Hội chứng Tennis Elbow: Dễ mắc nhưng dễ ngừa

02/09/2011 09:44 GMT+7

Một bệnh nhân đến bệnh viện kể với chúng tôi rằng anh có 2 cánh tay chắc, khỏe nhưng mới đây chỉ cần một chút vận động nhỏ, thậm chí là nâng một tách trà, cũng đau đớn không chịu nổi. Chúng tôi khám và thấy các khớp ở cổ tay và xương tay bị chệch, triệu chứng rất rõ của hội chứng đau khuỷu tay (hội chứng Tennis Elbow).

Các khảo sát về bệnh học cho thấy có khoảng 1% - 5% trong số chúng ta mắc hội chứng đau khuỷu tay ít nhất một lần trong đời. Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 10% - 50% người chơi tennis mắc phải hội chứng này. Những người chơi cầu lông, đánh golf, bowling... thường xuyên cũng có tỉ lệ mắc khá cao.

Ban đầu, biểu hiện của hội chứng này là đau vùng phía ngoài khuỷu và chỉ đau khi thực hiện động tác làm động chỗ viêm. Khi đã nặng hơn thì đau thường xuyên kể cả lúc không chơi thể thao, không thể cầm vật nặng.

Hội chứng đau khuỷu tay là một tình trạng viêm hoặc rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài khuỷu tay. Nguyên nhân do các nhóm cơ này bị suy yếu nên khi vận động quá mức, nơi bám của các cơ sẽ phải chịu lực căng, kéo quá sức gây ra các vi chấn thương dẫn đến rách gân cơ hoặc lâu ngày gây viêm.

Các chuyên gia về y học thể thao đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra hội chứng này thường là do kích thước tay cầm vợt quá to hoặc quá nhỏ; lưới vợt quá căng hay banh quá nặng do ướt nước; khởi động không kỹ; chơi quá sức hoặc lúc cơ thể không khỏe; kỹ thuật chưa đúng.

Thầy thuốc cũng khuyên chúng ta khi phát hiện  những dấu hiệu nói trên thì nên ngừng chơi; chườm lạnh tại chỗ 10-15 phút, có thể làm 4-5 lần/ngày; tập các bài tập kéo dãn những nhóm cơ vùng khuỷu; nếu đau nhiều, nên băng treo tay bất động tạm; có thể dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm uống thông thường. Cần lưu ý là không nên gắng chơi tiếp vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn do rách gân nặng hơn, máu bầm ra nhiều hơn; xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc xoa bóp hoặc nắn sửa không đúng sẽ gây viêm mãn tính tại chỗ, về sau rất khó điều trị.

Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà sau một tuần vẫn còn đau hoặc tái đi tái lại tình trạng đau thì nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương thể thao để điều trị.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.