Giảm bệnh tật từ đôi mắt

05/03/2012 03:14 GMT+7

Mắt lão hóa có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sinh lý học của cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở người lớn tuổi.

Mắt lão hóa có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sinh lý học của cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở người lớn tuổi. 

Qua nhiều thập niên, giới khoa học nỗ lực tìm kiếm lời giải thích tại sao một số tình trạng lại xuất hiện khi tuổi già, trong đó có chứng mất trí nhớ, phản ứng chậm chạp, mất ngủ, trầm cảm. Họ đã cẩn thận kiểm tra những mối nghi ngờ khác như lượng cholesterol cao, béo phì, bệnh tim mạch và thậm chí lối sống ít vận động. Đến nay, nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ đã khám phá một tác động bất ngờ không hề biết trước: đó chính là sự lão hóa của đôi mắt.

 
Vận động ngoài trời có ích cho võng mạc của người lớn tuổi - Ảnh: Shutterstock

Tình trạng vàng hóa dần thủy tinh thể cùng với đồng tử thu hẹp xuất hiện theo tuổi tác đã làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, góp phần gây nên vô số vấn đề về sức khỏe. Khi mắt lão hóa, lượng ánh sáng lọt qua thủy tinh thể ngày càng ít đi, dẫn đến thiếu hụt ánh sáng ở các tế bào chủ chốt vùng võng mạc - vốn chịu trách nhiệm nhịp độ sinh học của cơ thể. “Chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của quá trình này rất lớn và nó chỉ mới bắt đầu được công nhận là vấn đề về sức khỏe”, tờ The New York Times dẫn lời bác sĩ Patricia Turner, chuyên khoa mắt ở Leawood, Kansas. Bà đã cùng chồng là giáo sư khoa mắt Martin Mainster của Đại học Kansas viết báo cáo chi tiết về ảnh hưởng của đôi mắt già đi đối với sức khỏe.

Tế bào cảm quang trong võng mạc hấp thu ánh sáng mặt trời và chuyển tải các thông điệp đến phần của não gọi là hạt nhân giao thoa chéo (S.C.N), chịu trách nhiệm điều khiển đồng hồ sinh học. S.C.N điều chỉnh cơ thể theo môi trường bằng cách kích hoạt sự sản sinh hormone melatonin vào chiều tối và cortisol vào buổi sáng.

Melatonin được cho là có nhiều chức năng thúc đẩy lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã cho thấy người có lượng melatonin thấp, dấu hiệu S.C.N hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư, tiểu đường và tim mạch. Phải đến năm 2002, giới khoa học mới biết rõ về sự đồng bộ giữa nhịp sinh học với vai trò của đôi mắt. Ngoài tế bào hình roi và nón, nhóm của tiến sĩ Berson thuộc Đại học Brown còn phát hiện tế bào sâu bên trong võng mạc cũng có khả năng cảm quang, và thậm chí chúng còn liên lạc trực tiếp hơn với não bộ.

Trong một nghiên cứu đăng trên chuyên san The British Journal of Ophthalmology, bác sĩ Mainster và Turner ước tính đến năm 45 tuổi, tế bào cảm quang ở người chỉ nhận phân nửa ánh sáng cần thiết để kích hoạt toàn phần nhịp sinh học. Đến năm 55 tuổi, tỷ lệ này rớt xuống còn 37% và khi con người 75 tuổi, tế bào cảm quang nhận được vỏn vẹn 17% lượng ánh sáng cần thiết. Trong một cuộc nghiên cứu liên quan, các chuyên gia Thụy Điển quan sát những bệnh nhân được phẫu thuật chữa chứng đục nhân mắt và phát hiện chứng mất ngủ cũng như tình trạng buồn ngủ vào ban ngày ở họ giảm hẳn. Còn ở một cuộc nghiên cứu khác, thời gian phản ứng của bệnh nhân được cải thiện sau khi thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ Mainster và Turner khuyên người lớn tuổi nên siêng năng ra ngoài hít thở không khí trong lành và quan trọng hơn là tắm nắng, nhằm hạn chế tối thiểu sự sụt giảm tiếp nhận ánh sáng ở tế bào cảm quang, từ đó giảm được những nguy cơ bệnh tật do tuổi già mang lại.

Phi Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.