Khi nào nên tầm soát ung thư?

17/11/2011 10:02 GMT+7

Hiện không ít người đi tầm soát bệnh ung thư để nếu có bệnh thì được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhưng các bác sĩ cho rằng tầm soát không đúng sẽ gây lãng phí, thậm chí nguy hiểm cho người đi tầm soát.

Hiện không ít người đi tầm soát bệnh ung thư để nếu có bệnh thì được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhưng các bác sĩ cho rằng tầm soát không đúng sẽ gây lãng phí, thậm chí nguy hiểm cho người đi tầm soát.

 

Người bệnh tham vấn tầm soát bệnh ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: T.Dương

Mới đây, một cô giáo 32 tuổi ở Q.Tân Bình, TP.HCM cầm theo loạt kết quả xét nghiệm tầm soát về các loại bệnh ung thư đến Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM để nhờ bác sĩ tham vấn thêm. Cô giáo này kể chị cô mới mắc bệnh ung thư dạ dày nên cô lo mình mắc bệnh.

Chỉ định xét nghiệm tràn lan

Khi nhìn những xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, trưởng Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Nhân Dân 115, cho rằng những xét nghiệm này chỉ nên chỉ định với người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, các chỉ số xét nghiệm đánh giá diễn tiến bệnh thế nào chứ không có giá trị tầm soát bệnh. Đáng nói dù bệnh nhân là nữ nhưng trong số các xét nghiệm được yêu cầu có cả xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt!

Bác sĩ Ngọc Anh cho biết tại Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Nhân Dân 115 vẫn tiếp nhận những bệnh nhân nam đi tầm soát ung thư được chỉ định xét nghiệm ung thư vú, và bệnh nhân nữ lại được chỉ định làm xét nghiệm tuyến tiền liệt. Lý giải về điều lạ lùng này, bác sĩ Ngọc Anh cho biết hiện một số phòng khám đã in sẵn các xét nghiệm để bác sĩ chỉ định và nhiều bác sĩ cứ tiện tay gạch một loạt từ trên xuống dưới.

Những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ung thư

Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, vết loét trên da không lành sau ba tuần, nốt ruồi to lên, chảy máu hoặc ngứa, nhức đầu dữ dội tái đi tái lại, khàn tiếng kéo dài, ho đàm lẫn máu, đau bụng kéo dài, thay đổi hình dạng kích thước tinh hoàn, tiểu máu không kèm theo đau, thay đổi thói quen đi cầu, có khối u hoặc thay đổi hình dạng vú, chảy máu hoặc tiết dịch núm vú...

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khẳng định hiện không có một xét nghiệm máu hay phương tiện chẩn đoán hình ảnh nào có thể phát hiện ngay người bệnh có mắc bệnh ung thư hay không. Ngay cả những máy PET CT (mỗi lần chụp có giá 26-28 triệu đồng), chụp cắt lớp điện toán toàn thân... cũng không thể phát hiện sớm bệnh ung thư, mà phải phối hợp khám lâm sàng và kết hợp nhiều xét nghiệm khác nhau.

Chưa kể, theo bác sĩ Ngọc Anh, trong trường hợp được chỉ định làm những xét nghiệm đúng ra để định giá cho người đã mắc bệnh, nếu có chỉ số xét nghiệm thấp và bình thường thì vẫn có thể mắc bệnh ung thư. Do vậy, chỉ định xét nghiệm không đúng còn làm người đi tầm soát dễ bỏ sót bệnh ung thư nếu có.

Lỗ hổng trong khám sức khỏe định kỳ

Bác sĩ Ngọc Anh khuyên muốn tầm soát bệnh ung thư phải có định hướng, chứ không phải tìm tràn lan. Ai có những dấu hiệu bất thường mới nên đi tầm soát bệnh ung thư. Trường hợp một người đàn ông hơn 50 tuổi bị ho dai dẳng mới cần xét nghiệm xem có bị ung thư phổi hay không. Nữ trên 30 tuổi nên phết tế bào âm đạo định kỳ là tốt nhất để có thể tầm soát ung thư cổ tử cung...

Còn theo bác sĩ Quốc Thịnh, tầm soát ung thư cũng cần đúng quy trình bài bản. Hiện nhiều phụ nữ đi tầm soát bệnh ung thư vú. Khi đến các cơ sở y tế, bác sĩ chỉ định cho chụp nhũ ảnh và kết quả không có vấn đề. Sau đó, những phụ nữ này vẫn thấy ngực đau nhức nên đến cơ sở y tế khác để khám, cũng được chỉ định cho chụp nhũ ảnh. Người bệnh tiếp tục chụp thêm một nhũ ảnh chỉ trong vòng vài tháng. Điều này không đúng vì chụp nhũ ảnh một năm chụp một lần, chứ mỗi lần đau là mỗi lần chụp sẽ đưa lượng phóng xạ vào cơ thể, có thể gây thêm bệnh ung thư.

Bệnh viện Ung bướu còn gặp khá nhiều trường hợp khi nhận kết quả mắc bệnh ung thư vú đều ngạc nhiên, cho biết năm nào cũng khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan, cũng siêu âm ngực mà sao không phát hiện bệnh. Tuy khó giải thích chính xác, song một lỗ hổng thường gặp trong khám sức khỏe định kỳ là chị em chỉ được siêu âm ngực chứ không được khám lâm sàng, tức là phải có bàn tay bác sĩ khám. Khi khám các bác sĩ mới biết mật độ mô vú ở chỗ nào cứng hay mềm, bình thường hay bất thường.

Bác sĩ Thịnh khuyên bệnh nhân muốn tầm soát bệnh ung thư nên đến những bệnh viện chuyên khoa ung thư, hoặc những bệnh viện có liên quan nhiều đến ung thư, hoặc những bệnh viện ngoại khoa có chuyên khoa tổng quát... Ví dụ, một người đàn ông 50 tuổi lo sợ ung thư tuyến tiền liệt nên đi khám. Bên cạnh khám lâm sàng (bác sĩ phải khám bằng tay), người bệnh sẽ được cho thử máu. Trường hợp thấy người bệnh có những bất thường về tuyến tiền liệt, bác sĩ tiếp tục sinh thiết từ tuyến tiền liệt mới biết bệnh nhân mắc bệnh hay không.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.