Hà Nội: khốn khổ vì dịch “giời leo”

29/09/2009 11:32 GMT+7

Hơn một tuần nay, người Hà Nội khốn khổ với loại bệnh gây nên những nốt sần đỏ, có mủ, chảy nước xuất hiện ở mặt, tay, đùi... Dân gian gọi chứng bệnh này là giời leo, còn các bác sĩ gọi là viêm da tiếp xúc!

Ngày cao điểm: 80 ca giời leo

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Nội, cho biết người bị viêm da tiếp xúc đến khám rải rác từ trước 20-9, nhưng từ 23-9 đến nay bệnh nhân đến trung tâm dồn dập. Trong ba ngày từ 23 đến 25-9, trung tâm tiếp nhận tới 181 bệnh nhân viêm da tiếp xúc. Ngày cao điểm có đến trên 80 bệnh nhân vào viện với các biểu hiện sưng phù nề ở mặt, cổ, đùi, hai cánh tay... Những bệnh nhân nặng, nốt sưng phù nề làm mặt húp híp, chảy nước, mưng mủ, ảnh hưởng nặng đến thẩm mỹ.

Theo bác sĩ Quang, bệnh viêm da kích ứng do chất tiết của côn trùng khi tiếp xúc trực tiếp với da. Cho đến nay chưa xác định được chính xác loại côn trùng gây bệnh, nhưng một số tác giả cho rằng có thể do côn trùng kiến khoang, thường ẩn náu ở ruộng hoặc bãi rác. Vào mùa gặt chúng không còn nơi trú ngụ nên bay vào nhà theo ánh đèn rồi bám vào người, chăn chiếu, đồ dùng, quần áo và gây bệnh.

Không tự ý điều trị

Cũng theo bác sĩ Quang, bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, các vị trí thường thấy nhất là các vùng da hở hoặc có khi rải rác khắp người. Nhưng nguy hiểm nhất là tổn thương ở các vùng da mỏng hoặc vùng mắt. Khi gặp những triệu chứng kể trên, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám, tuyệt đối không bôi thuốc theo mách nước hoặc nhai gạo nếp đỗ xanh đắp vào vết phù nề có thể nhiễm trùng, để lại sẹo sau này.

Người dân nên chống dịch bằng cách lắp các tấm lưới chống côn trùng vào nhà, hoặc khi côn trùng đã vào nhà thì nên tắt điện để chúng tự bay ra. Khi côn trùng đã đậu vào người thì nên xua nó đi chứ không nên đập, tránh chất tiết của côn trùng dính vào người và gây bệnh - bác sĩ Quang hướng dẫn.

Để tránh lây lan, người bệnh nên tránh sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác hoặc người khác. Cũng không nên có tư tưởng ngại tắm vì sợ tắm sẽ làm lây bệnh sang vùng da khác. Nếu không tắm, chất tiết côn trùng vẫn còn trên da mới gây nguy hiểm. Trước khi tắm, nên kiểm tra khăn mặt, đồ dùng, quần áo, tránh hiện tượng côn trùng đã đậu vào và gây bệnh.

Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.