Khó phát hiện bệnh hưng cảm

13/06/2011 09:57 GMT+7

Hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc, người bệnh bỗng yêu đời quá mức, tràn đầy năng lượng nhưng cũng sớm đẩy họ vào tình trạng suy kiệt.

Sau chuyến thăm quê ở miền Bắc về, bà C. bỗng vui vẻ lạ thường, suốt ngày huyên thuyên rồi bỗng tuyên bố bà đang sở hữu mấy chục tỉ đồng, nhất định đòi một người hàng xóm bán lô đất để bà xây một cơ ngơi hoành tráng. Bà C. bị bắt trong một lần nhào vào đánh người vô cớ gây thương tích. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, cho biết kết quả giám định cho thấy bà C. bị rối loạn khí sắc dẫn đến hưng cảm nặng kèm theo hoang tưởng.

Rất yêu đời khi lên cơn

Cách đây không lâu, một người đàn ông  bị bắt và phải đi giám định sau một lần gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lần đó, đang đi đường, ông phát hiện chiếc taxi đậu bên đường có để sẵn chìa khóa nên nảy sinh ý tưởng lái thử mấy vòng. Hậu quả là một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra làm 4 người bị thương nặng, chiếc xe tông vào cột điện. Ông này bị bắt và kết quả giám định tâm thần cũng cho thấy bị hưng cảm nặng. Cơn hưng cảm bùng lên đã làm ông mất khả năng điều khiển hành vi.

 
Bác sĩ  Vũ Đình Vương chỉ bức tường chi chít hình vẽ, chữ viết của bệnh nhân hưng cảm

Bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nam của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chỉ vào mấy bức tường đầy những bài thơ, hình vẽ trong phòng bệnh và cho biết: “Tất cả đều là tác phẩm của bệnh nhân hưng cảm. Khi lên cơn, họ rất yêu đời, làm thơ, vẽ, viết lung tung trên tường, trên drap giường, hát hò, túm lấy người khác nói chuyện và rất dễ bị kích động nếu bị ai đó ngăn cản những trò vui vẻ của họ”.

Dễ nóng giận, tiêu xài vô độ

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng cảnh báo: “Ngoài những tổn hại đến bản thân, người bệnh hưng cảm còn dễ gây tổn hại đến những người xung quanh do căn bệnh khiến họ không còn biết đến những khuôn khổ, ranh giới thông thường. Việc cảm xúc gia tăng còn khiến người hưng cảm dễ có hành vi bạo lực với những ai làm trái ý mình.
 
Đa số bệnh nhân hưng cảm bỗng tiêu xài vô độ, mua sắm hoang phí và sẵn sàng móc sạch túi ra cho những người không quen biết. Những bệnh nhân làm trong ngành kinh doanh thì thường lao vào những vụ đầu tư mạo hiểm, không còn tỉnh táo để tính toán thiệt hơn. Nhiều gia đình có người hưng cảm đã trở nên tán gia bại sản là vì vậy”.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, định nghĩa hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc, làm tăng tất cả các mặt hoạt động tâm thần của người bệnh, như: cảm xúc, tư duy, tri giác và hành vi tác phong. Trong đó, bệnh chủ yếu tác động lên cảm xúc của bệnh nhân và cảm xúc hưng phấn, yêu đời quá mức này sẽ chi phối các mặt còn lại.

Có thể do stress kéo dài

Hưng cảm đối lập với trầm cảm (dạng rối loạn khí sắc khiến bệnh nhân trở nên u uất, buồn bã, mất sinh khí) và thường kèm theo những ý nghĩ hoang tưởng tự cao; nói nhiều, đứng ngồi không yên và thường xuyên xen vào những chuyện không phải của mình. Nguyên nhân của bệnh có thể do yếu tố di truyền hoặc các vấn đề  gặp phải trong môi trường xã hội, các sang chấn tâm lý, stress kéo dài…

Đa số các trường hợp bệnh nhân được đưa đi điều trị đều đã ở giai đoạn nặng, suy kiệt hoặc đã có những hành động gây tổn hại đến gia đình và những người xung quanh. Bởi lẽ người thân của họ không nghĩ sự yêu đời, hưng phấn đột ngột ấy là bệnh, thậm chí còn mừng khi thấy họ vui vẻ, tràn đầy sinh khí hơn so với ngày thường.

“Sự hưng phấn ấy khiến người hưng cảm ít có nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ mà chỉ chú tâm vào làm những điều mà họ… hứng. Cho nên sau một thời gian, cơ thể bệnh nhân sẽ suy kiệt” – bác sĩ  Thắng cho biết và nhấn mạnh: “Nếu biểu hiện yêu đời của một người trở nên thái quá và vô căn cứ, xuất hiện những hiện tượng bỏ ăn, bỏ ngủ thường xuyên, gia tăng hoạt động bất thường… thì nên đưa người ấy đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.