhúm, núm bỗng nhiên tụt thì nên gặp thầy thuốc ngay.

Trong quá trình điều trị và tư vấn, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn trẻ về những vấn đề liên quan đến ung thư vú (UTV)- căn bệnh được xem là nỗi sợ lớn nhất mà phụ nữ phải đối diện khi tiến gần đến tuổi mãn kinh. Trong đó, những câu hỏi sau đây nhận được nhiều nhất và cũng qua đây, gửi tới bạn đọc lời giải đáp:

- Có phải tỉ lệ UTV cao ở một số nhóm đối tượng? Có tăng ở nhóm phụ nữ trẻ, tiền mãn kinh và sau mãn kinh. Những yếu tố như chế độ ăn và phơi nhiễm với chất độc chiếm tỉ lệ khoảng 80%, các yếu tố về gien chỉ chiếm khoảng 20%.

 
Một bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Ngọc Dung

- UTV nhạy cảm với hormon? Mô vú nhạy cảm với hormon do buồng trứng tiết ra estrogen và progesterone. Nồng độ estrogen cao là nguyên nhân góp phần vào tỉ lệ UTV và béo phì là một nguyên nhân gây tăng estrogen. Mặc dù có sự phối hợp chặt chẽ giữa estrogen và progesterone nhưng progesterone có thể có vai trò làm cân bằng hay đối trọng với estrogen trong bệnh ung thư. 
 
- Cơ chế nào phát sinh UTV? Chưa rõ thực sự nhưng nhìn tổng thể nó giống như một sự mất cân bằng của cơ thể. Mọi ung thư đều bắt nguồn từ biến đổi nhỏ ở một trong các tế bào. Khi tế bào trở thành tế bào ung thư, nó nhân lên nhanh hơn và mất đi sự biệt hóa bình thường để phát triển với tốc độ “vô kỷ luật”.  

Giảm ăn mỡ, vận động thường xuyên

Tầm soát là cách rất quan trọng để phát hiện sớm UTV (được hướng dẫn tự khám vú, khám định kỳ ở thầy thuốc, chụp ảnh vú khi nghi ngờ). Đó cũng là cách điều trị hiệu quả nhất khi vú tổn thương.

Nữ trên 20 tuổi cần được thầy thuốc khám vú toàn diện ít nhất 3 năm một lần; trên 40 tuổi, mỗi năm một lần. Tạo thói quen vận động thân thể thường xuyên; giảm ăn mỡ, nên ăn nhiều rau quả và các thức ăn có chất xơ khác; hạn chế uống rượu.

 

- Vì sao nữ không sinh đẻ có tỉ lệ UTV cao hơn nữ có sinh đẻ? Thai nghén trước tuổi 30 có tác dụng bảo vệ vì progesterone là hormon có nhiều nhất khi có thai. Thai nghén lần đầu, đủ tháng và sớm sẽ có tác dụng bảo vệ. Phụ nữ có thai lần đầu trước tuổi 18 chỉ có khoảng 1/3 nguy cơ UTV, cao so với phụ nữ có thai lần đầu sau tuổi 35. Ngừng thai nghén (do phá thai hay do sẩy thai tự nhiên) đều không tạo ra sự bảo vệ. Phụ nữ không có con nguy cơ UTV cao hơn người có một hay hơn một con. Nếu bị cắt cả 2 buồng trứng trước tuổi 40 thì nguy cơ UTV giảm rõ rệt.
 
- Làm gì để bảo vệ vú cho phụ nữ không thể có thai ở độ tuổi 25 - 35? Đó là tìm cách kích thích sự biệt hóa ở vú mà không cần phải có thai. Trên thực nghiệm, kích dục tố màng đệm có thể gây ra được mức độ biệt hóa như khi có thai.
 
- Vì sao phát hiện sớm ung thư vú sẽ có tác dụng cứu sống người bệnh? Vì thời gian dự tính kể từ khi xuất hiện tế bào ung thư duy nhất cho đến khi nó phát triển có kích thước đủ để chẩn đoán được bằng cách sờ nắn là khoảng 8 - 10 năm. Nhiều trường hợp UTV đã bắt đầu từ 10 - 15 năm trước mãn kinh. Việc phát hiện sớm tất nhiên đem lại nhiều cơ hội hơn cho điều trị.
 
- Chế độ ăn có thể là yếu tố nguy cơ gây UTV? Vì béo phì làm tăng nồng độ estrogen. Nạp quá nhiều đường và carbohydrate tinh lọc không chỉ gây béo phì mà tăng cả nồng độ insulin, phối hợp cả 2 yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc hầu hết các loại ung thư. 
 
- Những phương pháp nào để điều trị UTV? Hầu hết việc điều trị UTV được phối hợp giữa các liệu pháp: mổ, tia xạ, hóa liệu pháp và hormon liệu pháp.
 
- Khi nào cần gặp thầy thuốc? Khi thấy cục/đám cứng mới ở vú trong mỗi lần tự khám vú (bị bầm tím ở vú mà không có sự va chạm mạnh nào; núm vú tiết dịch, nhất là dịch có máu hay màu hồng; da ở vú co, nhăn nhúm giống như vỏ cam; núm vú bỗng nhiên thấy tụt (trước đây không có). Cũng nên gặp thầy thuốc khi phụ nữ từ 20 tuổi muốn được hướng dẫn về cách tự khám vú hoặc phụ nữ trên 40 tuổi mà chưa từng được chụp ảnh vú.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.